Hội Điện Ảnh TP.HCM về Củ Chi nghe kể chuyện chiến trường xưa
Nhân ngày Thương Binh Liệt Sỹ Việt Nam 27.7, Hội Điện Ảnh TP. Hồ Chí Minh tổ chức về nguồn thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi, thăm hỏi các bà mẹ có con em là liệt sĩ, hộ gia đình chính sách và tham quan một số mô hình làm kinh tế của bà con nông dân. Tham gia chuyến về nguồn có 12 hội viên thuộc các lĩnh vực như biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, thư kí…
Thời gian đầu tiên của chuyến về nguồn, chúng tôi đã đặt chân đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Củ Chi tại xã An Nhơn. Khuôn viên nghĩa trang rộng, sạch tinh tươm và đã có rất nhiều hoa của thân nhân, những người đến viếng dâng lên các liệt sỹ. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 8 ngàn anh linh liệt sỹ - những chiến sỹ có quê hương trên khắp miền đất nước đã về đây chiến đấu và hy sinh vì miền Nam thân yêu, và nhiều nhất vẫn là những liệt sỹ có quê ở Củ Chi.
Thắp nhang, tưởng niệm đến các anh hùng, những chiến sỹ đã vì nước hy sinh, ai cũng rưng rưng. Khoảng cách giữa đoàn người đến viếng mộ các liệt sỹ và thân nhân của liệt sỹ đến thăm mộ người thân đã không còn, khi cả hai đều chăm lo hoa tươi, nhang khói và trò chuyện với nhau về chiến trường xưa. Chúng tôi với chiếc máy quay phim và thư kí ghi ghi chép chép lúc đầu có làm những thân nhân đến thăm mộ liệt sỹ thắc mắc, nhưng sau vài phút bỡ ngỡ ban đầu, họ đã cởi mở nói về bạn mình nay là liệt sỹ an nghỉ nơi đây, con mình đã hy sinh để nay được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh Hùng.
Câu chuyện về những bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng trở nên gần gũi và thân thương hơn với chúng tôi khi đến tiếp tục đến viếng Đền tưởng niệm Quân Dân Y Củ Chi. Tại đây chúng tôi gặp Mẹ Nguyễn Thị Châu, 96 tuổi – năm nào vào ngày này Mẹ cũng đến đây để đem hoa, trái, heo quay thắp nhang cho hai người con của Mẹ đã hy sinh vì tổ quốc. Hai người con, một trai một gái của mẹ đã hy sinh khi tuổi con thanh xuân, hiện cũng đã an nghỉ ở nghĩa trang Liệt sỹ huyện Củ Chi. Mẹ đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh Hùng từ hai năm nay. Mẹ ngồi với chúng tôi, kể chuyện xưa chuyện nay không còn minh bạch nữa vì tuổi cao. Với mẹ, thời gian như đã dừng lại, mẹ kể về hai người con đã mất của mẹ và ba người con hiện đang chăm sóc mẹ - những sự kiện đều tươi mới như nhau.
Cũng nhân dịp này, lần đầu tiên chúng tôi được biết, tại nơi đây, người dân địa phương đã dựng bia Tưởng niệm những đồng chí Điện Ảnh T4 – hy sinh từ 1965 – 1973 và lập bàn thờ cho nhà thơ Viễn Phương – cố Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh. Bia tưởng niệm nhắc nhớ lại những ký ức của người dân về những đồng chí quên mình làm nghệ thuật, đi chiếu phim cho đồng bào – chiến sỹ, phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân huyện Củ Chi. Bia khắc rõ họ tên và tháng - năm hy sinh của các Đồng chí Điện Ảnh T4: Hà Văn Huỳnh, Đoàn Phi Hùng, Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Thê, Nguyễn Văn Nhỏ, Nguyễn Văn Băng, Lương Thị Kim Hồng, Nguyễn Tắc Quỳnh, Nguyễn Văn Thành, Võ Minh Trường, Dương Văn Quen, Trần Văn Bồi, Nguyễn Văn Sáng, Vũ Thị Ngọc Ánh. Như một nhân duyên, ngày Thương Binh Liệt Sỹ Việt Nam, Hội Điện Ảnh Tp.HCM về nguồn, mới biết và thắp nhang tưởng niệm các chiến sỹ làm nhiệm vụ Điện Ảnh đã hy sinh từ hơn 40 năm trước… Thời gian và không gian tình cờ hay hữu ý trở thành cây cầu nối các sự kiện từ trong quá khứ về với hiện tại và những tấm lòng vì dân quên mình, vì nhân nghĩa quên thân sẽ còn trường tồn vĩnh cửu, thân xác các chiến sỹ có rã tan, nhưng anh linh của các anh vẫn mãi sáng ngời…
Vẫn với cảm xúc đó, chúng tôi đến thăm các Mẹ Việt Nam Anh Hùng, các cựu chiến binh để nghe lại những xúc cảm của người trong cuộc, những kỷ niệm khó quên trong một đời người. Không cần tìm đâu xa, những người phụ nữ đất Củ Chi đã trở thành biểu tượng Vọng phu ngay trong đời thường. Chồng đi chiến đấu, vợ ở nhà nuôi con, rồi người chồng mất đi khi tuổi của họ còn thanh xuân. Nhưng vì nuôi con, vì gia đình chồng họ ở vậy và không đi lấy chồng khác. Bởi quan niệm của họ, đi lấy chồng thì ai nuôi con? Họ đã trải qua một cuộc đời vì người khác một cách hoàn toàn tự nguyện. Có thể tuổi trẻ hôm nay không thể nào hiểu nổi, một người phụ nữ mới 29 tuổi, chồng mất và bà có thể một mình cáng đáng nuôi 4 người con cùng với 1 mẹ chồng… những trường hợp như vậy không hề hiếm hoi gì ở xã An Phú huyện Củ Chi. Chúng tôi gặp gỡ những người mẹ như thế, cảm thấy gần gũi và được chia sẻ rất nhiều.
