Rss Feed

Chuyện thời đánh Tây: Một người anh hùng không thể bị lãng quên

Đăng lúc: Thứ năm - 25/06/2015 10:43 - Người đăng bài viết: Hội Điện Ảnh TP.HCM
Để hiểu về toàn bộ sự nghiệp cống hiến của ông Khương Mễ - người có công đầu trong việc gầy dựng đặt nền móng cho nền Điện ảnh Kháng chiến ở Nam Bộ, xin được bắt đầu từ một cuộc triển lãm ảnh chiến đấu trên bờ con kinh Dương Văn Dương năm 1947.
Nghệ sĩ ưu tú Khương Mễ

Nghệ sĩ ưu tú Khương Mễ

Đó là những bức ảnh còn bốc mùi khói súng của trận Giồng Dứa tháng 4 năm đó. Cũng là lần đầu tiên nhân dân Đồng Tháp Mười và lãnh đạo Nam Bộ khu 8 như được tham dự một trận chiến Giồng Dứa được thu gọn trong vài chục bức ảnh, mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Lộc chụp trong khi chi đội 14 do khu trưởng Trần Văn Trà trực tiếp chỉ huy. Những bức ảnh quân ta phục kích trong các gân sậy. Chờ địch đến, anh Nguyễn Văn Kiên và vài vệ quốc quân đẩy cho kỳ được chiếc xe bò dưới ruộng lúa lên chận ngang đường Quốc lộ 4 thuộc địa phận Cai Lậy, Mỹ Tho (Tiền Giang) trước khi đoàn xe của chính phủ bù nhìn Lê Văn Hoạch đến. Cho đến ảnh quân ta nổ súng rồi xung phong như đoàn quân bay trong gió lên diệt đoàn xe địch.
Những xác quân địch, trong đó có Bộ trưởng Trương Vĩnh Khánh tử trận. Cuối cùng là những hình ảnh quân ta đang giải viên Đại tá La Fouge bị bắt sống vượt Đồng Tháp Mười về trại giam.
Triển lãm ảnh trận Giồng Dứa năm 1947 khai sáng ra một nghệ thuật tuyên truyền hết sức sinh động và tác dụng là càng động viên mãnh liệt lòng yêu nước của toàn dân ngày đầu kháng chiến tại bưng biền Đồng Tháp Mười.
Cũng từ những hình ảnh này chính ủy khu 8 Nguyễn Văn Vịnh buộc miệng ao ước: Giá mà những tấm hình này nó hoạt động được thì sức mạnh của nó sẽ là phi thường.
Chính câu nói tiền định đó mở ra một tương lai sáng lạn hơn. Nhà nhiếp ảnh Mai Lộc nghe chính ủy Nguyễn Văn Vịnh ước ao như thế, anh liền thưa: - Thưa anh, nếu anh muốn hình ảnh hoạt động được, đó là cinéma, nếu kháng chiến ta cần thì có người biết làm cinéma đó thưa anh.
 
