Nghĩ về cuộc chiến giữa phim Việt và phim nước ngoài trên truyền hình

Xem phim trên truyền hình là một nhu cầu, một thói quen gần như được mặc định của công chúng, coi nó như một món ăn tinh thần không thể thiếu hàng ngày, nhất là đối với những người yêu điện ảnh nhưng không có điều kiện thường xuyên đến xem phim ở rạp, hoặc vì đặc thù công việc, chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà của mình, như phần đông các bà nội trợ. Vì vậy, phim truyền hình là loại hình luôn có một số lượng khán giả đông đảo và ổn định.
Trước đây, khi truyền hình còn ở dạng bao cấp, ít đài, ít phim, phát gì xem nấy, nhưng  khi từ khi số lượng kênh ồ ạt tăng lên (trong đó không ít kênh liên kết với tư nhân), cho phép bạn xem đài được lựa chọn, đồng thời làm nẩy sinh sự cạnh tranh về tỉ suất người xem, gắn liền với lợi nhuận về quảng cáo, khiến việc chiếu phim trên truyền hình không còn đơn thuần là chuyện cung cấp một phương tiện giải trí mà trở thành một phi vụ thương mại, được đặt lên bàn cân lợi nhuận, tạo ra cuộc chiến thực sự giữa phim nội và phim ngoại.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực phim truyền hình, cuộc chiến giữa phim nội và phim ngoại không phải là cuộc chiến của riêng Việt Nam. Các nước phát triển ở châu Âu như Pháp, Đức,… hoặc ở châu Á như Nhật, Thái Lan,… xưa nay cũng đều phải đối đầu với làn sóng phim Mỹ, Hàn,… Ở Việt Nam ta, khoảng  trên 10 năm trở về trước, việc làm phim còn nhiều khó khăn,  phim truyện điện ảnh chỉ có  trên dưới chục phim và phim truyền hình cũng chỉ được thực hiện ít ỏi ở một vài hãng của đài lớn như VFC, TFS nên việc để  phim nước ngoài, đặc biệt là phim Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm sóng là chuyện tất yếu. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, khi phong trào sản xuất phim truyền hình dấy lên rầm rộ như sóng trào, song qui định tỉ lệ chiếu phim Việt Nam phải chiếm 30% so với phim nước ngoài trên truyền hình ở nhiều đài vẫn không đạt được chỉ tiêu.  Con số 30 so với 70 còn lại, nghĩa là phim nội đã nhường đến hơn hai phần ba sân cho đối thủ mà vẫn không sao lấp đầy một phần ba ít ỏi dành lại cho mình.
Theo số liệu thống kê của phòng khai thác phim truyện Đài Truyền hình T.HCM, trong năm 2014, có 30 phim Việt Nam và 30 phim nước ngoài được phát sóng; 6 tháng đầu năm có 15 phim Việt Nam và 13 phim nước ngoài được phát sóng. Mới nghe qua, cứ tưởng như vậy là tỉ lệ 50 – 50, một con số thật đáng mừng. Thế nhưng nhìn kỹ lại, số lượng đầu phim có thể ngang ngửa, song số lượng tập phim mới thật khác xa. Phim Việt Nam thường chỉ xê xích từ 30 đến 40 tập/phim, trong khi ít có phim nước ngoài nào phát sóng dưới 50 tập/phim, hàng trăm là bình thường, thậm chí như phim Ấn Độ, kéo dài cả ngàn tập, quả là một con số so sánh quá khập khiễng. Đó là ở những kênh chính thống, việc phát sóng được cân nhắc kỹ lưỡng mà còn chênh lệch như vậy, nói chi đến những kênh được tư nhân “mua sóng” hoàn toàn, không có chương trình gì khác ngoài việc  chiếu phim nước ngoài cả ngày lẫn đêm làm phương tiện chính để kinh doanh (kiếm quảng cáo), biến truyền hình của ta thành cái loa tuyên truyền phổ biến phim cho người, không những không được họ trả tiền công  mà mình còn phải bỏ tiền ra để được làm tiếp thị cho họ.  Thật là ngược đời!
