Rss Feed

Ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh trong phim tài liệu truyền hình

Đăng lúc: Thứ sáu - 01/06/2012 15:00 - Người đăng bài viết: Hội Điện Ảnh TP.HCM
Được phân công trình bày về “Ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh trong phim tài liệu” tôi tự hạn chế rằng, nếu đưa ra những việc thuộc về học thuật, chắc chắn sẽ là “mùa rìu qua mắt thợ”, nên trong năm mười phút này, tôi chỉ cung cấp những thông tin xoay quanh hình ảnh và âm thanh của phim tài liệu mà trong những lần cùng làm phim tôi được nghe đồng nghiệp nói, tôi biết được đồng nghiệp cần.
Ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh trong phim tài liệu truyền hình

Ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh trong phim tài liệu truyền hình

Chúng tôi thường tâm niệm rằng, làm một phim tài liệu giống như cất một ngôi nhà bằng những vật liệu quí hiếm, ít xuất hiện, nhiều trường hợp vật liệu chỉ sản xuất một lần. Là vì Phim tài liệu là thể loại phim khai thác mọi khía cạnh trong đời sống ở góc độ chân thực và tự nhiên nhất, mà cuộc sống sinh động thì luôn sinh sôi và phát triển, và gần như không lập lại.
 
Nếu làm phim truyện là dàn dựng cái mình nghĩ ra thì làm phim tài liệu là dựa vào cái mình đã có và sẽ có. Làm phim truyện sáng tạo cái mình nghĩ ra, nên khi bắt tay làm phim thì người đạo diễn nghĩ đến diễn viên, phim trường, đạo cụ... v.v Làm phim tài liệu là luận về cái đã và đang xảy ra nên người đạo diễn bắt tay làm phim là nghĩ ngay đến trong tay anh đã có những hình ảnh gì, có thể quay mới những điều gì.
 
Làm một phim tài liệu cũng giống như thực hiện một công trình sưu tập vốn xưa, vốn cũ. Thoạt đầu, khi người đạo diễn lượm lặt những thứ đôi khi tưởng như bỏ đi. Cách thức này, với  William Eggleston, cha đẻ của nhiếp ảnh nghệ thuật hiện đại của Mỹ, người ta gọi là camera dân chủ, vì với ông, bất kỳ thứ gì diễn ra trước ống kín đều đáng trở thành một bức ảnh cho người nghệ sĩ, dù thoạt trông có vẻ như vặt vãnh, vô tình.
 
Quay một cảnh phim, có khi chưa biết phải làm gì, cất đó. Rồi một ngày, cảm hứng, ngắm nghía nó, liên kết nó với nhau, đặt nó vào một hoàn cảnh thích hợp, anh ta bỗng nảy ra ý tưởng cho một phim tài liệu
 
Ngày hôm nay, mỗi khi làm phim tài liệu về chiến tranh, chúng ta dùng được nhiều cảnh phim hay, những thứ mà đàn anh mình đã tích góp trong lửa đạn, chết chóc. Như vậy làm một phim tài liệu là thừa hưởng gia tài của quá khứ, làm giàu thêm cái hiện có trong một trọng trách với tương lai. Thật là uổng khi hiện giờ chúng ta khó có thể có hình ảnh những chiếc xe vốn có động cơ chạy bằng xăng dầu mà những năm 80 của thế kỷ trước nó phải đeo sau lưng cái bình than to; làm sao có được hình ảnh người dân xếp hàng rồng rắn ở bến xe miền Tây, ở các cửa hàng bán cám, bán gạo…
 
Chúng tôi tâm niệm rằng, muốn có phim tài liệu tốt, trước hết, cần phải tổ chức ghi hình tư liệu cho tốt. Năm 1989, mẫn cảm chính trị về sự thay đổi sắp diễn ra ở Liên Xô, các nhà làm phim của hãng truyền hình CBS đã thuê một chiếc máy bay siêu vận tải Galaxy để đưa 5 đoàn làm phim tài liệu cùng hàng chục tấn thiết bị sang Liên Xô ghi hình ảnh buổi duyệt binh trong ngày Quốc tế Lao động tại 5 địa điểm lớn trên toàn lãnh thổ Liên Xô rộng lớn. Họ đã có tư liệu lịch sử.
 
Nhiều năm cùng đồng nghiệp làm phim, tôi chưa bao giờ dự một cuộc họp bàn về việc ghi hình tư liệu. Bàn để cùng gánh một sứ mệnh rằng “Muốn có hình tư liệu tốt, cần có tư duy tốt, tư duy trách nhiệm”.
 
