Rss Feed

Nâng cao chất lượng nghệ thuật phim tài liệu và phim khoa học truyền hình

Đăng lúc: Thứ sáu - 01/06/2012 15:06 - Người đăng bài viết: Hội Điện Ảnh TP.HCM
Chúng ta biết rằng trong quá trình phát triển của mỗi xã hội cũng như mỗi con người, văn hóa nghệ thuật đôi khi còn mạnh hơn pháp luật làm cái phanh để điều tiết, làm giảm hoặc triệt tiêu những hành vi vô văn hóa, sự bạo ngược của đồng tiền, sự hoang dại thô thiển và mất nhân tính của con người.
Nâng cao chất lượng nghệ thuật phim tài liệu và phim khoa học truyền hình

Nâng cao chất lượng nghệ thuật phim tài liệu và phim khoa học truyền hình

Nghệ thuật tác động đến cảm xúc và trái tim, khi cảm xúc và trái tim bị rung động thì nhận thức được thay đổi tạo nên ý thức và sức mạnh tinh thần. Nghệ thuật là điểm hội tụ tinh hoa của văn hóa.

Trong nghệ thuật thì điện ảnh là thành tố quan trọng, tụ hội tất cả các bộ môn nghệ thuật khác.

Điện ảnh đã chiếm được tình cảm, chinh phục được trái tim của cả nhân loại, tính đại chúng và tính phổ cập của nó mạnh hơn tất cả các loại hình nghệ thuật khác (từ cuối thế kỷ 20 đến nay ưu thế này của điện ảnh đã được truyền hình thừa kế). Điện ảnh và Truyền hình có thể nói là hai anh em. Từ “Ảnh” và từ “Hình” là đồng nghĩa.

Dù là phim nhựa hay phim video đều có chung một ngôn ngữ diễn đạt, được gọi là ngôn ngữ điện ảnh, nghĩa là sử dụng những yếu tố cấu thành bởi hình ảnh động và âm thanh.

Như trong điện ảnh, truyền hình cũng có các thể loại phim khác nhau: thể phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình. Trong mỗi thể phim lại có nhiều loại khác nhau, chẳng hạn về lĩnh vực phim tài liệu có loại tài liệu chính luận, tài liệu lịch sử, tài liệu truyền thông, tài liệu nghệ thuật, phim phản biện xã hội, phim chân dung, phim ký sự, phim phóng sự, phim thời sự. Về lĩnh vực phim khoa học có phim khoa học thường thức, phim giáo khoa, phim khoa học nghệ thuật, phim phóng sự khoa học, tin khoa học, phim khoa học nghiên cứu, phim khoa học viễn tưởng, phim truyện khoa học, phim đất nước con người, du lịch, khám phá,…

Sự phân chia này chỉ là tương đối bởi ranh giới giữa các loại này không có sự phân định rõ ràng mà thường được dựa vào đặc trưng và một số tiêu chí riêng biệt có tính ước lệ. Mỗi thể loại đều là những kết quả sáng tạo mang tính nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì không có công thức.

Yêu cầu cơ bản cho tất cả các loại phim đều phải có 3 chức năng:
- Cung cấp thông tin
- Tác dụng giáo dục
- Đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức.

Phương pháp sáng tác mỗi thể loại phim đều rất khác nhau, trên cơ sở đặc trưng của thể loại.

Đặc trưng chủ yếu của phim tài liệu là tính chân thực và tính tư tưởng trong lúc đặc trưng chủ yếu của phim khoa học là tính khoa học, tính logic.

Nhiệm vụ chính của phim tài liệu là giáo dục tư tưởng, nhận thức cho quần chúng thực hiện những nhiệm vụ chính trị, nghĩa vụ công dân, những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua nghệ thuật điện ảnh.

Loại phim này không được phép hư cấu, suy diễn mà từng hình ảnh, từng chi tiết, từng con người, thời gian và không gian phải bảo đảm chân thực và từ thực tế cuộc sống.

Ý nghĩa của phim khoa học thường thức giống như mọi hoạt động phổ biến kiến thức khác, nhưng trước hết nó cần phải làm nảy nở những thích thú với khoa học trong người xem, qua một cách thức dễ hiểu, hấp dẫn, lôi cuốn người xem.

Thông qua quan điểm triết học duy vật biện chứng của các quá trình đang diễn ra trong tự nhiên và trong xã hội mà phim khoa học góp phần vào việc giáo dục tổng hòa nhân cách, tạo cho con người một trí tuệ phong phú, đạo đức trong sạch, thể lực hoàn chỉnh, có kỹ năng khác biệt trong tư duy và trong hoạt động, có thế giới quan khoa học, hoàn chỉnh và có đời sống văn hóa tinh thần phong phú.

Chúng ta thường nhầm lẫn phim khoa học thường thức với phim giáo khoa.

Giáo khoa là phim phục vụ giảng dạy, là giáo cụ trực quan. Cách làm càng sát bài giảng càng tốt. Loại phim này có đối tượng phục vụ cụ thể.

