Rss Feed

ĐIỀU LỆ HỘI ĐIỆN ẢNH TP. HCM

CHƯƠNG I: TÔN CHỈ – MỤC ĐÍCH

ĐIỀU 1: Tên Hội: “Hội những người làm công tác điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh”, gọi tắt là “Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh”.

ĐIỀU 2: - Tôn chỉ, mục đích: Hội Điện ảnh TP.HCM là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người làm công tác điện ảnh, truyền hình, chủ yếu là những người sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình phim đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM.

- Hội Điện ảnh TP.HCM tập hợp, đoàn kết và phát huy tài năng sáng tạo của những người làm công tác điện ảnh, truyền hình, xây dựng nền điện ảnh tiên tiến, đậm đà bản sắc Dân tộc, nhằm phục vụ cho sự nghiệp đổi mới của Đảng, phục vụ nhân dân, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Hội Điện ảnh TP.HCM đại diện cho các quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên về phương diện nghề nghiệp, chính trị, xã hội, tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách về điện ảnh.

- Hội Điện ảnh TP.HCM là thành viên của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật và Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, có quan hệ mật thiết với Hội Điện ảnh VN, hoạt động phù hợp với pháp luật, dưới sự lãnh đạo và quản lý của Đảng bộ Đảng Cộng sản và Uỷ ban Nhân dân Tp.HCM.

CHƯƠNG II: NHIỆM VỤ CỦA HỘI

ĐIỀU 3:  Hội Điện ảnh TP.HCM có nhiệm vụ:

1. Góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ cho hội viên thông qua việc tổ chức cho hội viên học tập, xem phim, hội thảo, tham quan.

2. Biểu dương những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phê phán những tác phẩm chưa tốt theo tinh thần công khai, dân chủ. Bồi dưỡng, giúp đỡ các tác giả trẻ có tài năng, có những ý đồ sáng tác mới mẻ.

3. Phối hợp với các tổ chức xã hội và cơ quan hữu trách để chăm lo đời sống tinh thần và vật chất của hội viên. Bênh vực và bảo vệ quyền tự do sáng tạo, quyền tác giả, quyền được hưởng chế độ thù lao xứng đáng với công sức lao động và giá trị tác phẩm, và các quyền lợi chính đáng khác của hội viên.

4. Tổ chức các doanh nghiệp sản xuất, xuất bản, dịch vụ, để phát triển hoạt động nghề nghiệp của hội viên và gây quỹ cho Hội theo đúng quy định của pháp luật.

5. Mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương, các tổ chức điện ảnh trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho hội viên học tập, sáng tác và giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực và trên thế giới, theo đường lối đối ngoại của Nhà nước.

CHƯƠNG III: HỘI VIÊN

ĐIỀU 4: Công dân Việt Nam đang hoạt động điện ảnh, truyền hình tại TP.HCM, tán thành tôn chỉ, mục đích và điều lệ Hội, tự nguyện xin vào Hội, có đủ điều kiện và tiêu chuẩn sau đây, có thể trở thành hội viên Hội Điện ảnh TP.HCM:

1. Trung thành với Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa, nhiệt tình cổ vũ và tham gia sự nghiệp đổi mới của Đảng.

2. Có trình độ, có tác phẩm tốt, đang hoạt động trong các chức danh nghề nghiệp sau:

- Biên kịch, biên tập, đạo diễn, quay phim, diễn viên, hoạ sĩ, nhạc sĩ, dựng phim, âm thanh.

- Chuyên nghiên cứu, lý luận, phê bình, giảng dạy điện ảnh.

- Tiêu biểu trong công tác kỹ thuật, tuyên truyền, phát hành phim và quản lý điện ảnh.

3. Người muốn vào Hội, phải làm đơn xin gia nhập Hội, tự nguyện sinh hoạt tại một chi hội, được 2 hội viên giới thiệu và Ban Chấp hành Hội xét duyệt.

ĐIỀU 5:  Nghĩa vụ của hội viên:

1. Chấp hành điều lệ và các chủ trương, nghị quyết của Hội.

2. Tham gia các hoạt động của Hội.

3. Nộp phí và thường xuyên sinh hoạt trong một tổ chức của Hội.

ĐIỀU 6:  Quyền lợi của hội viên:

1. Được tham gia sinh hoạt chính trị và nghề nghiệp trong phạm vi tổ chức của Hội, được giúp đỡ trong học tập, được bảo vệ quyền tác giả và quyền tự do chính đáng trong sáng tác.

2. Được ứng cử và bầu cử vào cơ quan lãnh đạo của Hội, được khiếu nại về các vấn đề thuộc quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên.

3. Hội viên không hoạt động, bỏ sinh hoạt Hội và không nộp hội phí từ 1 năm trở lên thì sẽ bị xem xét xoá tên hội viên.

CHƯƠNG IV: TỔ CHỨC CỦA HỘI

ĐIỀU 7: Cơ cấu tổ chức của Hội:

1. Hội được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung.

2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu hội viên. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành để tổ chức thực hiện Nghị quyết giữa 2 kỳ Đại hội. Số lượng thành viên Ban Chấp hành là 15 người.

