Có hai vấn đề được đặt ra, đó là: xã hội hóa điện ảnh ở thành phố Hồ Chí Minh, được và chưa được; giải pháp để phát triển xã hội hóa điện ảnh ở thành phố tốt hơn.
I. Xã hội hóa điện ảnh ở thành phố Hồ Chí Minh, được và chưa được.
1. Xã hội hóa điện ảnh ở thành phố Hồ Chí Minh - được
Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố năng động, sôi động về nhiều mặt hoạt động, trong đó có hoạt động điện ảnh. Sự phát triển của điện ảnh thành phố HCM, không phải lúc nào cũng sôi nổi, mạnh mẽ, có lúc thăng lúc trầm, nhưng luôn luôn là lá cờ đầu của cả nước, từ việc làm phim bao cấp đến việc có những bước đột phá, thời mà khán giả và giới điện ảnh hay nói vui là thời kỳ làm phim “Mì ăn liền”, với những bộ phim như Ngã ba lòng, Tình người kiếp rắn… Đến khi mở ra phong trào làm phim xã hội hóa rộng rãi như hiện nay. Số lượng khán giả coi phim nhiều nhất, do đó doanh thu phát hành phim và chiếu bóng cũng nhiều nhất nước.
Việc xã hội hóa thành công nhất của điện ảnh ở thành phố của chúng ta là có rất nhiều hãng phim và cơ sở sản xuất phim tư nhân ra đời và hoạt động trên địa bàn thành phố. Và số lượng phim được sản xuất nhiều hơn.
Tiếp theo là việc thị trường điện ảnh hình thành rõ nét. Một số cụm rạp hiện đại đã mọc lên, như Megastar, Galaxy, Lotte, BHD… gắn liền với những trung tâm thương mại, có những phương tiện giải trí khác. Các rạp của Công ty Điện ảnh TP cũng được sửa sang hiện đại theo nhu cầu của khán giả. Cho nên lượng khán giả đến xem phim ở rạp cũng nhiều hơn. Đặc biệt, từ 5, 7 năm trở lại đây, các nhà sản xuất phim Việt Nam, như Phước Sang, Thiên Ngân, Chánh Phương, BHD, Chánh Tín… đã sản xuất nhiều phim chiếu Tết. Do đó, vào mùa Tết, phim Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường…
Việc kinh doanh của các trung tâm nhập khẩu và phát hành phim từ từ chuyển dần về tay tư nhân, và được phát huy do tính năng động của các nhà quản lý. Khán giả ở TPHCM hiện nay có thể xem những phim mới, phim nổi tiếng của điện ảnh thế giới cùng thời điểm với một số nước khác.
Phát triển việc xã hội hóa điện ảnh cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích, phát huy vai trò của các cơ sở sản xuất và hãng phim tư nhân. Có nhiều hãng phim, các đơn vị sản xuất phim cùng hỗ trợ nhau sản xuất thật nhiều phim, nhiều phim hay, có giá trị mọi mặt thì khán giả và người làm phim là người được lợi nhất. Những người làm phim thì lúc nào cũng có phim để làm, làm nhiều thì có thu nhập nhiều; có thể phát triển tài năng. Còn khán giả thì có nhiều phim để xem, để chọn lựa.
Các hãng phim tư nhân có nhiều tiềm năng về vốn liếng, có cách làm ăn nhanh nhạy trong việc tổ chức sản xuất, nắm bắt thị trường người xem… Không bị những cơ chế bao cấp ràng buộc, có thể thể nghiệm những cách thức làm phim và phát hành mới… Quyết định mang tính cá nhân nên mau chóng, đáp ứng nhu cầu công việc. Tổ chức gọn nhẹ, chú trọng tính hiệu quả công việc.
Các hãng phim tư nhân sẵn sàng cộng tác và có chế độ đãi ngộ tốt, cho nên cũng thu hút được nhiều người làm phim, kỹ thuật viên… cộng tác. Họ rất biết sử dụng người, cũng bởi họ năng động, không bị ràng buộc bởi những chính sách, chế độ bao cấp. Nhân lực nào không sử dụng được tốt thì không cộng tác tiếp tục. Không như hãng phim Nhà nước, nuôi một đội ngũ đông, trả lương, nhưng có khi không sử dụng hết công suất. Rồi các nhân viên này lại mang danh hãng phim nhà nước, đi làm phim nơi khác…
2. Xã hội hóa điện ảnh ở thành phố Hồ Chí Minh – chưa được
Nhưng, cũng phải nói thẳng là việc xã hội hóa cũng mang lại nhiều hệ quả không tốt cho xã hội, cho ngành.