Sự ra đời của Điện ảnh bưng biền Đồng Tháp Mười
Năm 1947, chánh quyền và bộ đội ta còn quá gieo neo. Cơm gạo thiếu để đánh giặc mà lại dám vung tay quá trán là muốn có ngành Điện ảnh của kháng chiến, là một tính toán táo bạo nếu không nói là phiêu lưu.
Nhưng Bộ tư lịnh khu 8 nhất trí cần phải có một nền điện ảnh mà thường gọi là cinéma, đồng thời xin khu 7 điều Khương Mễ về khu 8 theo Mai Lộc cho biết.
Còn Khương Mễ, ông hết sức ngạc nhiên biết mình được giao một nhiệm vụ tưởng trong mơ - đó là đứng ra thành lập Tổ Điện - Nhiếp ảnh Vệ Quốc đoàn khu 8 trong khi chỉ có đồng cỏ, chỉ có rừng tràm, nước phèn và tay không.
Mai Lộc bảo: Chính vì vậy kháng chiến mới cần đến một Khương Mễ.
Khi ông Khương Mễ trình cho cấp trên toàn bộ kế hoạch để hình thành cơ ngơi làm phim trong bưng biền, trong đó chủ yếu là phần kỹ thuật tráng, in phim, và quay phim. Nhờ Sở Tài chánh Nam Bộ sẵn sàng cấp nên ông có một số tiền mà ông chưa thấy trong đời để dựng lên một cơ ngơi điện ảnh cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Ông được cấp trên chấp thuận cải trang thành một nhà tư sản luồn trở vào Sài Gòn để mua máy móc phim nhựa.
Người mà Khương Mễ tin cậy là bạn cũ làm phim là ông Nguyễn Văn Dĩ. Ông Dĩ đang phụ trách câu lạc bộ thể thao của người Pháp tại vườn Tao Đàn (cercle Sportif Sai Gòn nais). Qua yêu cầu của ông Mễ, Ông Dĩ đã mạo hiểm tạo một hợp đồng (giả) để Sài Gòn mua của Pháp tại Paris một máy tráng phim. Bởi theo ông học được ở Hãng phim Việt Nam của Antoine Giàu từ năm 1935 tại Sài Gòn, nếu muốn lập một hãng phim thì dĩ nhiên phải có máy quay, máy chiếu. Nhưng khâu chết sống phải lo trước tiên là máy tráng phim và máy in phim. Ông khẳng định rằng có được hình ảnh mà không tráng nó ra và in nó ra thì vô nghĩa.
Mấy tháng sau máy móc từ Pháp đưa qua trót lọt, nhưng khi chở từng bộ phận về Đồng Tháp Mười tháo ra thì… nó không phải là thứ máy tráng phim như thời 1939 - 1940 mà Khương Mễ từng sử dụng, mà nó là một máy tráng hoàn toàn tự động. Loại máy này ở Sài Gòn phải có phòng lạnh, dĩ nhiên là phải dùng điện. Nhưng ở Đồng Tháp Mười thì làm gì có điện và phòng lạnh? Ông đau đớn nhìn chiếc máy tráng phim hiện đại bỗng trở nên vô dụng.
 
Cái khó ló cái khôn
Các ông An Sơn, Nguyễn Đảnh, Hồ Tây và Trương Thành Hỷ (còn sống) kể lại: Cái tết năm 1947 - 1948, Ông Khương Mễ mất ăn mất ngủ vì cái máy tự động nhưng vô dụng. Nhưng bỗng một hôm ông chợt thốt lên rạng rỡ: Được rồi, chúng ta sẽ có máy tráng. Ông liền chỉ dẫn chúng tôi dùng cưa, đục để mổ cái máy tráng hiện đại ấy ra, chỉ lấy cho kỳ được cái thùng tráng phim bằng inox mà thôi. Ông bảo, ta không có điện thì ta tráng bằng tay - một suy nghĩ mà sau này người ta gọi là sự sáng tạo tuyệt vời.
Chỉ mấy hôm sau, tổ Điện Nhiếp Ảnh khu 8 chúng tôi có một cái thùng tráng phim thủ công, nhưng là một sự nát óc suy nghĩ không chịu đầu hàng của Khương Mễ. Cái guồng tráng chạy tự động ấy giờ chúng tôi quay bằng tay.
Chúng tôi dùng tay cuộn phim quanh cái guồng như chiếc xa quay sợi, mà phim lúc ấy là loại phim trực hình (inversible) và theo chỉ dẫn tỉ mỉ của thầy Khương Mễ, phải tráng đến 5 bài thuốc khác nhau mới cho ra phim chiếu liền do ông tra cứu qua tài liệu kĩ thuật của Pháp là quyển Cinéma Amanach Prisma.
Khi đã thành công với khâu tráng phim, giờ đến khâu dạy quay phim. Đêm đêm, chịu trận với muỗi của Đồng Tháp Mười, ông xem tài liệu trên dịch ra, để sáng hôm sau dạy các chiến sĩ nhiếp ảnh trở thành chiến sĩ quay phim.
Nhưng muốn quay phim thì phải có nhiều máy quay, lẫn máy chiếu. Thời đó chỉ có một số hiệu như Pathé, ETM. Và đợt đầu tiên của máy quay Baillard Polex (Thụy Sĩ) mà ông mạo hiểm ra Sài Gòn lùng sục mua ở các tiệm lạc son. Có lần ông và An Sơn bí mật tuồng vào Sài Gòn, trú tạm tại cơ sở của ông Nguyễn Văn Dĩ ở vườn Tao Đàn và suýt bị quân Pháp bắt thì mất hết cả chì lẫn chài.
 
