Gia đình nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Chiều nay 16.2, bạn bè giới văn nghệ sĩ cùng người thân và người hâm mộ đã tiễn đưa linh cữu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đến nơi an nghỉ cuối cùng. Không ít giọt nước mắt đã rơi khi điếu văn dành cho tác giả Chiếc lược ngà được đọc lên...
Kính thưa tất cả các đồng chí, các nhà văn, các văn nghệ sĩ và thân bằng quyến thuộc,
Kính thưa gia đình Đồng chí - Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Hôm nay, tất cả chúng ta - những đồng chí, đồng nghiệp, những người bạn thân hữu và cả những độc giả, khán giả yêu quý, hâm mộ một nhà văn tài hoa của đất nước đã tề tựu tại đây, trong giờ phút này, để cùng với gia đình tiễn đưa Đồng chí – Nhà văn Nguyễn Quang Sáng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Vẫn biết rằng cuộc đời là “sống gởi, thác về”, vẫn biết rằng sinh - tử là quy luật của đời người, thế mà chúng ta không tránh khỏi bàng hoàng trước sự mất mát đột ngột và to lớn này.
Đồng chí Nguyễn Quang Sáng sinh ngày 12-1-1932, tại làng Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nơi đầu nguồn sông Mê- Kông chảy vào Nam bộ, nơi có nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng trong cả nước. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, từ lúc thơ ấu, Đồng chí đã sớm có nhận thức về khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Nam bộ với tầm vông, lưỡi mác bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, mới 14 tuổi, với lòng căm thù giặc sâu sắc, Đồng chí đã gia nhập bộ đội, làm liên lạc cho Vệ quốc đoàn tỉnh Long Châu Tiền.
Năm 1948, Đồng chí được cử về học tại trường Nguyễn Văn Tố - một trường trung học kháng chiến ở miền Tây Nam bộ. Tại trường học cách mạng này, tháng 4 năm 1950 Đồng chí vinh dự được kết nạp Đảng khi vừa tròn 18 tuổi.
Từ năm 1950 đến 1952, Đồng chí được cử về làm cán bộ Phòng Chính trị Phân Liên khu Miền Tây Nam bộ.
Từ năm 1952 tới năm 1954, Đồng chí công tác tại Tòa soạn báo Quân đội Nhân dân miền Tây Nam bộ.
Sau khi tập kết ra Bắc, từ năm 1956 tới 1958, Đồng chí được phân công về làm cán bộ biên tập của Phòng Văn nghệ Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Rừng U Minh là nơi khơi nguồn sáng tạo cho những tác phẩm văn học của Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, giờ đây thực sự đơm hoa kết trái.
Sau khi về Hội Nhà văn Việt Nam làm biên tập viên báo Văn Nghệ, rồi biên tập viên Nhà Xuất bản Văn học, Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã liên tiếp cho xuất bản các tập truyện ngắn và tiểu thuyết như Người quê hương (1958), Nhật ký người ở lại (1962), Đất lửa (1963)... và đạt được một số giải thưởng như Giải thưởng báo Thống Nhất, giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội... Với những đóng góp nổi bật đó, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam Khóa II và Khóa III.
Năm 1966, Đồng chí cùng đồng đội vượt Trường Sơn trở về Nam, công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng. Đồng chí đã lăn lộn khắp các chiến trường miền Tây Nam bộ, đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười, nơi có rất nhiều kỷ niệm của thời chống Pháp. Với vốn sống chiến trường máu lửa đó, và với tài năng đặc biệt, Đồng chí đã viết ra những tác phẩm xuất sắc về cuộc chiến tranh chống Mỹ của người dân đồng bằng sông Cửu Long như Chiếc lược ngà (1968), Bông cẩm thạch (1969), Chiếc áo thằng hình rơm (1975)...
Năm 1971, do sức khỏe giảm sút, Đồng chí được ra Bắc để chữa bệnh, sau đó trở về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, tiếp tục viết những tác phẩm như Mùa gió chướng (1975), Người con đi xa (1977)...
