Giải pháp nâng cao chất lượng và phát triển phim tài liệu truyền hình Việt Nam

Phát triển và nâng cao chất lượng cho phim tài liệu truyền hình qua một loạt phim có đề tài quốc tế đã tạo cho điện ảnh tài liệu truyền hình Việt Nam một khối lượng và một chất lượng lớn và mới. Chủ đề phong phú trong các phim thuộc đề tài ấy đã nâng cao rất nhiều tầm vóc của điện ảnh phim tài liệu Việt Nam.
Giải pháp nâng cao chất lượng và phát triển phim tài liệu truyền hình Việt Nam
Như mọi loại tác phẩm văn học thuộc thể ký, mọi thứ tác phẩm nghệ thuật thuộc loại tài liệu; phim tài liệu truyền hình phải thể hiện hiện thực có thực, trả lời cho những câu hỏi: Chuyện gì? Xẩy ra bao giờ? Ở đâu?. Với phim tài liệu truyền hình, nội dung ấy được thể hiện hoàn chỉnh thành phim và được đem đến với người xem bằng các phương tiện kỹ thuật truyền hình. Như vậy là các thứ phim khác, nhất là truyện nhựa không được xếp vào nội dung của sự luận bàn này? Đã có chưa và sẽ có không những cuộc luận bàn về vị trí, vai trò và số phận tương lai của phim tài liệu nhựa? – Chờ!?

Kỹ thuật chuyển phim tài liệu nhựa thành phim để chiếu trên truyền hình như hiện nay và trong tương lai gần, phải chăng là tín hiệu tiêu vong của ngành đào tạo nghệ sĩ quay phim tài liệu nhựa? Tín hiệu thu hẹp hoạt động của các phim tài liệu nhựa phải chăng cũng là tín hiệu chuyển giao nhiệm vụ các hãng phim tài liệu nhựa cho các đài truyền hình?...

Nếu đúng là thế thì nên chuyển giao một cách êm đẹp, trật tự, đúng quy cách và bằng sự đồng thuận cao. Nghĩa là mọi bên liên quan đều nhận sự chuyển giao đó như là một sự tất yếu.

Nghiệp vụ làm phim tài liệu nhựa chấm dứt, nhưng khối phim tài liệu nhựa Việt Nam đã có là vô cùng quí giá. Cần sưu tầm nó cho thật kỷ, chọn lọc lấy cho hết những phim hay và chuyển hết các phim hay đó sang các chất liệu hiện đại nhất dùng để phát trên truyền hình. Việc làm này cần được xem như là một hành động nâng cao “lượng” cho phim tài liệu truyền hình, đồng thời như là một sự tri ân và tôn vinh cả một lớp nghệ sĩ tiền bối đã hiến dâng sự nghiệp nghệ thuật của mình cho phim tài liệu nhựa Việt Nam, cho điện ảnh Việt Nam.

Từ khởi thủy, điện ảnh vốn dựa trên hình để ba chân, theo thứ tự: khoa học kỹ thuật, kinh tế và nghệ thuật. Qua bao thăng trầm, ít nhiều biến dạng cho đến ngày nay, tại Việt Nam ta, điện ảnh vẫn hiện hình hao hao như vậy. Điện ảnh ta vẫn dựa trên Ba chân kiềng nhưng, tôi nói “hao hao” là bởi vì không phải luôn luôn ba chân kiềng bằng nhau mà có lúc, có khi cao thấp khác nhau, lớn bé khác nhau. Ngày nay, nếu xem xét riêng điện ảnh tài liệu truyền hình thì có thể nói va chân kiềng lớn mạnh đồng đều và hạng nhất: Về khoa học – kỹ thuật, điện ảnh tài liệu truyền hình Việt Nam, tuy không tự sản xuất ra được, nhưng với cơ chế giao lưu thương nghiệp quốc tế thời mở cửa, với năng lực tự tạo ra được khoản kinh phí tương đối lớn… phương tiện, cơ sở vật chất khoa học kỹ thuật cho phim tài liệu truyền hình có thể xem như là đủ để hoạt động mạnh, để làm nên nhiều tác phẩm kể cả những tác phẩm lớn.

