Rss Feed

Trần Nhu (1927 – 2005) – Nhà quay phim chiến tranh

Đăng lúc: Thứ năm - 29/03/2012 11:29 - Người đăng bài viết: Hội Điện Ảnh TP.HCM
Bộ phim Du kích Củ Chi đã được rất nhiều khán giả trong và ngoài nước biết đến. Và hằng ngày, ở địa đạo Củ Chi, khách đến thăm địa đạo đều được xem lại những thước phim tư liệu về đội du kích anh hùng của một thời với những cái tên Ba Nì, Bảy Nê, Bảy Mô, Tư Gừng,... Nhưng có ít người biết đến tác giả.
Nghệ sĩ ưu tú Trần Nhu

Nghệ sĩ ưu tú Trần Nhu

Từ những năm 47-48, tại chiến khu Đồng Tháp Mười, có một tổ Nhiếp - Điện ảnh đã hình thành. Những người đã có công gầy dựng nên Điện ảnh Nam Bộ kháng chiến thời bấy giờ gồm có: Mai Lộc, Khương Mễ, Vũ Sơn, Nguyệt Hải hay còn gọi là Trần Nhu,… Và bộ  phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh kháng chiến đã ra đời: Chiến trận Mộc Hóa.
 
Năm 1962, tại những cánh rừng của miền Đông Nam Bộ, Xưởng phim Giải Phóng của Mặt Trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam đã được thành lập, với những tên tuổi như: Mai Lộc, Nguyễn Hiền, Vũ Sơn, Hồng Sến, Phạm Khắc, Trần Nhu,…, trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, dưới sự lãnh đạo của Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Cúc, tức Mười Cúc, tức Nguyễn Văn Linh.
 
Nhiều bộ phim ra đời, như Chiến thắng Bình Giã, Đồng Xoài rực lửa, Đường ra phía trước, Nghệ thuật tuổi thơ,… đã góp phần động viên tinh thần mọi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước ta chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
      
Riêng nghệ sĩ Trần Nhu, những bộ phim tài liệu của ông quay không nhiều, chỉ 4 phim: Chiến thắng Gò Quao, Đội nữ Du kích Củ Chi, Đội nữ pháo binh Long An, Hạt lúa vành đai. Nhưng đặc biệt, phim nào cũng được giải thưởng: phim Chiến thắng Gò Quao được Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải Phóng năm 1965, phim Du kích Củ Chi được giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam năm1970, Huy chương vàng Liên hoan phim Quốc tế Maxcơva năm 1967, giải Bồ câu bạc Liên hoan phim Quốc tế Lepzig năm 1967, phim Đội nữ pháo binh Long An được giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam năm1970, Bằng khen Liên hoan phim Quốc tế Á-Phi, tổ chức tại Takskent năm1968, bằng khen Liên hoan phim Quốc tế tại Lepzig- Đức năm 1969, phim Hạt lúa vành đai được giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam năm 1970, giải Apsara vàng Liên hoan phim Quốc tế Phnompenh năm 1969.
Nghệ sĩ ưu tú Trần Nhu tên thật là Phan Thế Dõng, sanh năm 1927, ở xã Thạnh Trị, Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Lớn lên ông làm nhiều nghề, trong đó có làm công cho tiệm ảnh Cinema năm 1944 ở đường Tư Do - Sài Gòn nay là Đồng Khởi - TP.HCM, với công việc chính là in tráng, phóng ảnh. Ông thân với nhà quay phim Lý Cương cũng cùng làm chung ở đây. Cách mạng Tháng Tám đã đổi đời ông cũng như nhiều thanh niên yêu nước khác. Ông tham gia kháng chiến vào tháng 7 năm 1947, bằng tất cả sự hồ hởi của một người vừa thóat khỏi xích xiềng nô lệ. Ông được phân công về trung đoàn 115 thuộc tỉnh Sa Đéc đánh giặc đến năm 1949. Lúc này ở khu 8 đã có Tổ nhiếp - điện ảnh do ông Mai Lộc phụ trách. Ông Lý Cương cũng đã được rút về đây. Theo sự giới thiệu của ông Lý Cương, ông Trần Nhu cũng được rút về đây làm ở bộ phận in tráng. Năm 1952, điện ảnh tách ra làm phân liên khu miền Đông và miền Tây, ông Trần Nhu về miền Tây cũng làm nhiệm vụ in tráng phim. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được phân công về phòng Văn nghệ Quân đội thuộc Tổng cục chính trị. Tháng 5/1956 chuyển ngành, ông được điều về Xưởng phim Tài liệu Trung ương. Năm 1956, Cục Điện ảnh mở lớp đào tạo quay phim, ông được đi học cùng với Hải Ninh, Bùi Đình Hạc, Ma Cường, Tâm Hiền, Hồng Sến,…
        
Tháng 4/1961, ông cùng với các ông Nguyễn Hiền - tức Cao Thành Nhơn, Xông Pha, Ba Thạnh,… lên đường về chiến trường miền Nam.
      