Sau ngày nước nhà thống nhất, Đồng chí trở về làm công tác tại Hội Văn nghệ cho đến khi Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1981, Đồng chí được bầu làm Tổng Thư ký (tức Chủ tịch Hội bây giờ) và giữ chức vụ này ba khóa liên tiếp. Thời gian này, Đồng chí cho ra đời nhiều tiểu thuyết, tập truyện, kịch bản phim... thu hút được sự chú ý của công chúng, như Dòng sông thơ ấu (1985), Bàn thờ tổ một cô đào (1985), Tôi thích làm vua (1988), Con mèo Fujita (1991)... các kịch bản phim Mùa gió chướng (1977), Cánh đồng hoang (1978), Pho tượng (1981), Mùa nước nổi (1986), Dòng sông hát (1988), Thời thơ ấu (1995), Giữa dòng (1995)... Đặc biệt phim Cánh đồng hoang do Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Sến đạo diễn được tặng Huy chương vàng Liên hoan phim toàn quốc (1980), Huy chương vàng Liên hoan phim Mát-xcơ-va (1981)...
Trước những thành tựu đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, sự cống hiến to lớn trong suốt một chặng đường dài chung thủy với đất nước, với cách mạng, với nhân dân, Đồng chí – Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000) và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Kính thưa các đồng chí,
Có thể nói, cuộc đời, văn nghiệp và lòng yêu nhân dân, yêu Tổ quốc nồng nàn, mãnh liệt của Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một thể thống nhất, trở thành một biểu tượng của sáng tạo nghệ thuật cách mạng, chân chính, vừa mang tính rắn rỏi như bản chất của người lính, vừa lãng mạn trữ tình, chân chất như bản chất con người Nam bộ.
Đồng chí đã chia tay chúng ta nhưng những tác phẩm thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, khắc họa cuộc sống, chiến đấu oanh liệt của nhân dân ở vùng Đất lửa, trên Cánh đồng hoang, giữa Mùa gió chướng; những tác phẩm thật bình dị, chân thật, đầy nghĩa khí như tình đất, tình người phương Nam, mãi mãi là hành trang văn hóa, tinh thần cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Những tác phẩm văn học ấy mãi mãi là nguồn sáng chiếu rọi, nâng đỡ tâm hồn và phẩm giá của con người Việt Nam.
Nhớ về Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là chúng ta nhớ về một tấm gương lao động nghệ thuật miệt mài, sức sáng tạo bền bỉ và tình yêu con người chân thành từ sâu thẳm trái tim và khối óc.
Nhớ về Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là chúng ta nhớ về một người bạn hào sảng, người anh lớn của các nhà văn, nhà thơ, của các văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh - những người chiến sĩ văn hóa, văn học nghệ thuật đang kế thừa, tiếp bước.
“Anh Năm” - Nguyễn Quang Sáng không còn nữa, để lại biết bao tiếc thương trong lòng đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, người thân và bạn đọc cả nước.
Anh Năm ơi,
Tổ Quốc - tiếng gà trưa còn đó
Cánh đồng hoang loang nước ngậm ngùi
Mùa gió chướng bây giờ ai che chắn
Giữa dòng vương một nét mây trôi…
*
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng ra đi, Đảng bộ thành phố mất đi một đồng chí đảng viên trung kiên luôn cháy bỏng tình yêu cách mạng, tình yêu cuộc sống; đất nước mất đi một “cây đại thụ văn học Nam bộ”; Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, Hội Điện ảnh thành phố mà Đồng chí là hội viên sáng lập, mất đi một “người anh lớn” luôn bao dung, độ lượng; gia đình mất đi một người chồng – người cha – người ông rất mực đáng kính và tự hào.
Trong giờ phút đau thương này, cho phép chúng tôi, những người đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, những người em thế hệ đi sau của Đồng chí Năm Sáng, xin gửi đến gia đình lời chia buồn sâu sắc nhất. Kính mong gia đình nén đau thương, vượt qua mất mát to lớn này.
Xin Vĩnh biệt Đồng chí Nguyễn Quang Sáng!
Vĩnh biệt người chiến sĩ cách mạng kiên cường Nguyễn Quang Sáng!
Vĩnh biệt Anh Năm Sáng kính mến!
Anh đã về gặp các bạn văn của mình. Con chim vàng, con sếu đầu đỏ của Đồng Tháp Mười, của đồng bằng Nam bộ mãi mãi bay cao, bay xa ngàn dặm. Mong anh ra đi thật thanh thản!
Ý kiến bạn đọc