Rss Feed

Nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam

Đăng lúc: Thứ tư - 11/04/2012 14:14 - Người đăng bài viết: Hội Điện Ảnh TP.HCM
Có thể nói, hiện tại không đài truyền hình nào trên đất nước ta không phổ biến phim truyền hình Việt Nam. Phim truyền hình Việt Nam cũng theo các các kênh đối ngoại, theo con đường xuất khẩu mậu dịch và phi mậu dịch văn hóa đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đến với khán giả nước ngoài ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hội thảo "Chất lượng phim truyện truyền hình - Thực trạng và giải pháp" ngày 07/6/2011

Hội thảo "Chất lượng phim truyện truyền hình - Thực trạng và giải pháp" ngày 07/6/2011

Phim truyền hình Việt Nam được sản xuất, phát sóng một cách quy củ mới được khoảng gần 20 năm. Đó là tính từ buổi phát sóng đầu tiên và duy trì định kỳ hàng tuần của Chương trình Văn nghệ chủ nhật VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 4/9/1994. Từ bấy đến nay, lúc đầu chúng ta chỉ sản xuất được hơn 50 tập phim/năm, song đến năm 2011 đã sản xuất được trên dưới 5000 tập phim, đây là một số lượng tăng trưởng ấn tượng. Có thể nói, hiện tại không đài truyền hình nào trên đất nước ta không phổ biến phim truyền hình Việt Nam. Phim truyền hình Việt Nam cũng theo các các kênh đối ngoại, theo con đường xuất khẩu mậu dịch và phi mậu dịch văn hóa đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đến với khán giả nước ngoài ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Phim truyền hình Việt Nam cũng đã tạo nên các địa chỉ làm phim truyền hình quen biết trong công chúng khán giả. Đó là Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) và Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) của HTV; Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) của VTV; Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long;  Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng; Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương,…; các Công ty Sao Thế giới; BHD, Thiên Ngân, M&T Pictures, Lasta, Sao Việt, Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim Truyện Việt Nam, Hãng phim Truyện I,… Cùng với số lượng tăng trưởng, phim truyền hình Việt Nam cũng đã có những tác phẩm tốt đoạt giải thưởng cao tại giải Cánh diều hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam và Liên hoan truyền hình toàn quốc; những bộ phim tiêu biểu để lại ấn tượng đẹp, thú vị trong tình cảm tiếp nhận của khán giả màn ảnh nhỏ.

   Tuy nhiên với sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng thì chất lượng của phim truyền hình Việt Nam lại không tỷ lệ thuận với số lượng được sản xuất gần đây. Đó là chưa kể đến một số bộ phim bị khán giả chỉ trích khá gay gắt hoặc vì một sự cố nào đó buộc nhà đài phải tạm dừng việc phát sóng. Sự bất cập về chất lượng phim truyền hình Việt Nam không phải đến bây giờ dư luận mới lên tiếng mà đã có những sự cảnh báo từ những năm 2006 - 2007. Tờ báo mạng Việt báo, ngày 16/8/2007 trích theo báo Đại đoàn kết đã nêu ra 10 cái dở của phim truyền hình Việt. Đó là: 1) Miêu tả tình yêu còn sượng; 2) Khóc cười gượng; 3) Diễn viên nhí không vào được vai diễn; 4) Diễn xuất của diễn viên yếu kém; 5) Tên phim rất kỳ khôi; 6) Nhiều chi tiết rập khuôn; 7) Nhạc dông dài, quá nhiều, lấn át lời thoại của các nhân vật; 8) Cốt truyện nhạt nhẽo, kéo dài; 9) Sử dụng các thước phim tư liệu không khéo; 10) Người xem có thể biết trước được diễn biến và kết thúc phim ra sao.

   Chúng ta cũng còn còn thể tìm thêm được nhiều cái dở khác trong phim truyền hình Việt ở các nguồn thông tin khác, ở các dư luận xã hội khác. Loại trừ một vài ý kiến phủ nhận cực đoan, những cảnh báo về cái dở của phim truyền hình Việt Nam mà bấy lâu nay dư luận quan tâm một cách rốt ráo là những thẩm định chân thành, là những lời nói thật với mong muốn phim truyền hình Việt phải là món ăn tinh thần bổ ích, là một trong những đặc sản trong thị trường văn hóa giải trí, một thị trường đang được xây dựng như một ngành công nghiệp với những đòi hỏi về chất lượng và tính chuyên nghiệp.

   Và như vậy, khi bàn về chất lượng phim truyền hình Việt, mỗi đại biểu, mỗi đồng nghiệp tham gia hội thảo hôm nay rất cần thiết đưa ra được sự đánh giá thực trạng kỹ lưỡng và cũng cần có thêm trách nhiệm đề xuất những giải pháp cụ thể để cải thiện tình hình, nhằm tạo cho phim truyền hình Việt tiếp tục phát triển theo hướng chất lượng ngày một cao, theo hướng số lượng ngày một tăng trưởng và đa dạng phong phú về đề tài, thể loại.