Các hãng phim và cơ sở sản xuất phim tư nhân cũng có những mặt hạn chế..
Số lượng hãng phim tư nhân đang hoạt động ở thành phố có thể kể đến hàng trăm. Nhưng thực chất cũng chỉ có một số hãng phim, cơ sở sản xuất phim tư nhân lớn, có hoạt động thực chất. Còn một số hãng phim, cơ sở nhỏ hơn chỉ đứng tên và thực hiện một số chương trình cho truyền hình hay một số phim- như vệ tinh cho các đài truyền hình.
Việc tranh giành thị trường điện ảnh còn quá nhỏ tạo nên sự bất ổn của thị trường. Chưa có những sự hợp tác giữa tư nhân và nhà nước để tạo ra những công ty lớn, mạnh có khả năng cạnh tranh cao, để có thể sản xuất những bộ phim lớn.
Về đề tài sản xuất, do chú trọng nhiều đến việc thu hồi vốn và nhu cầu giải trí nhằm thỏa mãn người xem để bán vé nên một số tác phẩm tính nghệ thuật chưa cao; đề tài dễ dãi, chưa đi vào chiều sâu những vấn đề gai góc của xã hội. Những đạo diễn tự do, hay Việt Kiều từ nước ngoài về có tài năng, có tay nghề cao, nhưng thiếu vốn sống, thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán dân tộc, con người, đất nước; cũng chưa hiểu rõ thị hiếu, thẫm mỹ của khán giả xem phim Việt Nam…
Các hãng phim và cơ sở sản xuất phim tư nhân cũng chưa tạo nguồn nhân lực cho mình, có tính giai đoạn hơn là trường kỳ. Hiện nay, các hãng phim tư nhân vẫn sử dụng đội ngũ đã có sẵn, hoặc đang cộng tác với các hãng phim, hay đang hoạt động tự do, chưa có hẳn một nguồn nhân lực riêng, và cũng chưa đào tạo được đội ngũ này.
Cơ sở vật chất kỹ thuật cũng chưa đầy đủ. Chưa có đầu tư nhiều vào lĩnh vực này.
Nếu nói về vai trò trách nhiệm đối với xã hội thì bình đẳng: cùng làm nhiệm vụ sản xuất nhiều phim, đáp ứng nhu cầu xã hội, người xem. Chỉ khác nhau là hai cơ sở xuất phát từ 2 nguồn tiền: một là của nhà nước, hai là của một người hay một nhóm người. Và đã là hãng phim nhà nước thì có yêu cầu phục vụ chính trị, lại do cơ chế ràng buộc, chưa có những đột phá trong sản xuất, phát hành.
Khi đã thực hiện xã hội hóa thì chúng ta phải chấp nhận một sự thực: những người đối tác, cộng tác với chúng ta có những mục đích, những phần lợi- phần lợi đó có thể phù hợp với tiêu chí, mục đích của chúng ta hoặc không. Trong trường hợp phù hợp thì rất tốt, bằng không thì phải thuyết phục đối tác. Nếu chúng ta làm xã hội hóa với mục đích, động cơ tốt thì đối tác chắc chắn sẽ ủng hộ. Tôi nghĩ rằng, khi thuyết phục đối tác làm theo mình với mục đích xây dựng, tốt đẹp, không vì quyền lợi riêng tư, không đặt lợi ích của cái riêng lên trên cái chung, họ sẽ càng nể trọng mình…
Không phải thực hiện xã hội hóa bằng bất cứ giá nào. Và việc không kiểm soát, kiểm tra đôn đốc, giao khoán cho đối tác từ việc sản xuất, thu hồi vốn, đến phần nội dung sẽ gây những hậu quả không lường trước được.
