Lối đi nào cho phim truyện truyền hình Việt Nam hiện nay?

Giải pháp nào có thể ngăn chặn hiệu quả đà tụt dốc, đồng thời phát huy ưu thế chế tác phim truyện truyền hình ở nước ta trong giai đoạn hiện nay?
PGS.TS. Trần Luân Kim phát biệu tại Hội thảo "Chất lượng phim truyện truyền hình - thực trạng và giải pháp"
Phim truyền hình Việt Nam phát triển sau nhiều nước hàng mấy thập niên. Tuy nhiên, đến nay, đã có bước tiến rất đáng kể. Từ những bước thăm dò đầu tiên, rụt rè thử nghiệm làm phim ít tập, nội dung  đơn giản, nhân vật thưa vắng; nay đã có nhiều đài - cả trung ương lẫn địa phương cùng các lực lượng sản xuất tư nhân đã chế tác hàng loạt phim nhiều tập, có nội dung phức hợp, bao quát nhiều vấn đề, nhiều cảnh đời trong những khung thời gian và không gian ngày một rộng lớn hơn ở nhiều tác phẩm khác nhau.

Giờ đây đã hình thành trên thực tế một xu thế tốt đẹp khó có thể đảo ngược là phim truyền hình Việt Nam đã có phần chiếm ưu thế so với phim nước ngoài về chỉ số giờ/ màn ảnh trên các kênh chính. Trong khoảng 5 – 6 năm gần đây số lượng phim truyện truyền hình được chế tác tăng vượt bậc. Nếu năm 2006 đài truyền hình Việt Nam sản xuất được 200 tập, thì vào năm 2010 con số đó đã được thay thế bằng khoảng 2000 tập. Phim truyền hình Việt đang từng bước chiếm lĩnh màn hình nhỏ trong nước và ngày càng mài sắc hơn tính cạnh tranh của mình. Từ đó, phim Việt Nam đang ở thế ngang ngữa về doanh thu với phim ngoại, chẳng hạn đã đạt tới mức thu 450 triệu đồng/tập trên VTV1 và khoảng 1 tỷ 2 đồng/tập trên VTV3,…

Như vậy, nhiệm vụ quan trọng và cấp bách được đặt ra cho các đài truyền hình nước ta trong thời gian qua là “sản xuất đủ về số lượng và chấp nhận được về chất lượng đã cơ bản hoàn thành. Nhiệm vụ tiếp theo trong giai đoạn tới là đầu tư chiều sâu để đột phá về chất lượng phim.

Mấy năm qua, trong số hàng trăm đầu phim được sản xuất khá dày đặc, nổi lên một số tác phẩm, tuy số lượng còn khiêm tốn, cho thấy mặt bằng trình độ chế tác phim truyện truyền hình ở nước ta đã có những bước tiến khả quan. Phần lớn các tác phẩm có chất lượng khá, được công chúng để ý là những tác phẩm có đề tài gắn với hiện thực cấp thiết đời sống, đề cập vấn đề được nhiều người quan tâm; có nội dung phong phú và được thể hiện tương đối sống động chân thực. Ở đây có thể nhớ tới những tác phẩm sau đây: Blouse trắng, Đường đời, Ngọn nến hoàng cung, Ma làng, Chạy án, Sống ở đáy sông, Đối mặt, Vó ngựa trời Nam, Mua láng giềng gần, Gọi nắng, Màu của tình yêu, Cổng mặt trời, Bí thư tỉnh ủy,… Gần đây, xuất hiện loạt phim đề tài lịch sử được xây dựng công phu, dài hơi, đầu tư lớn, bối cảnh hoành tráng như “Huyền sử thiên đô”, “Thái sư Trần Thủ Độ”,

Phim truyện truyền hình nước ta nói chung có phạm vi đề tài khá rộng, từ quan hệ gia đình, xã hội đến tình yêu lứa đôi, đến công cuộc đổi mới trong kinh doanh sản xuất; tập trung chủ yếu vào bốn thể loại quen thuộc là tâm lý xã hội, bi kịch, hài kịch và lịch sử.