Những thước phim thời sự đầu tiên
Khi có những chiếc máy quay phim mà ông mạo hiểm mua ở Sài Gòn, đêm đêm ông bắt tay vào dịch tài liệu quay phim từ quyển Amanach Prisma kể trên dưới ánh đèn dầu mù u để hôm sau dạy cho các quay phim như Nguyễn Đảnh, An Sơn, Lý Cương, Hồ Tây, cho cả Mai Lộc và Vũ Sơn (sau là Cục Trưởng Cục Điện ảnh Mặt trận Giải phóng Dân tộc Miền Nam), cho Nguyễn Hiền (Nguyên Giám đốc Xưởng phim Giải Phóng), cho Nguyệt Hải (Trần Nhu),…
Nhờ vậy mà những tháng đầu năm 1948 họ đã quay những thước phim thời sự, tài liệu quý của chiến trường khu 8 và Nam Bộ, như phim Trường Quân chính khu 8, Phòng quân nhu khu 8, Trường Thiếu sinh quân khu 8. Bộ Tư lịnh Nam Bộ thăm đơn vị pháo cao xạ, phim dân quân đắp đập cản tàu giặc trên kinh Dương Văn Dương và lễ thụ phong Trung tướng Nguyễn Bình,... Đó là những thước phim kháng chiến đầu tiên của Việt Nam đã làm nức lòng Ủy ban Nam Bộ, Bộ Tư lịnh Quân sự Nam Bộ và của khu 8. Đặc biệt, những thước phim đó được trình diễn trực tiếp chẳng những cho nhiều phái đoàn nhân sĩ, tri thức từ Sài Gòn vào xem, mà còn nói lên sự trưởng thành vượt bậc của nghệ thuật thứ bảy trước phái đoàn Pháp do ông Savary từ Pháp đến Sài Gòn, được nhà báo Thiếu Sơn bí mật đưa vào Đồng Tháp Mười xem, và ngạc nhiên với sự sáng tạo của Khương Mễ.
Người đã có công đặt viên gạch đầu tiên cho nền Điện ảnh ra đời từ đầm lầy Đồng Tháp Mười, để rồi đến tháng 8/1948, họ báo cáo với toàn dân Đồng Tháp Mười, sau đó là cả ở khu 7 và khu 9 bộ phim tài liệu chiến tranh đầu tiên, đó là phim trận Mộc Hóa. Quay phim trận đại thắng này của tiểu đoàn 307 (17/8/1948) là Mai Lộc, Vũ Sơn, Khương Mễ. Đó là những thước phim ghi được tại trận cho đến những cánh quân ta từ các hướng xung phong tiêu diệt địch, bắt tù binh, trong đó có viên Trung úy Bertrand chỉ huy đồn Mộc Hóa, cũng như hình ảnh Chủ tịch Ủy ban Nam Bộ Phạm Văn Bạch đích thân đến thăm tiểu đoàn 307 chiến thắng và bà con Tháp Mười mừng chiến thắng và được xem phim đầu tiên ở đầm lầy này.
       