 Những kỷ niệm về những ngày làm phim chiến trường không bao giờ phai trong ký ức người quay phim Trần Nhu.
      
Bao giờ cũng vậy, những người làm phim tài liệu thời sự luôn luôn là những chiến sĩ xung kích. Qua những bộ tài liệu, những số phận con người được tái hiện một cách chân thực, nên nhân vật luôn gắn bó vơi người làm phim.
       
Có những dịp để ông gặp lại những chiến sĩ du kích dũng cảm của phim Đội nữ Du kích Củ Chi, Đội nữ pháo binh Long An, mà dưới mắt ông họ vẫn là những cô gái rất trẻ của ngày nào là không bao giờ ông từ chối. Dù tuổi cao, sức yếu. Nhớ Tư Gừng với nụ cười đôn hậu, nhớ Bảy Mô lặn lội cả mấy cây số đi tìm trà cho anh em quay phim uống trong những ngày diễn ra những trận chiến ác liệt ở Củ Chi. Để làm bộ phim Du kích Củ Chi, ông và nhà quay phim Trung Chánh đã bám trụ ở Củ Chi hàng 6 tháng trời.
       
Ông Trần Nhu vẫn canh cánh bên lòng những nỗi ưu tư về các nhân vật của phim ông ngày xưa, trong cuộc sống hòa bình hiện tại. Bây giờ, khi đã ngấp nghé tuổi 80, ông vẫn tất bật đi về các nơi để lo chánh sách, chế độ cho các chiến sĩ, du kích năm xưa dù là những chiến sĩ của Đội nữ pháo binh Long An hay Du kích Củ Chi. Ông vẫn đi về lo việc chăm sóc, quan tâm đến những đồng đội cũ của ông ở Điện ảnh khu 8 ngày xưa hay Xưởng phim Giải phóng và gia đình của họ.
        
Khi chúng tôi hỏi ông ngày trước khi những bộ phim của ông và đồng nghiệp được thực hiện, rồi đem chiếu cho khán giả là những chiến sĩ giải phóng đang chiến đấu, những cán bộ nhân viên đang công tác trong chiến khu, nhân dân ở vùng giải phóng và cả ở vùng giáp ranh, ông đã nghĩ gì. Ông nói rằng ông thắm thía giá trị của những thước phim mà ông và đồng đội đã phải đổ mồ hôi và xương máu mới có được và khi thấy sự đón nhận của khán giả là các ông không còn biết mệt và sẵn sàng xung phong đi quay nhiều phim hơn nữa. Kể lại với con cháu sau này, ông cũng luôn nhắc về một thời quá khứ gian khổ, khó khăn nhưng hào hùng, anh dũng của những ngày làm phim trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
     
Tuy bây giờ không còn làm phim nữa nhưng ông vẫn có nhiều kinh nghiệm để truyền lại cho thế hệ sau này.
      
Gần 60 năm tham gia cách mạng và làm điện ảnh, nghệ sĩ ưu tú Trần Nhu đã được tặng huân chương Chiến thắng, huân chương Quyết thắng, HC Kháng chiến hạng 3.
      
Năm 2004, Nghệ sĩ ưu tú Trần Nhu đã được Nhà nước phong tặng Huân chương lao động hạng Nhất. Một sự tưởng thưởng xứng đáng cho người nghệ sĩ - chiến sĩ điện ảnh. Ngày ông nhận Huân chương lao động hạng nhất, hỏi ông đang nghĩ gì thì ông nói ông nhớ về đồng đội: có những người hiện nay không còn nữa, những người đã giúp ông làm nên những bộ phim, nhớ Lý Minh Văn, Trần Hữu Hạnh, Trung Chánh đã hy sinh trong Tổng tấn công Tết Mậu Thân, nhớ những du kích Củ Chi, những nữ pháo binh Long An, nhớ những người dân vùng ven thành phố Sài Gòn thời chiến tranh,… Điện ảnh là một sản phẩm - một công trình tập thể, không thể riêng ai mà làm nên.
Tác giả bài viết: Cẩm Thúy
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
  
   Cổng thông tin chính thức của HỘI ĐIỆN ẢNH TP.HCM
   Địa chỉ: 81 Trần Quốc Thảo (lầu 6), Phường Võ Thi Sáu,  Quận 3, TP.HCM - ĐT: 028.39321229
   Email: hoidienanhtphcm@gmail.com Giấy phép số 50/GP-ICP-STTTT.