Thân thế thứ hai của điện ảnh là chỗ dựa kinh tế thì điện ảnh tài liệu truyền hình cũng thuộc loại mạnh, là nhờ thu nhập của quảng cáo trên truyền hình, nhờ mỡ rộng giao lưu quốc tế giúp mở rộng đề tài trên khắp thế giới mà kéo thêm được kinh phí làm phim từ bên ngoài.

Hai chân đế đủ vững mạnh làm cho chân đế thứ ba là nghệ thuật được phát huy mạnh, sức sáng tạo nghệ thuật của giới nghệ sĩ điện ảnh phim tài liệu trong mấy thập kỷ qua vươn lên mạnh mẽ, tạo cho điện ảnh Việt Nam một khối lượng phim tài liệu truyền hình tăng lên gấp bội, nghệ sĩ điện ảnh truyền hình cũng tăng lên gấp bội, cả lượng và chất.

Cho đến nay, phim tài liệu truyền hình đang đứng ở vị trí hàng đầu về thế mạnh và lực mạnh, về phạm vi phát triển đề tài và chủ đề so với tất cả các thể loại phim khác của Việt Nam. Trong quá trình tìm giải pháp nâng cao chất lượng và phát triển phim tài liệu truyền hình thời gian tới, chúng ta cần nắm chắc những ưu thế sẳn có trên, đồng thời cần lưu ý mấy điểm.

Xác định đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ giữa phim tài liệu truyền hình với phim tài liệu nhựa; với phim truyện nhựa và phim truyện truyền hình… để ấn định phương hướng, số lượng, chất lượng cho việc đào tạo nhân lực, nghệ sĩ, để ước định, tìm kiếm các nguồn kinh phí cho việc làm phim và cho việc mua sắm phương tiện kỹ thuật máy móc phục vụ sản xuất phim tài liệu truyền hình.

Tiếp tục đào sâu, sáng tạo khai thác các đề tài quá khứ, đặc biệt là đề tài về hai cuộc kháng chiến vĩ đại: chống Pháp và chống Mỹ. Đề tài thời hậu chiến ở Việt Nam và thời Việt Nam đổi mới là vô cùng phong phú đối với phim tài liệu truyền hình. Cần khai thác các đề tài này trong sự liên hệ với nhiều nguồn mạch chủ đề sâu và vô cùng sắc cạnh, bổ ích cho nhiệm vụ thực hiện nghị quyết Đại hội 14 của Đảng và cương lĩnh mới.

Phát triển và nâng cao chất lượng cho phim tài liệu truyền hình qua một loạt phim có đề tài quốc tế đã tạo cho điện ảnh tài liệu truyền hình Việt Nam một khối lượng và một chất lượng lớn và mới. Chủ đề phong phú trong các phim thuộc đề tài ấy đã nâng cao rất nhiều tầm vóc của điện ảnh phim tài liệu Việt Nam. Mở đầu và phát triển mạnh cho loạt phim này phải kể đến đóng góp của Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS).

Phim tài liệu truyền hình nhiều tập đề tài về Việt Nam, đề tài nước ngoài mà liên quan đến Việt Nam, và phim tài liệu truyền hình nghệ thuật, là những loại phim mà chúng ta rất cần phát triển và rất cần tìm thật nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng. Hiện nay các loại phim này của nước ngoài với chất lượng rất cao đang phát triển mạnh và đang tràn ngập màn ảnh Việt Nam. Điều này bên cạnh mặt tốt là đem đến cho khán giả Việt Nam những tác phẩm nghệ thuật hay, còn có một mặt cần lưu ý khác. Đó là sự cạnh tranh ở thế hơn hẳn đối với các phim thuộc loại này của các nghệ sĩ điện ảnh trong nước. Phổ biến, phát hành phim tài liệu nước ngoài thuộc các thể loại đó như thế nào là vừa phải, là góp phần phát triển và nâng cao chất lượng cho phim tài liệu nghệ thuật, cho phim tài liệu nhiều tập của Việt Nam. Đó là vấn đề mà giải quyết tốt còn cần sự đồng thuận của nhiều phía.