Phim khoa học thường thức và khoa học nghệ thuật là những bài học đại chúng thông qua hình tượng nghệ thuật. Trong phim khoa học thường thức chức năng mỹ học có tầm quan trọng ngang với chức năng phổ biến kiến thức.

Phim khoa học ở tất cả các thể đều được phép hư cấu, được phép đóng diễn, được phép dùng hình ảnh vẽ, được phép sử dụng các thủ pháp biểu hiện của các thể phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình,… Cái mấu chốt là phải bảo đảm tính khoa học, nghĩa là không được trái với quy luật tự nhiên và xã hội.

Nghệ thuật không có công thức, cũng không phải chỉ là sự minh họa, dập khuôn, sự phản ảnh thực tế đơn thuần mà là quá trình lao động, chọn lọc, tìm tòi, biến đổi, tạo dựng hình tượng theo quan điểm và cảm xúc của người nghệ sĩ.

Tóm lại nghệ thuật phim tài liệu là sự phản ảnh thực tế cuộc sống thông qua hình tượng rõ rệt, cụ thể và ý nghĩa thẩm mỹ, có tính chất cảm tính của người nghệ sĩ.

Marx đã chứng minh rằng: “Đặc trưng của hình tượng nghệ thuật là tính trực tiếp, tính chính xác về cuộc sống. Đó là quyết định sự truyền cảm mạnh mẽ và năng lực phổ cập của hình tượng nghệ thuật”.

Từ xa xưa những học giả, những triết gia, những nhà chính trị,… đã đặc biệt coi trọng việc sử dụng những hình tượng nghệ thuật để truyền bá cho mọi người dễ dàng hiểu được những kết luận, những nguyên lý khoa học, những tư tưởng và nhận thức thế giới quan của họ. Người nghệ sĩ vận dụng hình tượng nghệ thuật để truyền bá một tổng hợp tri thức, lý thuyết chính trị, quan điểm triết học, tình cảm cao thượng,…

Con đường tư duy để phản ảnh cuộc sống khách quan thông qua hình tượng nghệ thuật rất phức tạp, đầy mâu thuẫn và muôn vẻ, đồng thời mang tính cá nhân độc đáo.

Điện ảnh tập hợp trong mình những phương tiện biểu hiện của những nghệ thuật khác, nhưng lại dùng những phương tiện đó với tính chất tổng hợp mới, hoàn toàn khác để tạo ra ngôn ngữ của riêng mình – hình tượng nghệ thuật.

Trong một tác phẩm điện ảnh tài liệu và khoa học hình thức và nội dung biểu hiện nghệ thuật bao gồm: kết cấu nội dung, bố cục tác phẩm, chọn lựa sự kiện và chất liệu hình ảnh, cách bố cục, tạo hình, các thủ pháp dàn cảnh, bố trí sắp xếp, phương pháp dựng phim, xử lý lời khớp, lời bình, tiếng động, âm nhạc,… Tất cả đều phải tuân thủ những nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh và khoa học tâm lý.

Từ trên 30 năm nay, điện ảnh tài liệu và khoa học Việt Nam rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. Ngày nay ở Nga cũng vậy, chúng ta hãy nghe lời than thở của đạo diễn phim tài liệu Nga nổi tiếng, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Vitali Manski: “Phim tài liệu hiện đang tồn tại trong tình trạng thảm họa… cái chủ yếu nhất là ở chỗ phim tài liệu không có bất cứ sự giao tiếp ổn định nào với khán giả. Trên thực tế nó đã biến khỏi đời sống văn hóa, nó không có trong phát hành, trên vô tuyến, trên DVD, trên internet…. Phim tài liệu hiện nay là miền đất lạ. Nhưng trên vô tuyến có vô khối dự án vốn được mang tên một cách hãnh diện là phim tài liệu. Hàng triệu người đang xem những bộ phim ấy. Phần lớn những sản phẩm ấy chẳng liên quan gì đến điện ảnh. Truyền hình đã ăn cắp cái tên của phim tài liệu và đem nó đặt cho các buổi truyền hình vốn thường được sản xuất theo một sự rập khuôn nhất định”.