Vì sao phim truyền hình ngoại dễ dàng lấn sóng phim nội? Có hai lý do chính, đó là ưu thế của phim ngoại và nhược điểm của phim nội.  Bà Phạm Trường Sơn, trưởng phòng khai thác phim truyện Đài truyền hình TP.HCM, đã có một ví von rất hay rằng việc chọn phim thành phẩm nước ngoài cũng giống như việc chọn một chiếc áo may sẵn, mặc lên thấy vừa và đẹp thì mua, tiện lợi, nhanh chóng và an tâm hơn so với việc đi may sẽ gặp ít nhiều rủi ro. Cũng vậy, phim Việt Nam trong quá trình sản xuất phải qua nhiều khâu từ đề cương đến kịch bản chi tiết, rồi quay, dựng,… nếu một trong những khâu này không ổn, sẽ khó có phim hay. Trong khi phim  nước ngoài có nguồn phim dồi dào, đa dạng về màu sắc, thể loại, nguồn sản xuất ổn định, chất lượng tốt,… do trình độ làm phim và mức đầu tư  cao hơn nên mặt bằng chất lượng  phim nước ngoài đa phần vẫn tốt hơn phim Việt Nam. Ở góc độ kinh tế, so sánh về lợi nhuận, việc phát hành phim nước ngoài luôn cũng có mức lời cao hơn phim trong nước bởi giá mua phim ngoại có sẵn bao giờ cũng rẻ hơn giá đầu tư  để sản xuất phim. Mặt khác, trong tình hình quảng cáo ngày càng khó khăn, việc thu lại vốn và có lời cho phim nội không phải là chuyện dễ, đó là chưa kể đến việc phim ngoại luôn có tỉ suất người xem cao hơn nên dễ thu hút quảng cáo hơn.
Để lấy tư liệu thực hiện bản tham luận này, tôi có trao đổi với một vài người làm phim truyền hình Việt. Đa số đều cho rằng việc chọn chiếu những phim ngoại  trên truyền hình là một hình thức đưa thêm món ăn tinh thần phong phú cho khán giả, cung cấp cho người xem kiến thức về nhiều nguồn văn hóa trên thế giới, đồng thời tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh cho người làm phim trong nước. Vấn đề ở đây là thời lượng và thời điểm phát sóng trong ngày. Theo đạo diễn Đỗ Phú Hải, phim ngoại đã tấn công mạnh mẽ vào các giờ vàng bởi giờ vàng dễ thu quảng cáo. Phim Việt vốn đã được sản xuất quá ít so với việc sinh sôi quá nhiều các đài kèm theo nhu cầu lấp sóng, lại bị đẩy vào những giờ “chết” càng không có quảng cáo nên phim Việt càng lép vế. Đơn cử một thí dụ, hãng phim TFS của Đài Truyền hình thành phố, một hãng phim vốn đã từng có những bộ phim dài tập làm “chấn động” người xem, nay đã không tiến lên mà còn thụt lùi, nghe đâu trong năm 2015 này, mức sản xuất chỉ còn khoảng trên dưới 150 tập, tức khoảng trên dưới 5 đầu phim.
Cũng cùng quan điểm như trên, đạo diễn Phương Điền cho rằng, ở góc độ người làm phim, anh cảm thấy bị hụt hẫng không ít khi thấy giờ phát sóng của phim Việt ngày càng bị co cụm, dành giờ vàng cho phim nước ngoài. Bây giờ, cứ giờ vàng mở ra là thấy phim Ấn Độ, phim Hàn Quốc, phim Trung Quốc,… Phim Việt vì thế chỉ được khai thác ở giờ khác, vùng khác, đài khác. Có người nghĩ rằng, đài bây giờ có khắp cả nước, đài này không phát thì đem đến đài khác, nhưng sự thật là phim Việt khi sản xuất phải cam kết với đài bằng rating, không nhà sản xuất nào dám mạo hiểm liên kết với các đài có rating thấp. Đã từng có phim đưa đi phát sóng ở đài tỉnh, mới chiếu 5, 7 tập đã phải rút về, bị lỗ vì không tìm đâu được quảng cáo. Phim Việt được mua với giá thấp nước hai, nước ba (tức chiếu sau các đài khác) mà có khi cũng không có một mẩu quảng cáo nào. Ở những đài như vậy, việc chọn chiếu phim nước ngoài là thượng sách, tiền mua rẻ lại dễ có rating. 