3. Ban Chấp hành cử ra Ban Thư ký (5 đến 7 người) gồm Tổng Thư ký, 2 Phó Tổng Thư ký và 2 đến 4 uỷ viên để điều hành công việc giữa 2 kỳ họp Ban Chấp hành. Tổng Thư ký và 1 Phó Tổng Thư ký là người không kiêm nhiệm công việc chính quyền.

4. Ban Chấp hành Hội 3 tháng họp 1 lần, Ban Thư ký Hội họp hàng tháng. Các uỷ viên Ban Chấp hành và Ban Thư ký vắng mặt 3 lần họp thường kỳ không lý do chính đáng sẽ bị xem xét bãi nhiệm.

5. Các Uỷ viên Ban Thư ký và Ban Chấp hành phải có kế hoạch về phần việc được phân công, và phải báo cáo trong kỳ họp kiểm điểm hàng năm của Ban Chấp hành.

ĐIỀU 8:  Các Ban của Hội:

1. Hội được tổ chức văn phòng thường trực Hội trong biên chế do Uỷ ban Nhân dân TP quy định.

2. Căn cứ vào điều kiện và yêu cầu công tác, Ban Chấp hành lập ra một số Ban chuyên môn giúp Ban Thư ký điều hành thực hiện các Nghị quyết của Đại hội và Ban Chấp hành. Trưởng Ban chuyên môn phải là Uỷ viên Ban Chấp hành.

3. Cơ quan ngôn luận của Hội Điện ảnh TP.HCM là Tạp chí của Hội.

ĐIỀU 9: Ban Kiểm tra:

1. Ban Kiểm tra do Ban Chấp hành bầu bằng phiếu kín.

2. Ban Kiểm tra là người thay mặt hội viên đôn đốc, kiểm tra Ban Chấp hành thực hiện Nghị quyết của Đại hội.

3. Trưởng Ban Kiểm tra phải là uỷ viên Ban Chấp hành.

ĐIỀU 10: Hội đồng Nghệ thuật của Hội:

1. Hội đồng Nghệ thuật của Hội do Ban Chấp hành cử và không nhất thiết phải là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội.

2. Hội đồng Nghệ thuật làm tư vấn cho Ban Chấp hành thẩm định các tác phẩm điện ảnh sản xuất trong Thành phố, bình chọn danh hiệu các nghệ sĩ.

ĐIỀU 11: Cấp cơ sở của Hội:

1. Cấp cơ sở của Hội là Chi hội.

2. Nơi nào có 9 hội viên trở lên thì được thành lập Chi hội, hội viên bầu ra Chi hội trưởng, nếu các Chi hội có hội viên nhiều hơn 9 thì cử thêm 1 Chi hội phó.

3. Nơi nào không đủ 9 hội viên thì tổ chức sinh hoạt Chi hội ghép.

ĐIỀU 12: Nhiệm kỳ Đại hội:

1. Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu hội viên 5 năm họp 1 lần.

2. Đại hội bất thường sẽ được triệu tập nếu có đa số uỷ viên Ban Chấp hành hoặc đa số hội viên yêu cầu.

CHƯƠNG V: KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT

ĐIỀU 13: KHEN THƯỞNG

1. Những hội viên có thành tích trong lao động sáng tạo hoặc trong công tác của Hội, được khen thưởng của tổ chức Hội và cấp trên.

2. Đối với các tác phẩm, tác giả và nghệ sĩ xuất sắc, Hội sẽ xét thưởng hàng năm. Hội đặc biệt quan tâm đến thành phần trẻ và tác phẩm đầu tay trong mỗi kỳ xét thưởng.

3. Hội viên làm công tác Hội có hình thức khen thưởng riêng.

- KỶ LUẬT

4. Hội viên phạm những điều sau đây, tuỳ theo mức độ sẽ bị thi hành kỷ luật khiển trách, cảnh cáo và khai trừ khỏi Hội:

- Vi phạm điều lệ và tôn chỉ, mục đích.

- Vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến danh dự Hội.

CHƯƠNG VI: TÀI CHÍNH CỦA HỘI

ĐIỀU 14: Tài chánh của Hội:

Tài chánh của Hội được Ban Chấp hành quản lý theo chế độ quy định của Nhà nước. Nguồn tài chánh gồm có:

1. Hội phí của hội viên.

2. Tiền trợ cấp của Nhà nước.

3. Các khoản thu nhập từ các hoạt động gây quỹ của Hội.

ĐIỀU 15: Tài chánh của Hội được công khai trước Ban Kiểm tra, Ban Chấp hành và Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu hội viên trong các kỳ họp thường lệ, hoặc bất thường.

CHƯƠNG VII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

ĐIỀU 16: Sửa đổi Điều lệ.

1. Chỉ có Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu hội viên mới có quyền sửa đổi Điều lệ Hội.

2. Điều lệ này đã được thông qua tại Đại hội toàn thể hội viên Hội Điện ảnh TP.HCM lần thứ V ngày 24 và 25 tháng 03 năm 2005.

 
  
   Cổng thông tin chính thức của HỘI ĐIỆN ẢNH TP.HCM
   Địa chỉ: 81 Trần Quốc Thảo (lầu 6), Phường Võ Thi Sáu,  Quận 3, TP.HCM - ĐT: 028.39321229
   Email: hoidienanhtphcm@gmail.com Giấy phép số 50/GP-ICP-STTTT.