   Để có một cái nhìn khách quan về bức tổng thể phim truyền hình Việt, chúng ta hãy đặt nó trong bối cảnh hệ thống truyền hình Việt Namchiếu khá nhiều phim truyền hình của nước ngoài, trong đó phim truyền hình Trung Quốc, phim truyền hình Hàn Quốc không ngày nào là không hiện hữu trên nhiều kênh của truyền hình nước ta. Phim của họ khá chất lượng và hấp dẫn khán giả là hoàn toàn chính xác nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng, những phim truyền hình nước ngoài được phát sóng trong hệ thống truyền hình Việt Nam là những phim đã được lựa chọn, những phim chất lượng từ hàng nghìn bộ phim, hàng vạn tập phim của các nền truyền hình phát triển mà các nhà đài truyền hình Việt Nam đã mua về. Có nghĩa là chúng ta được xem những phim hay nhất của họ. Còn thực tế thì ở các nước này cũng có rất nhiều phim dở. Ví dụ như ở Trung Quốc, một trong những cường quốc số một thế giới về sản xuất phim truyền hình thì theo nhà biên kịch cao tuổi Vương Triệu Trụ, tác giả bộ kịch bản phim truyền hình Cách mạng Tân Hợi vừa được quay nhiều cảnh tại Việt Nam, trong năm 2010 ở Trung Quốc có 7000 tập phim truyền hình thứ phẩm không thể phát sóng được hoặc phải sửa chữa lớn mới có cơ hội phát sóng (một thông tin khác từ báo chí Việt Nam, con số này là 70 ngàn tập). Phim truyền hình Hàn Quốc cũng không phải là không có vấn đề, ví dụ như đề tài bị trùng lặp, các căn bệnh nhạt, bệnh nhiều lời trống rỗng, bệnh diễn xuất dở cũng được dư luận khán giả nước này liên tiếp cảnh báo.

   Dẫn chứng mà chúng tôi đưa trên đây không phải để an ủi những nhà làm phim truyền hình Việt mà chỉ với mong muốn chúng ta có một phép so sánh để lượng sức mình, để thẳng thắn nhìn vào thực tế, vào các vấn nạn của phim truyền hình nước ta mà theo chúng tôi, đó là:

   1. Phim hay, phim đạt chuẩn là một thành phẩm nghệ thuật nghe nhìn tỷ lệ rất thấp so với số lượng được sản xuất hàng năm, đặc biệt là vào giai đoạn cuối thập niên đầu của thế kỷ XXI. Thiếu hẳn mảng phim lịch sử cổ trang được dàn dựng công phu, tạo được hiện tượng khán giả.

   2. Còn nhiều nhà làm phim chưa các định được đặc trưng thể loại của phim truyền hình. Có người vẫn cho rằng làm phim truyền hình và làm phim điện ảnh đều thao tác như nhau.

   3. Đặc biệt là tính chuyên nghiệp trong tác phẩm phim truyền hình phục vụ một công chúng khán giả đông đảo và rộng lớn còn rất bất cập, cụ thể:
   + Nhiều phim dàn dựng cẩu thả, chi tiết, tình tiết khiên cưỡng, sống sít; ngôn từ rườm rà, ít lượng thông tin, nghèo nàn hàm lượng văn học, thô thiển và ít xúc cảm.
   + Bệnh dàn trải, nối dài hoặc rẽ ngang nội dung cốt truyện được thể hiện một cách lộ liễu, phi lý.
   + Sự phân bổ kết cấu giữa các phần, các tập, giữa các nhân vật chính và nhân vật phụ, giữa các nhân vật đối kháng với nhau… thường thiếu cân đối, luôn có biểu hiện tùy tiện, lệch tâm và nhạt nhẽo.

   4. Phim về đề tài lịch sử, dã sử, phim về chiến tranh dàn dựng sơ sài, thiếu sức thuyết phục về bối cảnh, về không khí thời đại; ngôn từ vay mượn của nước ngoài được chế biến sống sượng gây phản cảm nhiều hơn là tạo xúc cảm; xây dựng các hình tượng nhân vật lịch sử thường công thức, thậm chí còn lai tạp từ các mẫu nhân vật của phim truyền hình nước ngoài.

   Để xảy ra những vấn nạn vừa nêu, theo chúng tôi là do các nguyên nhân sau đây:

   1. Việc chuẩn bị kịch bản (sáng tác và biên tập) chưa được thực hiện theo sự nghiêm cẩn của công đoạn đầu tiên, công đoạn cung cấp nguyên liệu tinh cho sản xuất tác phẩm phim truyền hình.