Xu hướng chính của phim truyện truyền hình thời gian qua là cố gắng đem đến cho công chúng xem đài những ý tưởng tốt lành, những thông điệp xây dựng cuộc sống con người gia đình và xã hội trong thời đại mới, tạo được ý nghĩa nhân văn và có tác dụng hấp thụ cái mới, cái đẹp nhất định.

Đấy là một mặt của bức tranh. Mặt khác của nó lại hiện lên những mãng màu tương phản rất thiếu hài hòa, thậm chí có phần gây phản cảm. Yếu điểm nổi bật của nhiều phim tập trung vào ý thức sáng tác của tác giả kịch bản và nghệ thuật thể hiện của đạo diễn.

Dư luận phàn nàn đề tài nhiều phim bị bó hẹp, chỉ quanh quẩn bám vào cuộc sống thượng lưu ở đô thị; nội dung tản mạn không phản ánh được những vấn đề bức thiết của đời sống hiện thực; nhân vật nhàm chán, mờ nhạt, không đủ sức hình thành cốt cách bản thể; cấu trúc phim lộn xộn, chia tập theo cách đơn giản là cắt khúc theo thời gian; thoại dài dòng, sáo rỗng, giao đãi vô tích sự; diễn xuất hời hợt, nghiêng về khoe mẽ ngoại hình không ăn nhập với nhân thân nhân vật; dàn cảnh cẩu thả, qua loa; trang phục tuỳ tiện; đạo cụ không phù hợp,… Những phim ra mắt gần đây bị người xem chê trách nhiều nhất có lẽ là Anh chàng vượt thời gian, Xin thề anh nói thật, Nợ đa tình,… Như vậy có thể nói, hầu hết các yếu tố cơ bản nhằm đảm bảo chất lượng nghệ thuật thể hiện của một tác phẩm truyền hình ở ta đều còn thiếu và yếu. Hiện trạng sử dụng kịch bản nước ngoài làm phim cũng góp phần đáng kể làm trầm trọng thêm tình trạng hạ thấp chất lượng phim truyện truyền hình Việt Nam trong vài năm gần đây.

Có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém kể trên. Trước hết, người ta thấy rõ số kịch bản có chất lượng còn quá ít ỏi. Đạo diễn có khi thiếu tôn trọng kịch bản, không khai thác sâu những khía cạnh tinh tế mà kịch bản đề cập. Do đặc điểm làm phim truyện truyền hình ở nước ta phải nhanh gọn, phải đuổi kịp kế hoạch thời gian và phải thực hiện các định mức khắc khe của nhà đài, khiến đạo diễn và đoàn phim thường phải bỏ qua cảm hứng, chạy theo thời gian, không đủ thì giờ chuẩn bị chu đáo cho quá trình sáng tạo như tìm hiểu thực tế, nghiên cứu tài liệu và hiện trường, tạo điều kiện cho diễn viên tập lược thuần thục,… Họ buộc phải bỏ qua nhiều yêu cầu cơ bản, đơn giản hoá tối đa mọi việc, chỉ cốt hoàn thành phim đúng tiến độ thời gian!… Trong thực tế, nhiều người làm phim không có quá trình thực sự thâm nhập kịch bản, không tự mình tạo ra để trải nghiệm giai đoạn “khởi động sáng tạo” rất cần thiết cho quá trình tư duy sáng tạo trong thời gian thực hiện tác phẩm,… Vì thế, không ít đạo diễn và người làm phim đã tự mình làm nghèo đi những tố chất thăng hoa rất cần thiết của nghệ sĩ, và đã tự biến thành những người thợ chế tác thiếu năng lực và cảm xúc.