Tiếp tục sáng tạo và phát minh
Sau khi xem xong 20 phút phim tài liệu chiến thắng Mộc Hóa, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn khen hết lời về thành quả của binh chủng Điện ảnh. Đồng chí ước ao nếu có được nhiều bản như thế để chiếu cho toàn chiến trường Nam Bộ thì tuyệt vời biết bao.
Khương Mễ coi đó là một mệnh lệnh nữa được đặt ra. Nhưng thực tại khả năng máy móc có trong tay không thể đáp ứng được. Mà cho dù có ở Sài Gòn để mua thì đó cũng là máy được sử dụng bằng hệ thống điện, nó sẽ là số phận như chiếc máy tráng tự động đã kể trên.
Sau nhiều đêm vắt óc suy nghĩ, nửa đêm hôm đó ông khoát mùng và la lên: “Ra rồi… có máy in phim rồi”. Anh em choàng dậy ngỡ đã có chiếc máy in phim từ Sài Gòn chở vào chăng?
Nhưng không, nó hãy còn trong suy nghĩ của tôi, ông nói. Ngay ngày hôm sau, ông coi như hy sinh đi một cái máy quay phim. Theo chỉ dẫn của ông, anh em dùng một chiếc cưa và một chiếc giũa rất nhỏ cỡ non một centimet, xẻ rộng khe lấp phim của một máy quay sao cho đủ chèn thêm một phim âm bản song song với phim dương bản. Một sự sáng tạo mà ông cho biết nó không hề có trong cẩm nang kĩ thuật in phim của Pháp, nhưng về nguyên lý thì nó vẫn phù hợp.
Nếu ban ngày thì ông dùng ánh sáng trời, nếu ban đêm thì cho vào cái buồng tối, dùng kính từ những tàu lá dừa nước lợp nhà, dùng ánh đèn manchon thật sáng tương đương với cường độ 750 wat (đèn máy chiếu), đoạn che phần sau của đèn manchon để đẩy ánh sáng từ phía sau phim dương bản xuyên thấu ra phía trước (tức phim âm bản) hình ảnh sẽ in qua phim âm bản bằng thứ ánh sáng đó.         
Kết quả ngoài sức tưởng tượng. Một phiên bản phim rõ nét không quá chênh lệch sắc độ với phim gốc.
Phát minh đó đã tạo cho Tổ Điện ảnh khu 8 có thêm một tài sản, một phân xưởng in phim mà chỉ cần có một chiếc máy quay lạc son mua ở Sài Gòn.
Rồi do yêu cầu phải có nhiều đội chiếu phim, tất nhiên cần nhiều máy chiếu. Mà máy chiếu thì dùng đèn 750 wat mới đủ độ nét trên màn bạc. Ông dùng ánh sáng đèn manchon để thay thế bóng đèn chiếu là một sáng kiến có giá trị đặc biệt. Bởi nó đang khi chiếu mà bóng đèn chiếu chết ngỏm thì dẹp cả buổi chiếu sao? Cho nên dùng ánh đèn manchon là thêm một dấu son cho Khương Mễ.
Cùng với sự phát triển của đội ngũ quay phim sẽ đẻ ra nhiều phim phải tráng, mà duy nhất chỉ có một thùng tráng inox đã kể trên thì không kịp phục vụ chiến trường rộng lớn. Lấy đâu ra thùng inox như đã có để tráng? Lại một sự mất ngủ nữa với ông. Phải nói, Khương Mễ là điển hình của sự tử vì đạo của Điện ảnh Bưng biền Nam Bộ. Và cứ một lần đau đầu lại là một đôi đũa thần xuất hiện. Ông xem xét lại cái thùng tráng inox và động não để vọt ra một cứu cánh. Đó là sự sáng chế theo dạng chiếc thùng rang cà phê. Ông cho đóng một chiếc thùng bằng gỗ được ghép tròn như thùng rang cà phê rộng 40cm dài 80cm. Một nửa bên dưới đựng thuốc tráng phim, đóng một cái như sa quay sợi dùng để cuốn phim, có tay quay thò ra ở một đầu thùng. Cái sa này khi quay nó được nhún qua thuốc tráng phim ở đáy thùng.
Phần trên là cái nắp tròn úp kín, có cái phễu để đổ nước thuốc xuống thùng chứa. Theo thời gian quy định người quay guồng tráng lấy phim ra. Tất cả đều trong buồng tối bằng lá dừa nước.
Nhưng rất thất vọng vì phim tráng ra rạn nứt, không mịn. Ông hiểu ra là nguyên nhân nhiệt độ không đúng -18oC, khi nước sông Cửu Long chỉ tương tương 5oC. Làm sao có cái phòng lạnh -18oC như phòng lạnh ở các studio Sài Gòn giữa Đồng Tháp Mười?
Ông cải tạo cái thùng tráng phim sao cho đáy thùng chứa một lớp nước đá để có được -18o C thì bắt đầu quay guồng tráng phim. Nguyên lý là như thế nhưng lấy đâu ra nước đá xứ Tháp Mười.
Họ phải bơi xuồng bất chấp máy bay địch ra tận thị trấn Cai Lậy nhờ cơ sở mua nhiều nước đá chở về cho chiếc thùng tráng phim. Vậy là ông cho ra đời một phân xưởng tráng phim chỉ là cái thùng điều hòa nhiệt độ bằng nước đá hết sức đơn giản nhưng cực kỳ hiện đại. Bởi vì nó có thể tráng phim dưới chiếc ghe mui ống làm buồng tối khi di chuyển trên các con kinh.
Như vậy, chỉ hai năm sau ngày Bộ Tư lịnh khu 8 ký quyết định thành lập Tổ Điện - Nhiếp ảnh khu 8 ngày 15 tháng 10 năm 1947, Khương Mễ đã dựng nên một xưởng phim dã chiến, một nền điện ảnh không điện (Cinéma sans électricité) có một không hai trên thế giới.
Theo chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn, tất cả các phim đó đều có gởi ra Việc Bắc coi như báo cáo với Trung ương.
Đến cuối năm 1950 đầu năm 1951 thì Điện ảnh Vệ quốc đoàn khu 8 trở thành Phòng Điện ảnh Nam Bộ. Theo yêu cầu của Điện ảnh Nam Bộ cử ba nhân sự gạo cội điện ảnh là Mai Lộc, Nguyễn Thế Đoàn và Lê Minh Hiền là các tay quay phim cho Đại hội Đảng lần 2 ở Việt Bắc. Nhờ đó, chúng ta mới có nhiều hình ảnh về làm việc, sinh hoạt của Bác Hồ ở Pắc Bó đến hôm nay và mai sau.
 