Nếu xem chuyện chiếu phim  trên truyền hình  là cuộc chiến ở sàn đấu lợi nhuận, rõ ràng  phim Việt nắm chắc phần thua. Thế nhưng, phim ảnh đâu phải là thứ hàng hóa bình thường để chỉ được cân đong đo đếm  dựa trên chuyện lời lỗ. Nhà biên kịch Châu Thổ, giám đốc hãng Senafilm có kể một câu chuyện như thế này: “Vào năm 1999, chúng tôi tham dự một lớp học kỹ thuật viết kịch bản ở Hà Nội do ông thầy Bernard hướng dẫn. Lần đầu tiên tới Việt Nam, ông đã rất ngạc nhiên khi ở trong khách sạn, mở các kênh truyền hình để tìm hiểu phim Việt Nam thì không thấy đâu, chỉ toàn phim Trung Quốc và Hàn quốc. Đến lớp học, ông thắc mắc hỏi chúng tôi rằng tại sao chính phủ Việt Nam lại dễ dãi trong việc cho phim nước ngoài chiếm sóng truyền hình như vậy. Truyền hình là công cụ đắc lực để tuyên truyền, giáo dục văn hóa, lịch sử và quảng bá cho hàng hóa Việt kia mà! Chúng tôi đã ngớ ra vì điều đó”. Rồi chị nói thêm: “Quả thật, văn hóa và hàng hóa Hàn Quốc, du lịch Hàn Quốc đã phát triển sang Việt Nam rầm rộ theo sau những bộ phim những năm sau đó. Còn những người làm phim Việt như chúng tôi thì đói khát vì không có việc để làm. Bây giờ, phim Việt phát triển rầm rộ về số lượng, nhưng chất lượng kém, vì vậy, công cụ quảng bá, tuyên truyền cũng bị vô hiệu.
Quả thật, phim Việt thua phim ngoại ngay trên sân nhà không chỉ ở giá thành thành phẩm, ở giờ phát sóng, ở chỉ số rating, ở số lượng quảng cáo thu về,… mà còn ở tính văn hóa nội sinh trong thành phẩm. Nhìn vào trang phục, bối cảnh, đạo cụ, cách giao tiếp,… ta nhận ra ngay đó là phim Hàn, phim Ấn, phim Trung,… nhưng đố ai tìm được nét gì là đặc trưng của người Việt trong phim truyền hình Việt? Đạo diễn Phương Điền, người từng có thời gian sang tu nghiệp ở Hàn Quốc, tận mắt thấy cách làm phim của họ, cho biết, người Hàn làm phim luôn bắt buộc phải quay xe do Hàn quốc sản xuất, còn  phim Việt mình làm thì có xe nào quay xe đó. Phim truyền hình Việt bây giờ làm ồ ạt quá, Đài truyền hình, nơi phát sóng lại buông hẳn cửa ngõ kiểm duyệt, trong khi muốn đưa được chất văn hóa Việt vào phim, phải là những đạo diễn có tâm và có tầm. Khẩu hiệu “Đậm đà bản sắc dân tộc” được nêu cao ở các kỳ liên hoan phim dường như càng ngày càng không ăn nhập gì với việc sản xuất các  phim truyền hình. Đạo diễn Xuân Phước than thở rằng chuyện “bản sắc văn hóa dân tộc” là chuyện khiến những đạo diễn như anh “nhức đầu”. Anh nói, muốn làm “đậm đà bản sắc dân tộc” bây giờ chỉ có cách là làm phim về thời xưa, như phim của nhà văn Hồ Biểu Chánh chẳng hạn. Còn ở loại phim có bối cảnh hiện đại thì chịu vì có gì làm nấy mà cách sống của người Việt mình bây