Sau đó chúng tôi đến nhà thăm cựu Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Phú Quốc – ông Cao Văn Chấm – Cựu Hội viên BLL SCCMBĐBTĐ. Ông bồi hồi kể cho chúng tôi nghe lại những kỷ niệm bi hùng khi ông bị địch bắt và bị tra tấn như thế nào. Những thương tích khi bị tra tấn để lại trên người ngay thời điểm đó thì không bao nhiêu, nhưng di chứng của nó ảnh hưởng đến bây giờ, khi ông đã ngoài 70 tuổi. Những câu chuyện chúng tôi chỉ được nghe trên đài, trên truyền hình giờ hiện rõ qua lời kể rất chi tiết của ông: Những ngày bị tra tấn bằng cách đục răng, đóng đinh vào đầu gối, rồi cho ngâm mình vào thùng phi, bị gõ từ bên ngoài để áp xuất nước làm chân động cơ thể người từ bên trong, bị treo lên và đổ xà bông vào mũi… những đòn tra tấn thâm độc nhất mà con người có thể nghĩ ra để nhằm bắt ông khai ra đồng đội của mình. Nhưng ông đã không khai và được giao trả tù binh năm 1973 (sau Hiệp định Paris)…
Về Củ Chi nghe lại những kỷ niệm cay đắng và hào hùng từ chiến tranh để biết quý trọng hơn hòa bình mà đất nước mình đang sẵn có. Ai cũng thấy một điều, được sinh ra trong thời bình là điều may mắn lớn nhất của con người. Bao nhiêu chiến sỹ đã hy sinh tuổi thanh xuân, sức khỏe, xương máu, tính mạng… của mình cho nền hòa bình dân tộc. Thật quý lắm thay…
Chúng tôi vui hơn khi tiếp đó được gặp vợ chồng ông-bà Bùi Văn Bi, xưa ở đoàn Văn Công quân khu 7. Chúng tôi được nghe câu chuyện tình yêu đẹp của ông bà. Ông bà gặp nhau khi cùng làm nhiệm vụ trong đoàn văn công. Ông thổi kèn còn bà thì trong đội múa. Hai người yêu nhau, được đoàn thể làm lễ cưới trong chiến khu và sinh con đầu lòng ở đó. Đứa con trai của ông bà được chào đời trong chiến khu với bao nhiêu gian khó, nay đã trưởng thành, có vợ con và sống cùng ông bà. Hòa bình về, ông bà còn sanh thêm được 3 người con nữa… Thấy sự hạnh phúc của ông bà rạng ngời trên đôi mắt khi kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm xưa. Ngày nay, trung ương Cục Miền Nam ở Tây Ninh, vẫn còn lưu hình đoàn văn công của ông bà chụp chung cùng Nữ anh hùng Nguyễn Thị Định. Ông bà cho chúng tôi xem lại bức hình trắng đen xưa và chiếc kèn đã cũ nhưng quý giá với niềm hạnh phúc được chia sẻ, được sống lại quá khứ khó khăn nhưng nghĩa tình.
Chúng tôi còn đến thăm nhiều mẹ Việt Nam Anh Hùng ở Củ Chi, những người mẹ hòa nhã, thích được có con cháu và người trẻ quan tâm hỏi han. Đất Củ Chi cứng rắn đã nuôi dưỡng nên những con người giàu ý chí chiến đấu và sống hết mình với con đường đã chọn. Về già, họ luôn giữ được nụ cười trên môi khi có người nhớ và đến thăm mình.
Những ngày tiếp theo, chúng tôi đi thăm những hộ gia đình, những Hội nông dân và hợp tác xã ở các xã Trung An, xã Trung Lập Thượng, thăm kênh Đông… Chúng tôi đã có cơ hội trải nghiệm cùng người dân thu hoạch bí, dưa leo, rau cải, chôm chôm, đậu bắp… Ngoài những mô hình làm kinh tế trong việc xây dựng Nông thôn mới đã giúp người dân cải thiện cuộc sống, thì cầu đường, trường học, trạm xá đều đã được trang hoàng. Chúng tôi còn đến thăm những cơ sở làm thủ công mỹ nghệ, trong đó có 1 hộ gia đình chuyên sản xuất sọt tre để xuất khẩu đi Đài Loan từ hơn 10 năm nay. Những công đoạn cần làm bằng máy thì được khoảng hơn 30 công nhân làm tại xưởng, còn công đoạn đan thân sọt thì người dân có thể nhận về nhà làm.
Về nguồn: huyện Củ Chi – nơi cứng cỏi thể hiện ý chí cách mạng kiên cường của người dân Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã được sống lại những khoảng khắc thiêng liêng của những đời người và của cả một dân tộc, nơi thắm đượm nghĩa tình và chúng tôi hẹn ngày quay lại với những thước phim tài liệu. Về nguồn kết hợp với sáng tác, làm cho chúng tôi thấy yêu nghề và yêu những nơi mình đã đi qua hơn, biết quý trọng những khoảnh khắc mình đang sống.
Ý kiến bạn đọc