Phản ứng của khán giả đối với phim truyền hình nhiều tập hiện nay cũng đã khá khả quan. Họ càng ngày càng đòi hỏi món ăn tinh thần này được nâng cấp và phát triển.
Cảnh trong phim "Phiêu lưu mùa hè" - Đạo diễn Minh Cao
Tôi bắt đầu làm phim truyền hình chỉ khoảng vài năm trở lại đây, với một số phim, chưa được cho là nhiều, nhưng cũng không phải là ít. Từ khâu tiếp xúc kịch bản, đến bấm máy, hậu kì rồi lên sóng quả thật mỗi phim đều cho tôi một kinh nghiệm khác nhau. Mỗi phim là một trải nghiệm vô cùng quý giá với việc tiếp xúc với biên kịch, nhà sản xuất và dư luận sau khi phim ra đời.
Chung quy lại, khi làm nghề, đặc biệt là làm phim truyền hình, tôi thấy 4 yếu tố có liên quan trực tiếp với chất lượng bộ phim:
- Kịch bản
- Nhà sản xuất
- Đạo diễn và dàn diễn viên
- Nhà đài, khán giả và giới phê bình phim.
4 yếu tố trên cũng có thể nói cho phim chiếu rạp, nhưng ở đây, tôi xin đề cập đến góc độ làm phim truyền hình nhiều tập (từ 20 trở lên) và chia sẻ một số kinh nghiệm của cá nhân về những phim đã từng tham gia với vai trò đạo diễn.
Với kinh nghiệm về phim truyền hình nhiều tập – mỗi phim là cả một công trình trường kì với sự tiêu tốn thời gian và công sức khủng kiếp. Như một công trình kiến trúc – người kiến trúc sư phải sáng tạo độc đáo – tư duy một mình nhưng làm bằng tiền của nhà đầu tư và quan trọng hơn – làm việc tập thể. Một phim truyền hình nhiều tập, tiếp xúc với không dưới 100 con người với nhiều trình độ và cá tính khác nhau… Chỉ nghe nói thôi đã làm thấy rất khó khăn rồi. Tuy nhiên, khi đã đến với nghề - người nghệ sĩ vẫn luôn phải nỗ lực để vượt qua tất cả và có được thành phẩm văn hóa tốt đẹp dành cho đời.
Kịch bản – vấn đề then chốt
Để có một phim truyện hay, không ai phủ nhận tầm quan trọng của kịch bản. Kịch bản là yếu tố đầu tiên tạo nên một phim truyện. Nhưng để có một kịch bản hay thì không dễ. Bởi nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố: tài năng, sự kiên nhẫn và hợp tác tốt của biên kịch với nhà sản xuất và đạo diễn.
Hiện tại, biên kịch ở nước ta chỉ tiếp xúc đến với đạo diễn, thậm chí có biên kịch chỉ tiếp xúc đến nhà sản xuất. Còn phim của mình đã giao cho ai làm đạo diễn đôi khi có người không quan tâm. Bởi có quan tâm thì phải chỉnh sửa nhiều lần theo ý đạo diễn! Đôi khi mất lòng và đơn giản: để thời gian viết phim khác…
Vấn đề thực trạng kịch bản phim đã được đề cập rất nhiều từ những 5 năm trước, nhưng cho đến nay, khi thời lượng phát sóng phim Việt ngày càng tăng, thì tìm kiếm kịch bản hay vẫn là bài toán khó cho các nhà sản xuất và đạo diễn. Trong khi hầu hết những biên kịch ở Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, hoặc những người được đào tạo thì lại không có cơ hội để làm nghề. Những biên kịch hầu hết xuất thân từ nhà văn, nhà báo – họ có vốn sống và kinh nghiệm nhưng kĩ thuật thể hiện lên phim chưa cao, viết theo dạng kịch bản văn học khiến đạo diễn đôi khi lúng túng trong xử lý. Còn ngược lại, những biên kịch trẻ được đào tạo thì lại thiếu vốn sống và khả năng ứng xử giao tiếp tốt với nhà sản xuất để có hợp đồng kịch bản. Những lệch pha này đã không ít lần đạo ra những sản phẩm “dở dở ương ương” cho nhà sản xuất, bỏ thì thương, vương thì tội.
Ví như mua kịch bản của một nhà văn có tên tuổi thì phải viết lại kịch bản theo cấu trúc điện ảnh thì mới có thể sản xuất được. Còn mua kịch bản của biên kịch trẻ thì lại có những xử lý rất ngây ngô về đời sống, tạo ra những nhân vật hời hợt,…
Một thực trạng khác là nhà biên kịch có tên tuổi và chuyên nghiệp thì lại quá nhiều việc, bản thân họ cũng phụ trách nhiều việc khác nhau nên thật sự khó dốc toàn tâm sức cho một kịch bản. Đến khi được đạo diễn yêu cầu chỉnh sửa thì họ lại đang làm việc khác! Nên trường hợp đạo diễn phải tự chỉnh sửa kịch bản theo ý mình cũng là thiệt thòi cho cả hai bên. Biên kịch chê trách là sửa không đúng ý, đạo diễn thì mất nhiều thời gian và tâm lực, thậm chí, không có thời gian phải nhờ 1 biên kịch khác vào chỉnh sửa thì kịch bản lại càng đi xa điểm xuất phát ban đầu. Còn nếu không chỉnh sửa thì khó có thể thực hiện được bộ phim.
Vậy thì lối thoát nào cho một kịch bản dở, theo cá nhân tôi thì cần giành nhiều thời gian và công sức cho việc đào tạo biên kịch chuyên nghiệp. Tuy nhiên để làm được điều này rất khó. Bởi yếu tố để trở thành biên kịch phải là một cá nhân sáng tạo, nhiều vốn sống và giàu tâm huyết với điện ảnh nước nhà, và cơ bản hơn nữa là họ phải có nhiều thời gian. Thời gian dành cho việc viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập là vô tận, đôi khi là 24/24 – sống với nhân vật và cùng sáng tạo cùng nhân vật.
Nhà sản xuất – người đầu tư và có quyền quyết định
Thay vì biên kịch là người tiếp xúc nhiều với đạo diễn nhất thì hiện nay dường như họ chỉ có điều kiện tiếp xúc với nhà sản xuất. Người đầu tư muốn gì? Những món gì trong phim có thể chào quảng cáo, nghề nào nhà sản xuất xin được tài trợ… Có trường hợp để chạy theo tài trợ, nhân vật chính của phim phải “đổi nghề”… Biên kịch – người sáng tạo nên nền tảng của một bộ phim – không có nhiều đất sáng tạo. Họ phải viết theo “đơn đặt hàng” của nhà sản xuất như: trong phim đó bao nhiêu cảnh nội? ngoại? ngày? đêm?... đều phải quy định từ khi viết – để nhà sản xuất giảm giá thành và tiết kiệm tiền đầu tư. Áp lực doanh thu của nhà sản xuất đôi khi đổ lên đầu biên kịch và kịch bản vì thế cứ nhàn nhạt theo – biên kịch dần dà chán với chính “đứa con” của mình. Bởi làm phim truyền hình nhiều tập cần nhiều thời gian, đôi khi là nửa năm, 1 năm cho một kịch bản – để có lửa trường kì châm cho sáng tạo là không đơn giản. Trong khi bị áp lực quá nhiều từ nhà sản xuất, thời gian hoàn thành kịch bản – biên kịch cảm thấy quá mệt mỏi, đến khi giao kịch bản cho đạo diễn được rồi thì họ đành “lặn” mất tăm, để tự các đạo diễn phải tùy cơ ứng biến.
Nói ra điều này không phải quy kết các biên kịch làm nghề không trách nhiệm mà cần đặt lại vấn đề với ứng xử của nhà sản xuất với biên kịch… tiết chế quảng cáo ra sao và yêu cầu chỉnh sửa cần tôn trọng các sản phẩm sáng tạo như thế nào?...
Hiện nay, các biên tập của hãng phim thì hầu hết lại không phải là một biên kịch đã trưởng thành hoặc một đạo diễn đã làm nhiều phim, họ không đủ khả năng “bắt dò” biên kịch về tuyến truyện hay kịch tính của phim mà lại đi thắc mắc những chi tiết vụn vặt, hoặc yêu cầu sửa những lỗi chỉ thiên về tính kỹ thuật,quảng cáo cho sản phẩm đã ký được của phòng marketing. Vấn đề ứng xử với một kịch bản cũng cần quan tâm và bàn bạc thêm, làm sao để quá trình giao tiếp tạo thêm cảm hứng sáng tạo và làm cho phim hay hơn ý tưởng ban đầu? Cá nhân tôi khi làm đạo diễn cho một số phim như: Gia tài bác sỹ, Người đẹp Bình Dương, Anh em nhà bác sỹ, Phiêu lưu mùa hè…, và phim đang thực hiện là “Nước rút” đều không có được sự cộng tác sửa chữa nhiệt tình của các biên kịch. Hầu hết tôi phải tự nhọc công sửa lại theo ý mình hoặc nhờ những biên kịch thân quen khác cùng chỉnh sửa… Khi phim đã đến tay đạo diễn thì thời gian phát sóng đã đến gần… chạy theo thời gian để làm phim kịp phát sóng cũng làm cho phim truyền hình nhiều tập không có chất lượng cao.