Cả gan làm cả phim hoạt hình
Với tài liệu của Điện ảnh Pháp, ông mạnh tay coi như thí nghiệm một phim  kỹ xảo (truquage) mà sau này gọi là phim hoạt hình.
Nhưng để quay phim kỹ xảo, nhất thiết phải có một bàn titreuse để quay kỹ xảo theo cẩm nang của Điện ảnh Pháp. Là người không chịu đầu hàng, ông nghiên cứu qua bàn quay Titreuse của Pháp trong sách để Việt Nam hóa nó thành một bàn Titreuse Việt Nam bằng gỗ, nhưng nó gọn nhẹ, láng bóng để đẩy máy trượt lên đó theo luật viễn cận. Tiếp theo, ông đã chế biến để chiếc máy quay 16 ly Baillad Bolex của Thụy Sỹ đủ bùa phép thể hiện mọi động tác kỹ xảo mới là có một không hai. Nội dung phim như sau: - Một thằng Tây xách súng vào làng tàn phá. Nhưng khi nó bẻ trái dừa, bỗng trái dừa phá ra cười. Cuối cùng nó bị một lão du kích do Cao Thành Nhơn tức Nguyễn Hiền (Nguyên giám đốc xưởng phim Giải Phóng) đóng, dùng cái chày vồ đập vào đầu tên Pháp (do một tù binh Pháp đóng) thằng Tây đồ sộ bỗng bẹp dí còn chỉ bằng ngón tay. Ông lão xách đầu nó lên cười rồi nhét nó vào miệng một ve chai. Tên Pháp trong ve chai kêu khóc xin tha tội, nó lăn lộn, kêu cứu,… Ông lão du kích đặt cái ve chai có tên Pháp trong đó,… bùm một phát, chiếc ve chai bay đi mang theo trong đó một tên xâm lược bay vèo ra biển Đông. Hết. Đó cũng là phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam có tên “Đáng đời Đế quốc”.
Theo yêu cầu của Trung ương, ông đã hoàn thành sứ mệnh một cách mỹ mãn được sự khen thưởng của Trung ương Cục Miền Nam về sự cống hiến khoa học Điện ảnh xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp.
Đời ông có một vinh dự ít người có. Số là năm 1988, Hội Điện ảnh Pháp mời đích danh Khương Mễ sang là khách danh dự của Festival phim ở Amien. Ở đó họ tôn vinh ông (Homage) là người dùng công nghệ Điện ảnh Pháp đã tạo dựng nên một nền Điện ảnh kháng chiến của Việt Nam thần kỳ.
Ông sinh năm 1916 và vĩnh biệt ngành nghệ thuật thứ bảy năm 2004, để lại trong lòng các nhà lãnh đạo kháng chiến ở Nam Bộ một hình ảnh. Ông là bảo vật của đất nước. Họ tặng cho ông một biệt danh “Ông Lumiere Tháp Mười”. Còn nhân dân và học trò ông thì từ lâu coi ông là ông Tổ Điện ảnh của Việt Nam kháng chiến.
Tuy nhiên khi có cái danh phong nghệ sĩ thì ông chỉ nhận khiêm tốn là Nghệ sĩ ưu tú - một chiếc áo quá chật đối với ông. Chỉ có đứng trên tầm nhìn trung thực của thế kỷ trước chúng ta mới thấu hiểu hết sự vĩ đại của sự sáng tạo và phát minh kỳ diệu của ông, từ tay không dựng nên cơ đồ Điện ảnh cho Việt Nam thì hậu thế mới không vô tình lãng quên đi một người đáng gọi là anh hùng./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Kế Nghiệp
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
  
   Cổng thông tin chính thức của HỘI ĐIỆN ẢNH TP.HCM
   Địa chỉ: 81 Trần Quốc Thảo (lầu 6), Phường Võ Thi Sáu,  Quận 3, TP.HCM - ĐT: 028.39321229
   Email: hoidienanhtphcm@gmail.com Giấy phép số 50/GP-ICP-STTTT.