Với lại, đối với các nhà sản xuất tư nhân, do việc bỏ vốn cần thiết thu hồi vốn, nên không thể đòi hỏi họ làm gì có tính chất phục vụ, làm nhiệm vụ chính trị như các hãng phim nhà nước. Như việc yêu cầu góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nông thôn; chưa có chiến lược đáp ứng cho việc phục vụ nhu cầu của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Do chúng ta thả lỏng việc xã hội hóa, nên việc các cơ sở sản xuất phim và hãng phim tư nhân chỉ có phim chiếu ngày Tết là vậy. Và phim cũng chỉ tập trung ở các thành phố lớn là vậy. Các đội chiếu bóng lưu động ở các tỉnh thành phố hiện nay hoạt động cầm chừng ở một số tỉnh, còn hầu hết đã giải thể là vậy.
Về mặt văn hóa, văn học nghệ thuật- rõ ràng có những việc làm không thể xã hội hóa được, mà phải do nhà nước đảm nhận, chịu trách nhiệm.
Nhiều năm qua chúng ta đã bỏ trống một thị trường điện ảnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi từ những năm 60, ở đây đã có những rạp chiếu phim nhựa và sau giải phóng, doanh thu chiếu bóng của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng rất lớn, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh. Dân số đông, lại yêu thích phim ảnh, nguồn đề tài thì phong phú, văn học nghệ thuật phát triển với nhiều cây bút tài năng. Vậy mà điện ảnh những năm qua ở đây gần như bị xóa trắng.
Rạp chiếu ở thành phố Hồ Chí Minh thì nhiều rạp đã bị thay đổi công năng, đưa vào sử dụng mục đích khác hay bỏ hoang phế. Liên hoan phim quốc gia được tổ chức tại thành phố, nhưng để có một địa điểm tổ chức khai mạc, bế mạc- trao giải, hay chiếu phim cho ban giám khảo, cho khán giả coi lại là điều gần như nan giải. Xã hội hóa, tư nhân bỏ tiền ra xây rạp. Bởi vậy phim Việt Nam bị đẩy ra khỏi rạp sau vài buổi chiếu là vậy. Phim tài liệu, hoạt hình không được đưa vào chương trình chiếu là vậy, dù đã có nghị định về việc này…
Vậy có thể nói là việc phát triển xã hội hóa, phát triển các hãng phim tư nhân đã làm cho điện ảnh Việt Nam nhiều màu sắc, phong phú, đa dạng hơn; nhưng cũng phải có định hướng rõ ràng, có kế hoạch cụ thể, có giám sát chặt chẽ….
II. Giải pháp
Phải có một sơ kết vể những điều được và chưa được của viêc xã hội hóa điện ảnh, để từ đó rút ra những điều nên phát huy, những điều nên khắc phục…
Vấn đề là phát huy những thế mạnh của các hãng phim, các cơ sở sản xuất phim tư nhân, đưa họ đi vào hoạt động theo kiểu chuyên nghiệp, đúng quĩ đạo, đẩy mạnh tiến trình xã hội hóa điện ảnh. Kết hợp được những thế mạnh của các hãng phim Nhà nước và tư nhân thì rất có lợi để phát triển điện ảnh của thành phố và cả nước. Tận dụng năng lực nghề nghiệp, tài năng của những đạo diễn tự do, những đạo diễn từ nước ngoài về.
Để đẩy mạnh xã hội hóa cần chú ý thực hiện luật điện ảnh và những điều khoản qui định hoạt động của các cơ sở điện ảnh tư nhân. Những chính sách ưu đãi cần có về thuế, cơ chế để khuyến khích đầu tư về điện ảnh(sản xuất, phát hành chiếu bóng, dịch vụ.). Có chính sách bảo hộ cho phim VN. Quan hệ giữa các cơ sở điện ảnh Nhà nước và tư nhân phải có sự hợp tác trên tinh thần hữu hảo, cùng có lợi, công bằng.
Như tôi đã nói, phải có một bước tổng kết, rồi từ đó phân tích những mặt tích cực cũng như các mặt hạn chế hoạt động của các cơ sở điện ảnh, các hãng phim tư nhân; có những ý kiến đóng góp, tham mưu để có những giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh việc phát triển các cơ sở điện ảnh tư nhân theo đúng định hướng xã hội hóa và đạt hiệu quả tốt nhất về kinh tế, xã hội. Có kế hoạch giúp, hỗ trợ để các hãng phim tư nhân đi vào hoạt động theo kiểu chuyên nghiệp, phát huy những mặt mạnh của các hãng phim tư nhân, góp phần đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa điện ảnh.