Đạo diễn và dàn diễn viên
Thời gian ít, kinh phí thực hiện hạn hẹp thì dù đạo diễn và diễn viên có nỗ lực cách mấy phim cũng rất khó hoàn hảo. Thực tế tôi đã từng phải quay 30 tập phim trong vòng 60 ngày, 2 ngày 1 tập với một hãng phim chưa chuyên nghiệp. Bao nhiêu đó thời gian, diễn viên không có thời gian để thấm kịch bản, huống hồ là chăm chút cho từng câu thoại, nét mặt và tư duy riêng cho từng vai diễn của mình. Chưa nói đến việc diễn viên đa số là không chuyên và từ ngành khác như: ca sĩ, người mẫu chuyển qua… Về phía đạo diễn, tuy đã tiếp xúc kịch bản từ trước nhưng 30 tập phim cũng là một số lượng chữ khổng lồ, hơn 1.300 trang in. Các diễn viên chính cũng phải đọc nhiêu đó số trang với thời gian quá hạn hẹp… và điều kiện làm việc đôi khi rất khắc nghiệt (cảnh ngoại ở Phương Nam với cái nắng gay gắt và đôi khi xe cộ rất ồn ào…). Quá nhiều khó khăn, không phải cá nhân nào cũng có thể có nghị lực vượt qua… nếu không thật sự tâm huyết với nghề.
Tuy nhiên, không thể phủ định được, trong tình hình khó khăn, vẫn có nhiều bộ phim truyền hình Việt Nam nhiều tập làm hài lòng khán giả Việt. Ánh nhìn của khán giả đã bớt “khắt khe” hơn trước. Khi xem những phim Việt hóa thì họ lại ao ước được xem phim thuần Việt hơn. Khán giả truyền hình đã khóc bởi những phim thuần Việt như “Ngã rẽ” (phần 3 của Câu chuyện pháp đình), cười cùng phim thuần Việt như “Cá rô em yêu anh”, hồi hộp cùng “Vật chứng mong manh”… Khán giả ngày càng tin tưởng vào phim Việt hơn. Tín hiệu đáng mừng cho nhà sản xuất và những người làm phim Việt.
Nhà đài, khán giả và giới phê bình phim
Nhà sản xuất quan tâm nhiều đến thị hiếu khán giả, bởi họ làm phim để phục vụ khán giả và cần số lượng người xem cao. Trong khi khán giả Việt Nam hiện nay phần nhiều vẫn chỉ chú ý đến bề nổi của câu chuyện phim và “ngôi sao” nào tham gia bộ phim đó. Họ không chú ý nhiều đến chất lượng nghệ thuật của điện ảnh nên làm phim tốn kém đôi khi cũng có doanh thu chỉ như phim bỏ vốn bình thường. Nhà sản xuất nương vào yếu tố này mà ngại đầu tư những phim có cảnh đại, phim có yếu tố lịch sử và phục trang cầu kì… Làm phim để đầu tư, họ buộc phải chọn phương án an toàn. Có hay không nghĩ đến việc đề nghị nhà đài tạo điều kiện cho phim hay phát triển, ưu tiên thu phí phát sóng “rất tượng trưng” cho dòng phim lịch sử hoặc phim có nghệ thuật cao, có chiều sâu về giáo dục, thẩm mỹ…? Trong tình hình các hãng phim tư nhân được hợp tác với nhà đài như hiện nay, việc “cởi bỏ” những vướng mắc, cùng nhau tháo gỡ nhưng khó khăn của nhà đài với nhà sản xuất là rất cần thiết, nhất là những ưu tiên thiết thực liên quan đến doanh thu của bộ phim.
Phản ứng của khán giả đối với phim truyền hình nhiều tập hiện nay cũng đã khá khả quan. Họ càng ngày càng đòi hỏi món ăn tinh thần này được nâng cấp và phát triển. Cũng có thể nghĩ đến một số đối tượng khán giả chịu bỏ tiền (qua việc thu phí cao cho truyền hình cáp) để xem những giờ phim Việt đặc biệt hoặc phim liên quan đến nghề nghiệp hay sở thích của họ. Nhân đó, tạo điều kiện làm phim hay, phim đặc biệt chuyên nghiệp ra đời…
Giới phê bình phim mà đặc biệt là các phóng viên văn hóa cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cho phim truyền hình phát triển hoặc không. Lời khen tiếng chê của họ tác động trực tiếp đến nhà đầu tư và khán giả xem đài. Nhưng trên thực tế, rất ít phóng viên cùng chia sẻ với những khó khăn phải đối mặt của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Họ luôn đòi hỏi những bộ phim đạt chất lượng như… Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc phim Mỹ… họ xem phim bằng tinh thần so sánh với phim họ đã từng xem, dựa vào cảm quan nghệ thuật của họ, chê phim Việt Nam một cách gay gắt… điều này có 2 cái hại lớn, nhà sản xuất và đoàn làm phim nản, “vất vả mà bị chê”, và khán giả Việt dựa theo đó mà không xem phim Việt… Nói như vậy không phải phủ định công lao của phóng viên viết về điện ảnh Việt Nam, tuy nhiên, chỉ muốn chia sẻ cùng họ với tư cách của người làm nghề. Hãy cùng nhau xây dựng có thiện chí vì một nền điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển./.
Tác giả bài viết: Đạo diễn Minh Cao
Ý kiến bạn đọc