Mặt khác, đội ngũ làm phim truyện truyền hình vốn mỏng và yếu từ lâu, nay tuy có được bổ sung, vẫn còn rất xa mới đáp ứng nhu cầu - cả lượng lẫn chất. Do không được đào tạo (cả lý thuyết lẫn thực hành) chuyên sâu ở trình độ cao như đòi hỏi khách quan của nghề nghiệp, những người chuyển tắt sang - kể cả từ điện ảnh, thiếu am hiểu đặc trưng của nghệ thuật thể hiện phim truyện truyền hình. Số tốt nghiệp từ trường điện ảnh thì thiếu kỷ năng thực tế, lại không được thực tập chu đáo và không có điều kiện tự nghiên cứu học hỏi nâng cao về văn hoá, chính trị, xã hội, chuyên môn, nên gặp nhiều khó khăn trong tác nghiệp. Đội ngũ diễn viên đông đảo, phần lớn là tay ngang, diễn theo bản năng sẵn có, không trụ vững lâu dài. Các diễn viên chuyên nghiệp thì chạy sô nhiều phim cùng lúc, làm phân tán thời gian và cảm xúc diễn đạt. Do không có đài nào tổ chức được đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp riêng cho mình nên đài nào, đoàn làm phim nào cũng bị động chèo kéo diễn viên. Trong lúc đó thù lao cho diễn viên rất thấp, khiến họ không toàn tâm toàn ý sáng tạo, sống chết với vai diễn và với nghề nghiệp của mình.

Thêm vào đó, kinh phí làm phim được quy định ở mức quá thấp so với thời giá. Mức chung của các đài đựoc gài ở mức trên dưới một trăm triệu đồng cho một tập phim 70 phút. Từ đó chi phí dành riêng cho khâu thiết kế mỹ thuật bao gồm bối cảnh, đạo cụ, trang phục chỉ khoảng bốn đến năm triệu đồng. Với mức chi phí đó người ta chỉ có thể gặp đâu quay đó, được gì dùng nấy. Việc đặt giá thành đồng hạng đối với mọi loại phim dù có bối cảnh, quy mô khác xa nhau, đã buộc các đoàn làm phim lớn phải giản tiện tới mức tối đa mọi chi phí - và chính đó là nguyên nhân nhãn tiền làm sa sút chất lượng và hiệu quả thể hiện nghệ thuật của phim.

Trong chương trình phát sóng của mỗi đài đều có nhiều tiết mục, nội dung khác nhau. Trong đó các chương trình tin tức thời sự, các vấn đề chính trị, xã hội luôn được lãnh đạo đài đặt quan tâm nhiều hơn. Các chương trình game show và trò chơi giải trí thường có khả năng thu hút quảng cáo khá hơn. Do đó sẽ không khó hiểu, khi phim truyện truyền hình bị lép vế. Không được chú trọng hàng đầu, phim truyện truyền hình đương nhiên không được đầu tư chế tác cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ đúng mức. Việc phát sóng phổ biến phim truyện truyền hình, đến nay vẫn chưa đi vào quy cũ, chuyên nghiệp trên phạm vi toàn quốc: với một phim truyện – cho dù đó là tác phẩm xuất sắc, cũng chỉ được phát một đôi lần trên đài chủ quản. Sau đó là quá trình sao chép và lạm phát trên các đài khác. Nhà đài và nhà sản xuất không có cơ hội tận thu để phát triển sản xuất trong bước tiếp theo.

Còn một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng khiến phim truyện truyền hình giảm sút chất lượng, là khâu thẩm định tác phẩm. Đội ngũ thẩm định hầu hết chưa đủ trình độ và điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do năng lực chuyên môn hạn chế, không chuyên sâu và không được tổ chức chặt chẽ; việc đánh giá sáng tác phẩm, đưa ra các định chế cần thiết nhằm gạn lọc sai sót, nâng cao tầm thể hiện đã không được thực hiện đầy đủ và hiệu quả. Hiện trạng đánh đồng các quy trình và yêu cầu thẩm định đối với các loại chương trình nội dung khác nhau, cũng tất yếu dẫn đến hệ quả làm giảm sút chất lượng phim truyện. Mặt khác còn do thiếu bàn tay biên tập chuyên nghiệp cũng như đôi mắt “gác cổng” tinh tường đối với từng tác phẩm.  

Giải pháp nào có thể ngăn chặn hiệu quả đà tụt dốc, đồng thời phát huy ưu thế chế tác phim truyện truyền hình ở nước ta trong giai đoạn hiện nay?