Để nâng cao chất lượng và phát triển nhanh, mạnh phim tài liệu truyền hình đương nhiên là phải lưu ý đến con người: biên kịch, đạo diễn, quay phim… và theo tôi là phải đặc biệt lưu ý đến đội ngũ viết lời bình và đọc lời bình, và nếu để phục vụ cho nước ngoài, thì cần bao gồm thêm cả đội ngũ dịch để thuyết minh theo hoặc dịch để làm phụ đề. Tri thức của người biên kịch nếu được gắn kết, phát huy một cách chặt chẽ sẽ nâng cao nội dung và nghệ thuật lên và người đọc lời bình, nghệ thuật đọc lời bình hay, tốt thì nội dung và nghệ thuật của phim đến với khán giả mới được sâu và sắc hơn. Nhiều phim tài liệu truyền hình của ta gần đây đã chú ý đến người viết lời bình, đọc lời bình, lời cho người dẫn chuyện, trình độ càng về sau càng được nâng cao. Nhưng, khi mà trên màn ảnh nhỏ của ta đã chiếu tới cả hàng ngàn tập phim tài liệu truyền hình của nước ngoài thì tất nhiên là nhóm thính giả Việt Nam sẽ có sự so sánh. Và tất nhiên, kết quả của sự so sánh đó là có hại cho phim ta. Hãy tìm kiếm tài năng, hãy kỳ công đào tạo để làm sao nhanh có được những nghệ sĩ điện ảnh phim tài liệu truyền hình mà vừa là biên kịch, vừa là viết lời bình, vừa là đọc lời bình, hoặc người dẫn chuyện và trong những chuyện xảy ra trên phim thì nghệ sĩ đó lại sắm vai chính, vai thứ - những vai rất khó, rất phức tạp, thậm chí là những vai rất nguy hiểm!

Để phát triển và nâng cao chất lượng phim tài liệu truyền hình, xét trên tổng thể, còn nhiều vấn đề lý luận cần được xem xét:

- Một sự thực được xem là “đích thực” là theo quan điểm của ai khi nhìn từ hai phía đối địch?

- Một sự kiện gồm nhiều chi tiết nhưng người làm phim chỉ chọn những chi tiết này, bỏ những chi tiết kia có phải là “bóp méo” sự thực?

- Một sự thực đích thực nhưng chỉ được trình bày lên màn ảnh phim tài liệu lúc này mà nhất thiết không thể lúc khác. Đó có thuộc vào phạm vi hạn chế tự do sáng tạo?

Có nhiều loại công chúng, khán, thính giả khác nhau của một bộ phim. Dựa vào dư luận của nhóm quần chúng, khán, thính giả nào để đánh giá một bộ phim mới được xem là chính xác?

Hàng loạt vấn đề lý luận mắc mứu, cần tháo gỡ liên quan giữa các thể loại văn học nghệ thuật với nhau, liên quan giữa nội bộ các thể loại điện ảnh với nhau, chẳng hạn việc xử lý những sự kiện lịch sử có thật trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật mà nói chung có thể sử dụng quyền hư cấu của nghệ thuật với việc xử lý chính xác chi tiết, các sự kiện lịch sử đó trong loại phim tài liệu truyền hình?

Đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật hiện nay nói chung, các vùng đề tài, chủ đề liên quan đến tôn giáo, dân tộc; liện quan đến quan hệ chính trị - xã hội đa phương, liên quan đến chiến thuật, sách lược; với chiến lược đấu tranh triết học giữa duy vật với duy tâm là phương hướng phấn đấu rất cần thiết phải đạt tới. Sẵn ở thế cao, lực mạnh vào hạng nhất trong văn học, nghệ thuật ta, phim tài liệu truyền hình hãy tìm cho được những giải pháp nâng cao chất lượng và phát triển theo những phương hướng đề tài và chủ đề lớn, sắc cạnh đó thì mới có thể tin là sẽ tiếp cận được với những thành tựu lớn, ngang tầm với thời hiện đại.

Tác giả bài viết: Nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn