Đạo diễn - NGUYỄN TƯỜNG PHƯƠNG

Là đạo diễn nổi tiếng nhưng rất kín tiếng. Người trong nghề nhận xét “Tường Phương kỹ đến từng chi tiết”. Tiếp xúc với anh, thấy anh cẩn trọng trong từng lời nói, từng lời nhận xét về người khác, hay cả khi người khác nhận xét rất tốt về mình.
Đạo diễn - NGUYỄN TƯỜNG PHƯƠNG
Ông sinh ngày: 16/9/1953
Tại Sài Gòn

Trước khi về làm việc tại Hãng phim Giải Phóng năm 1977, ông đã có trong tay 2 tấm bằng : Đại học Mỹ thuật và Văn Khoa.

Năm 1980 ông chuyển sang làm việc tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. 

Năm 1988 ông theo học khoa Đạo diễn Trường Điện ảnh TP.HCM.

Năm 1992 anh được học bổng tu nghiệp tại Đại học F.E.M.I.S (Paris, Pháp).

Năm 1995 ông về công tác tại Hãng phim Giải Phóng.

Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1985, là tác giả kịch bản các phim Tài liệu:
  • Những con mắt của biển.
  • Rừng trắng (1994).
Và sau đó là đạo diễn các phim:
  • Sài Gòn 1911 (1990).
  • Đồng Nai danh lam và cổ tích.
  • Gốm Biên Hòa (1993).
  • Phan Chu Trinh - 14 năm ở Pháp (đồng đạo diễn - Giải Khuyến khích Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1996).
  • Lời thề (1995 là phim Truyện nhưa đầu tiên do ông làm đạo diễn; phim được giải Khuyến khích của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1996).
Hiện nay ông là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Điện ảnh TP.HCM.

Đạo diễn Tường Phương vốn là người làm phim tài liệu “có cỡ”, với khá nhiều bộ phim tài liệu được giới chuyên môn đánh giá rất cao, nhưng khi chuyển qua làm phim truyện, anh cũng không kém cạnh với những bộ phim được khán giả đón nhận như Lời thề (phim nhựa), Đất khách và Dưới cờ đại nghĩa (phim truyền hình nhiều tập làm chung với đạo diễn Phương Nam). Tường Phương là người luôn khó tính với bản thân. Từ khi bước chân vào điện ảnh, anh đã đặt ra cho mình những công việc khó khăn nhất và từ từ giải quyết nó, phải đi từ khó đến dễ chứ không bao giờ anh có ý nghĩ ngược lại. Anh chấp nhận làm khổ, “đày đọa” bản thân mình, chính vì thế mà anh có thể tự hào những “đứa con” của mình không hề bị “đẻ non”. “Quan điểm của tôi là làm phim không chạy theo số lượng, tất cả những kịch bản phim đều được tôi nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Như Câu chuyện pháp đình này cũng vậy, tôi nghiền ngẫm kịch bản trong một thời gian dài, cả việc gặp gỡ, trao đổi với tác giả rồi mới bắt tay vào làm. Tôi không thích làm cái gì đó cho có, mà đã làm thì phải làm cho tới, nghĩa là nó phải có một chút “gai góc”. Tôi luôn “nuôi” được lửa đam mê điện ảnh trong con người mình nên những khó khăn, trở ngại nào cũng đều có thể vượt qua. Điều tôi mong đợi nhất ở bộ phim này là sự đồng cảm, chia sẻ của khán giả với những nhân vật mà tôi gửi gắm trong phim”