Trước hết, phải quan tâm đến yếu tố quan trọng bậc nhất là đội ngũ hành nghề. Do đặc điểm nào đó, ở nước ta, tỉnh nào cũng thành lập một đài truyền hình riêng, cát cứ một khoảnh riêng. Đó là duyên cớ rõ ràng dẫn tới tình trạng phân tán lực lượng trên phạm vi toàn quốc. Cần trước hết từng đài có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức chính trị - xã hội - văn hoá cho các thành phần sáng tác. Song song việc tích cực tổ chức tiếp thu kỷ năng chế tác, phương pháp làm phim tiên tiến với kỷ thuật công nghiệp hiện đại của các nước đối với đội ngũ sáng tác, cần tập trung cải cách phương pháp điều hành chuyên ngành đối với các nhà quản lý hoạt động chế tác phim truyện. Một trong những giải pháp thiết thực là tổ chức các cuộc thâm nhập thực tế cho nghệ sĩ, tạo điều kiện cho họ chẳng những cảm nhận mà còn thấu hiểu cuộc sống nhiều sắc thái đang diễn ra. Những người sáng tác chủ chốt, trước hết là biên kịch và đạo diễn cần có nhận thức công dân đúng đắn trước trách nhiệm của mình đối với công chúng xem phim. Đề tài và thể loại là  hai yếu tố nền tảng hình thành tác phẩm, cần được chú trọng hàng đầu. Trong khoảng mênh mông của cuộc sống đương đại, chọn vấn đề gì quan thiết, khẳng định biện pháp miêu thuật nào khả dĩ phù hợp đối với mọi phía, là chuyện phụ thuộc hoàn toàn vào mục tiêu cũng như tư chất tư duy của nghệ sĩ. Đó là những tiền đề cho thành hoặc bại ở bước sau. Lâu nay, hiện tượng tuỳ hứng, tuỳ tiện trong lựa chọn đề tài và thể loại thể hiện, đã khiến nhiều tác phẩm chưa đi vào cuộc sống đã bị cuộc sống gạt bỏ. Với phim truyện truyền hình (nhiều tập), đông đảo người xem hiện nay luôn có cảm tình với những câu chuyện về lối sống cộng đồng, nề nếp sinh hoạt gia đình thuần việt được diễn đạt chân thực, gần gũi, có sức gợi cảm.

Song song với những việc cần làm nói trên, lề lối hợp tác giữa đài truyền hình với các nhà sản xuất phim, trong đó có các nhà sản xuất phim tư nhân cần được thiết lập trên cơ sở đối tác bình đẳng, cùng có lợi và cùng chung trách nhiệm. Cả hai bên cần tuân thủ nghiêm ngặt cơ chế phối hợp bảo đảm chất lượng nội dung cũng như chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Điều đó có nghĩa là cả hai bên cần thống nhất kế hoạch sáng tác sản xuất và phát sóng một cách chủ động và hài hoà. Cần sản xuất sớm và chỉ bắt đầu phát sóng khi toàn bộ tác phẩm đã được hoàn thiện và đã qua kiểm tra chất lượng nghiêm túc. Cũng có thể tránh tình trạng đánh đồng kinh phí cho tất cả các phim bằng cách phân hạng phim theo tiêu chí phù hợp để làm căn cứ hạch toán cụ thể cho từng phim.

Lại còn cần có sự điều phối tổng thể từ cấp trung ương đối với hệ thống đài truyền hình cả nước về kế hoạch luân phiên phát sóng các tác phẩm chủ lực nhằm đảm bảo tận dụng bản phim, đồng thời tạo điều kiện cho mọi đài có điều kiện sử dụng hợp pháp các tiết mục tốt, tránh tình trạng cố hữu là thiếu tiết mục và xâm phạm bản quyền của nhau.

Vượt qua khó khăn trước mắt bằng nhiều giải pháp tổng hợp như vậy mới mong phim truyện truyền hình nước ta sẽ được gia tăng trong tương lai không xa về số lượng cũng như chất lượng thể hiện nghệ thuật./.

Tác giả bài viết: PGS.TS. Trần Luân Kim