Rss Feed

Làm phim truyện truyền hình - Thiếu đội ngũ biên tập giỏi

Đăng lúc: Thứ tư - 13/06/2012 16:15 - Người đăng bài viết: Hội Điện Ảnh TP.HCM
Ngày 12/6/2012, Đài Truyền hình TPHCM tổ chức buổi tọa đàm “Giải pháp chất lượng kịch bản phim truyện truyền hình”, thu hút đông đảo các nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn nổi tiếng cùng các nhà sản xuất phim truyền hình đến dự.
Ngọc Lan và Lương Thế Thành trong phim Cổng mặt trời

Ngọc Lan và Lương Thế Thành trong phim Cổng mặt trời

  • Giật mình với việc 3 ngày viết 1 tập phim

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục mở đầu buổi tọa đàm nhận xét: “Chúng ta bàn về một chuyện rất cũ, nhưng tác động của việc cũ này lại rất mới. Tôi giật mình khi nghe các bạn trẻ bây giờ nói, 3 ngày viết một tập phim. Viết kịch bản phim bây giờ có vẻ thuận lợi và việc kiểm duyệt cũng đã thoáng hơn”.

Nhưng theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: “Thời gian viết kịch bản không thành vấn đề mà quan trọng là viết gì. Quá trình giảng dạy tại Trường Điện ảnh VN, tôi nhận thấy, mỗi khóa học (4 năm) giỏi lắm chỉ lấy được 1 đến 2 biên kịch. Mỗi năm có khoảng 15 nhà biên kịch ra trường, nhưng rất hiếm có người theo nghề bởi quan niệm chung hiện nay về nghề biên kịch rất dễ dãi”.

Trịnh Thanh Nhã còn cho biết, chị không nhìn thấy “bàn tay” của người biên tập, nhất là với phim truyền hình. “Biên tập là người dẫn đường cho biên kịch, giúp biên kịch đi đúng hướng. Ngày nay, khâu biên tập bị xem nhẹ, rất nhiều người làm biên tập tại các công ty truyền thông không ở trong nghề, nên thường xảy ra tình trạng khá đau lòng là hòn đất giữ lại còn hòn vàng ném đi”.

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn đề xuất: “Chúng ta thiếu biên kịch. HTV nên tổ chức những khóa đào tạo thường xuyên về biên kịch để tránh bị động và thiếu kịch bản”.

Dưới góc độ một nhà biên kịch, đồng thời cũng là nhà sản xuất phim - biên kịch Châu Thổ cho rằng: “Phải có vốn sống, kỹ thuật viết mới có thể là nhà biên kịch tốt. Thực tế hiện nay, nhiều hãng phim không có khả năng thẩm định kịch bản, vì thế nên chăng, HTV phải có đội ngũ biên tập giỏi để duyệt kịch bản”. Rất nhiều ý kiến của biên kịch, nhà sản xuất cho rằng hiện nay khâu biên tập rất yếu.

  • Không muốn có phim gai góc

Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng, phim truyền hình có hai loại: phim nói chuyện yêu đương và phim nói về những vấn đề của xã hội.

“Truyền hình phải thiên về phản ánh những vấn đề của xã hội, đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, đấu tranh chống tiêu cực. Tại sao VTV có Chủ tịch tỉnh, Chuyện làng Nhô còn HTV thì không? Người viết biết rõ họ viết ra có nơi dùng thì họ mới viết, còn viết mà biết không (hoặc khó) có thể được dùng thì viết làm gì cho mất công. Đáng tiếc, HTV là đơn vị đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, nhưng không hề tiên phong trong các phim truyền hình chính luận. Bản thân lãnh đạo đài không muốn có các phim về vấn đề gai góc, sẽ không bao giờ có biên kịch gai góc, đạo diễn gai góc; trong khi tôi tin, người dân rất muốn xem những phim đề cập đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực. Phim trên truyền hình bây giờ tràn ngập yêu đương. Muốn làm phim truyền hình hay, phim phải dám đi vào những vấn đề nóng và sát với cuộc sống. Trước khi cải cách cách viết kịch bản, nên cải cách về cách nhìn của lãnh đạo”.

Ông Trần Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Lasta cho biết một thực tế hiện nay: “Làm phim chỉ “lãi” được thương hiệu, chứ phim rất khó có lời. Cát-xê cho diễn viên chính bây giờ từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/tập và 1 triệu đồng/phân đoạn. Năm 2005, trả kịch bản 5 triệu đồng/tập, giờ từ 7 - 15 triệu đồng/tập; tuy nhiên, từ 6 năm nay, phim vẫn được đài trả mức 180 triệu đồng/tập. Nhà sản xuất nếu tổ chức không tốt, cầm chắc lỗ. Chưa nói nếu phim không đảm bảo doanh thu, chỉ nhận được 60% nghĩa là chỉ nhận 100 triệu đồng/tập. Kịch bản đài duyệt, thành phẩm đài cũng duyệt, nên trách nhiệm thuộc về nhà đài, nhưng NSX vẫn phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi rất mong đài có quy trình gọn nhẹ hơn, vì phim làm xong, được phát sóng rồi nhưng một năm sau NSX mới lấy được tiền?”.

Ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc HTV đã tiếp nhận 23 lượt đóng góp ý kiến và xác nhận: “Thông qua buổi tọa đàm, đã thấy được bức tranh toàn diện của phim truyền hình trên HTV. Các chính sách của HTV với việc sản xuất phim đã có, nhưng chưa làm đến nơi đến chốn. HTV sẽ cố gắng thể hiện tốt nhất tầm của một đài truyền hình địa phương”. 

Tác giả bài viết: Theo Báo SGGP
Từ khóa:

truyền hình

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
  
   Cổng thông tin chính thức của HỘI ĐIỆN ẢNH TP.HCM
   Địa chỉ: 81 Trần Quốc Thảo (lầu 6), Phường Võ Thi Sáu,  Quận 3, TP.HCM - ĐT: 028.39321229
   Email: hoidienanhtphcm@gmail.com Giấy phép số 50/GP-ICP-STTTT.