   2. Không ít nhà làm phim truyền hình vẫn coi thể loại này là phim loại B, phim làm tay trái, làm trong lúc nhàn rỗi, làm trong tâm thức lấy ngắn nuôi dài. Tư duy này là không bình thường bởi lẽ phim truyền hình là sản phẩm nghệ thuật, hơn nữa lại là nghệ thuật được hàng triệu khán giả từ các bậc cao minh túc học đến những người bình dân thưởng thức, là sản phẩm nghệ thuật được giới thiệu hàng ngày trên khung sóng rất tiện ích với thời gian và điều kiện xem phim của khán giả - giờ vàng. Một sản phẩm nghệ thuật của công chúng khán giả như thế không thể chỉ làm bằng tay trái, không thể là phim ảnh loại B, lại càng không thể là nguồn lợi trong cuộc mưu sinh “lấy ngắn, nuôi dài”.

   3. Chúng ta thiếu trầm trọng nguồn nhân lực ở tất cả các khâu sản xuất phim truyền hình, cụ thể là các thành phần biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhà tổ chức sản xuất phim. Hiện nay, không lúc nào trên lãnh thổ Việt Nam lại không có hơn 20 đoàn làm phim truyền hình đang bấm máy mà số đạo diễn có thương hiệu chỉ trên 20 người, số diễn viên đủ năng lực thể hiện thành công vai chính chưa đầy 50 người.

   4. Kinh phí làm phim chưa hợp lý cả trong việc đầu tư cho bối cảnh, trang thiết bị kỹ thuật lẫn thù lao cho các thành phần sáng tác, sản xuất phim.

   5. Mặt trái của xã hội hóa đang diễn ra với nhiều tiêu cực về sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, về việc nhiều người, nhiều cơ sở làm phim chưa lượng được sức mình đối với công việc hết sức khó khăn này dẫn đến ngày càng có nhiều phim dở, phim xảy ra sự cố xuất hiện.

   Trên đây là các tồn tại và nguyên nhân làm nên thực trạng không mấy vui của phim truyền hình Việt Nam và chắc chắn còn chưa đầy đủ. Ban Tổ chức hội thảo trân trọng đề nghị quí vị đại biểu và các đồng nghiệp, chúng ta cùng nhau bàn bạc, trao đổi, đánh giá hiện trạng của phim truyền hình Việt Nam và đưa ra các giải pháp cụ thể thiết thực có tính khả thi nhằm đưa phim truyền hình Việt Nam ra khỏi bất cập, hướng tới chất lượng được khán giả chấp nhận một cách trân trọng và thú vị theo các nhóm vấn đề sau đây:

   1. Đánh giá tình hình sản xuất và phổ biến phim truyền hình Việt Nam hiện nay. Những thành tựu và những bất cập cần được khắc phục.

   2. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng phim truyền hình Việt Nam giảm sút về chất lượng? Nhất là thời gian gần đây.

   3. Vai trò của kịch bản trong phim truyền hình nhiều tập.

   4. Các giải pháp đưa phim truyền hình Việt Nam tiếp tục tăng trưởng về số lượng và nâng cao chất lượng tính chuyên nghiệp.
   4.1. Giải pháp kịch bản
   4.2. Giải pháp đạo diễn, diễn viên
   4.3. Giải pháp kinh phí và hạ tầng cơ sở kỹ thuật
   4.4. Giải pháp về tổ chức sản xuất, quảng bá phim
   4.5. Giải pháp về xã hội hóa

   5. Vai trò của báo chí và dư luận khán giả đối với sản xuất và phổ biến phim truyền hình.

   6. Làm thế nào để tạo ra dòng phim truyền hình về đề tài lịch sử xứng tầm với lịch sử vẻ vang của đất nước và nhân dân ta.

            Ngoài các nhóm vấn đề chính trên đây, Hội thảo của chúng ta còn có thể bàn bạc, thảo luận đến nhiều vấn đề khác quan thiết trong lĩnh vực sản xuất và phổ biến phim truyền hình Việt Nam theo hướng mở mang, phát triển và chất lượng. Làm được như vậy, hội thảo của chúng ta vừa có tác dụng như những tiếng chuông cảnh báo thực trạng, vừa là những cơ sở khoa học giúp cho các nhà quản lý điện ảnh, truyền hình có những biện pháp kịp thời về cơ chế chính sách, các đồng nghiệp làm phim truyền hình có thêm kinh nghiệm chuyên môn trong công việc sáng tác, phổ biến với tiêu chí phim truyền hình ngày một hay hơn, đa dạng và hấp dẫn công chúng hơn.
Tác giả bài viết: Lê Ngọc Minh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
  
   Cổng thông tin chính thức của HỘI ĐIỆN ẢNH TP.HCM
   Địa chỉ: 81 Trần Quốc Thảo (lầu 6), Phường Võ Thi Sáu,  Quận 3, TP.HCM - ĐT: 028.39321229
   Email: hoidienanhtphcm@gmail.com Giấy phép số 50/GP-ICP-STTTT.