Phải có quy hoạch và định hướng phát triển cho ngành điện ảnh thành phố và cả nước trong những năm tới. Trong bối cảnh mới, điện ảnh muốn phát triển phải có những chuyển đổi phù hợp với xu hướng và quy luật khách quan để đáp ứng yêu cầu đề cao giá trị tốt đẹp của đất nước, con người và dân tộc Việt Nam vừa làm nhiệm vụ phục vụ cho nhu cầu giải trí lành mạnh cho người xem rồi ta còn phải tính đến việc các tác phẩm điện ảnh được bán cho nước ngòai, trở thành một sản phẩm hàng hóa. Quy hoạch giúp cho điện ảnh phát triển toàn diện, cân đối và phát huy tối đa nguồn lực trong nước và nước ngoài; nhà nước và nhân dân; các thành phần kinh tế.
Thực hiện tốt Luật bản quyền để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sáng tác. Có những chính sách ưu đãi cần có về thuế, về cơ chế để khuyến khích đầu tư về điện ảnh (sản xuất, phát hành chiếu bóng, dịch vụ.)
Nên chăng chúng ta thử phân công trách nhiệm đối với xã hội? Muốn các hãng phim và các cơ sở sản xuất phim tư nhân làm nhiệm vụ chính trị trị phải có chính sách đền bù lại, nếu không người ta lấy đâu tiền để trả lương cho nhân viên? Luật Điện ảnh đã quy định các hãng phim tư nhân cũng được quyền tham gia đấu thầu và được nhà nước tài trợ làm phim, nếu…! Nhưng cho đến nay, hình như chưa có hãng phim tư nhân nào được nhà nước đầu tư vốn để làm phim, nếu…! Cần coi lại việc đấu thầu trong cơ chế duyệt tài trợ cho phim.
Cũng phải nói thêm là không phải có tiền nhiều là làm phim tốt; cũng không phải là tiền ít là làm phim không hay. Trên thực tế, nền điện ảnh các nước đã chứng minh, có nhiều phim hay mà kinh phí cho bộ phim đó không lớn. Và điện ảnh Iran là một điển hình về việc làm phim với kinh phí ít tốn kém.
Về phương diện quản lý Nhà nước, đáng lưu ý trong việc cải tiến hệ thống duyệt phim, hội đồng duyệt phim, phổ biến phim nước ngoài trên truyền hình và rạp chiếu. Dường như đã có khá nhiều những bộ phim quá mức bạo lực được phát sóng, vi phạm điều cấm trong Luật Điện ảnh Việt Nam. Có khá nhiều phim mà Hội đồng Duyệt phim Quốc gia thống nhất không nên cho phổ biến thì sau đó đã thấy xuất hiện trên màn ảnh nhỏ có phụ đề tiếng Việt. Cơ chế kiểm duyệt phim cần cải tiến qui trình, cơ chế duyệt kịch bản và phim thông qua các tiêu chí cụ thể, khả thi, thống nhất với hiệu quả cả hai mặt là định hướng chung và kích thích sáng tạo, tạo được sự thỏai mái, hứng khởi và cả ý thức trách nhiệm công dân ở người nghệ sĩ.
Cơ chế tổ chức ngành điện ảnh- như kiến nghị của Đại hội Điện Ảnh là phải theo kiểu liên thông các khâu hoạt động từ sản xuất đến phát hành- chiếu bóng, từ trung ương đến địa phương, thông suốt để tạo được sức mạnh tập trung, hiệu quả cao.
Ngay bây giờ phải đào tạo đội ngũ- một thế hệ làm phim mới chuyên nghiệp, tài năng cho tương lai. Điều này rất quan trọng. Đội ngũ làm phim chuyên nghiệp của chúng ta hiện nay rất yếu và thiếu. Và đội ngũ để kế thừa trước mắt cũng đang báo động. Các nhà quản lý ngành phải có chiến lược, có tầm nhìn xa cho việc phát triển điện ảnh 10 năm, 20 năm, 50 năm tới; đầu tư nâng cấp cho các trường đào tạo, đội ngũ giảng viên, cán bộ kỹ thuật v.v…
Và cùng với việc chính sách đãi ngộ chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho người làm phim, sao cho họ không phải lo đời sống của mình mà toàn tâm toàn ý cho việc sáng tác, làm phim. …; kể cả là người làm phim cho tư nhân lẫn hãng phim Nhà nước.
Tác giả bài viết: Cẩm Thúy
Ý kiến bạn đọc