Còn ở ta thì sao? Phim tài liệu và phim khoa học điện ảnh cũng như truyền hình của chúng ta từng vang bóng một thời. Một số phim đã chinh phục hàng vạn người xem trong và ngoài nước, chủ yếu là những phim về chiến tranh và hậu chiến về Bác Hồ. Về phim tài liệu truyền hình, chúng ta đã có nhiều cố gắng, đã có một số phim tốt đạt chất lượng cao, như chùm phim Mekong ký sự, Hồ Chí Minh cội nguồn cảm hứng sáng tạo,… Hàng năm chúng ta cũng có hàng chục phim tài liệu và khoa học đoạt các giải vàng, bạc theo tiêu chí của ta trong LHP truyền hình toàn quốc. Trong điều kiện không ít khó khăn về trang thiết bị chuyên dùng hiện đại, thời gian và kinh phí quá hạn hẹp (nên nhớ là ở Đức sản xuất một bộ phim tài liệu phải chi phí 50.000 Euro, 1 phim khoa học có khi còn gấp đôi). Đặc biệt Ban khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh có đội ngũ sáng tác trẻ tài năng ham học, cần mẫn, nhất là các chuyên gia vi tính vẽ 3D và lãnh đạo Ban luôn hết mình vì anh em đã đóng góp vào việc nâng cao chất lượng phim khoa học rất lớn nên ngày càng được nhiều người chú ý đến thể loại phim này. Tuy nhiên, nhìn chung những năm gần đây phim tài liệu cả điện ảnh và truyền hình của ta là yếu. Tôi xin kể một tình huống: Tại trường Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội, tôi hỏi một sinh viên: “Em hãy định nghĩa phim tài liệu là gì? Em sinh viên đáp: “Thư thày phim tài liệu là loại phim không có ai xem cả.” Phải chăng đó là thực trạng là “hình tượng hóa” chất lượng nghệ thuật của phim tài liệu của chúng ta?”. Trong trào lưu đổi mới và hội nhập chúng ta gần như bị loại khỏi sân chơi. Phim tài liệu điện ảnh cũng như truyền hình của chúng ta đa phần đều quá cổ, lạc hậu, cách làm như những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

Bố trí dàn dựng, can thiệp vào thực tế quá lộ liễu. Phim nặng về tuyên truyền, cổ động, nội dung thì ôm đồm, áp đặt, sơ lược minh họa, thiếu tính triết lý, thiếu tầm tư tưởng, lời át hình ảnh, nói triền miên, nhiều khi nhắm mắt vẫn hiểu phim. Hình ảnh chẳng đóng vai trò gì trong phim, dựng hình này thay hình khác đều được, chỉ cần có đủ độ dài để tải lời, đôi khi thiếu hình thì kéo dài ra hay lặp đi lặp lại một cảnh tùy tiện, vô nghĩa. Ta quên một điều là truyền hình chứ không phải truyền lời. Có người cho là phim tài liệu truyền hình có chức năng chính là truyền đạt thông tin, nghệ thuật là phụ. Quan điểm đó không đúng, đó chính là lý do tại sao ít người hứng thú với phim tài liệu. Nên nhớ là ngày nay khán giả không chỉ đòi hỏi nhu cầu thông tin qua các phương tiện nghe nhìn đơn thuần mà yêu cầu ngày một đa dạng, ngày một khắt khe những giá trị thẩm mỹ, những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật trong các tác phẩm. Phát thanh và truyền hình là hai phạm trù khác nhau, nhưng viết một bản thuyết minh phim đồng thời là một bài phát thanh, làm thế nào để bảo đảm chất lượng cho cả hai mục đích. Một yếu điểm điển hình khác là phim không có kịch tính, không có xung đột, mà xung đột là bản chất của điện ảnh. Nhưng phim chỉ liệt kê sự việc, sự kiện theo trình tự thời gian, dùng hình ảnh minh họa, tất cả đều lướt qua, tác giả áp đặt, nhồi nhét, nói thay nhân vật, nói theo quan điểm của mình, đôi khi bắt nhân vật “ăn theo tác giả”. Nhược điểm phổ biến nữa là phim thiếu cấu trúc, chính vì không xây dựng được kịch tính nên hầu hết phim thường rơi vào tình trạng không có cấu trúc. Tư liệu phim sử dụng tùy tiện, cảnh tư liệu thời chống Pháp đưa vào thời chống Mỹ, tư liệu chiến đấu miền Bắc dựng vào chiến đấu miền Nam chiến đấu ở Việt Nam dựng vào phim đánh nhau ở Lào,... Thiếu cấu trúc dẫn đến tình trạng một bộ phim có nhiều cảnh thừa và ngược lại, nhiều đoạn, nhiều cảnh quan trọng lại không có, tác giả không biết cách kể chuyện, thiếu tính chuyên nghiệp.

Trong sáng tác phim tài liệu, phim khoa học các bệnh sơ lược tùy tiền, hình thức chủ nghĩa, tự nhiên chủ nghĩa, tô hồng, bôi đen, phóng đại sự thật,… đều không thể chấp nhận được.

Đây là vấn đề hệ trọng, đòi hỏi sự cố gắng, sự đổi mới trong tư duy, trong sáng tác, trong chỉ đạo, lãnh đạo và đầu tư sức người sức của một cách mạnh dạn mới mong nâng cao được chất lượng phim, mới có cơ hội hội nhập quốc tế.

Lao động nghệ thuật là cả một quá trình lao tâm khổ tứ, với cảm xúc và lòng nhiệt tình, sự đam mê nghề nghiệp ắt dẫn đến thành công.
Tác giả bài viết: NSND Nguyễn Lương Đức
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
  
   Cổng thông tin chính thức của HỘI ĐIỆN ẢNH TP.HCM
   Địa chỉ: 81 Trần Quốc Thảo (lầu 6), Phường Võ Thi Sáu,  Quận 3, TP.HCM - ĐT: 028.39321229
   Email: hoidienanhtphcm@gmail.com Giấy phép số 50/GP-ICP-STTTT.