giờ, nhất là ở thành thị ngày càng hội nhập với thế giới bên ngoài, không còn mấy yếu tố đặc trưng của dân tộc. Vậy nên nhìn lại phần mình, anh thú nhận, có ráng lắm thì cũng chỉ “nửa đậm đà, nửa hội nhập” mà thôi. Theo đạo diễn Phương Điền, nguyên nhân chính gây ra sự thiếu vắng yếu tố văn hóa Việt trong phim là do nguồn  kịch bản tốt bị thiếu trầm trọng, buộc người sản xuất có lúc phải dùng những kịch bản nước ngoài chuyển thể (mà ta thường gọi là phim Việt hóa), nhưng việc chuyển thể cũng không tới bến, chỉ là lấy nguyên liệu của người ta đem xào nấu lại, không thể nào mang được bản sắc của dân tộc mình. Người làm phim muốn dễ lời thường chọn cách này vì giá mua kịch bản rất rẻ. Chuyện chất lượng phim và văn hóa Việt trong phim  truyền hình Việt là một câu chuyện dài, không thể gói gọn trong một vài câu ở đây là đủ, song với phong trào sản xuất ồ ạt kiểu nhà nhà làm phim, người người làm phim, theo cách ăn xổi ở thì, rượt đuổi nhau về số lượng mà không chăm chút chất lượng, thiếu vắng sự kỹ lưỡng và sáng tạo  nhưng lại thừa mứa sự cẩu thả và bắt chước, bật phim nào cũng thấy rủ nhau vào  phòng ngủ để quảng cáo chăn, ra, gối, nệm như hiện nay, thì chẳng chóng thì chầy, phim truyền hình Việt sẽ tự giết mình trong lòng khán giả mà không cần phim ngoại phải ra tay.
Qua những ghi nhận trên, nếu đem đội hình dàn hàng ngang để đánh xáp là cà, rõ  ràng phim Việt quá yếu thế so với  phim ngoại, chẳng khác gì một Đavít bé nhỏ trước chàng khổng lồ Goliat. Nhưng Đài  là của ta, phim là của ta và giờ  phát sóng cũng là của ta, vậy thì cuộc chiến không cân sức này do ta tạo ra thì chính ta phải là người chủ động phá vòng vây chứ không ai khác. Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến đề xuất của nhà biên kịch Châu Thổ và xin được nêu ra đây thay cho lời kết của bản tham luận này: “Hiện nay, các đài đều chủ yếu khoán phim cho các công ty quảng cáo để đảm bảo thu tiền cho đài qua mỗi bộ phim. Nguy hiểm hơn là đánh đồng các phim như nhau, không ưu tiên cho các phim có nội dung giáo dục tốt, có giá trị nghệ thuật cao. Và các đài vẫn đặt nặng chuyện thu quảng cáo vào giờ phim, vì vậy cứ mua phim ngoại về phát, vừa đầu tư ít lại lời cao. Điều đó làm cho các nhà sản xuất phim chuyên nghiệp rơi vào tình thế ngày càng khó khăn. Vì vậy, đề nghị các đài phải có cơ chế hợp lý và ưu đãi cho những nhà làm phim chuyên nghiệp, có đủ tay nghề để họ làm ra những bộ phim có chất lượng cao. Nên xem việc phát sóng phim trên truyền hình là một sứ mệnh văn hóa  chứ không phải là một phi vụ thương mại để chỉ đặt lên bàn cân sự lời lỗ về tiền bạc”.

Tác giả bài viết: Cát Vũ