Khi các nhà lý luận đưa đặc trưng “hình ảnh chuyển động liên tục” lên hàng đầu để danh xưng cho nghệ thuật điện ảnh thì nghiễm nhiên hình ảnh đã được định đoạt là một ngôn ngữ. Để biến hình ảnh với tư cách là một ngôn ngữ thì trong quá trình làm phim, chúng tôi cố đừng quên sắp đặt chúng trong một tổng thể của lời bình, tiếng động và âm nhạc. Một hình ảnh tốt sẽ là một đề dẫn tốt cho câu lời bình. Câu lời bình đúng, hay sẽ là nhịp cầu để dẫn gợi một hình ảnh mới.
 
Phim tài liệu hiện nay, ít thấy giàu ngôn ngữ hình như một số phim trước đây. Sẽ khó có thể có phim tài liệu nào mà hình ảnh ấn tượng như phim tài liệu “Đường dây qua sông Đà” của đạo diễn Lê Mạnh Thích. Đạo diễn trình cho ta ta xem những công nhân cheo leo, đung đưa như con dơi quạ trong lúc căng đường dây qua một thung lũng; cho ta thấy mái chòi công nhân ở chỉ có cái ấm nước đen thui và một con chó ốm.
 
Những phim tài liệu đầu tiên của TFS cũng là những điển hình cho việc sử dụng ngôn ngữ hình ảnh. Những ánh mắt của nữ tù, những còng sắt hen rỉ, những chiếc khăn thêu như còn hoen nước mắt… trong phim “Những cánh hoa ngược dòng” của đạo diễn Nguyễn Hoàng. Hình ảnh dãy nhà tôn cũ sét như dính với nhau bỡi đời bẩn chật, như dính với dòng nước đen vì cuộc lầm lũi mưu sinh… trong phim “Qua những dòng kinh đen” của đạo diễn Nguyễn Việt Hùng.
 
Hình ảnh là tối thượng cho phim nhưng hiện tại có vẻ được đầu tư thấp. Rót vốn vào đó quá ít. Hiện nay, theo tôi biết, chúng ta chưa có ngân sách riêng cho việc ghi hình tài liệu. Trong lúc làm phim, nếu thực thi thêm công việc này thì sẽ làm kéo dài thêm thời gian được khoán và làm nhót thêm kinh phí vốn chẵng nhiều nhặng gì và chẳng được một đồng thù lao. Việc này, kính mong quý lãnh đạo cứu xét cho.
 
Làm một phim tài liệu cũng giống như làm một vụ lúa. Thu thập tư liệu là thời kỳ gieo hạt. Thẩm định giá trị tư liệu là giai đoạn lúa xanh. Và hậu kỳ phim là lúc gặt lúa vàng. Cần lắm những hạt lúa giống tốt. Cần lắm bỏ tiền, bỏ thời gian, bỏ công sức để có giống tốt. Theo cách lập luận này thì hiện nay chúng ta chưa có chính sách cụ thể nào để có hạt giống tốt. Nhóm biên tập chưa thật sự là những người nghiên cứu lai tạo, tuyển chọn và đề xuất những giống phù hợp. Đạo diễn và quay phim cũng chưa ý thức đầy đủ để đi tìm đất tốt để gieo hạt. Và như trình bày bên trên là chưa có ngân sách cụ thể, riêng biệt cho công việc này. 
 
Có một đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm nói: làm hậu kỳ một phim thì phần khó nhất là âm thanh chớ không phải là hình ảnh. Hình ảnh ta thấy được, dễ trao đổi góp ý. Còn âm thanh là thứ như là trừu tượng. Tôi đồng ý với nhận định ấy. Xem một cảnh phim không có âm thanh như nhìn một người chưa đủ y phục, chướng mắt. Khi điện ảnh định hình là một bộ môn nghệ thuật thì người ta đã đánh gía âm thanh là một trong ba ngôn ngữ cấu thành. Với phim tài liệu, với chức năng phản ảnh hiện thực đời sống thì âm thanh nhiều lúc có vai trò quan trọng hơn hình ảnh. Âm thanh cho ta một bầu không gian chân thực. Âm thanh phá vỡ 4 cạnh khung hình, vỡ người xem một thế giới rộng hơn. Âm thanh tạo một sự liên tưởng ý nhị.
 
Nhiều năm trước, tôi rất cảm kích chương trình “Ngôi nhà mơ ước” khi các bạn đồng nghiệp thu thanh tốt quá, đạo diễn sử dụng âm thanh hay quá. Từng tiếng động phát ra trong những ngôi nhà nghèo khiến ta giàu lòng thương cảm. Nếu bàn về ngôn ngữ âm thanh thì chương trình ấy là một ví dụ sinh động.
 
Phim tài liệu của TFS được trao chuốt âm thanh rất nhiều. Tuy nhiên đó là công việc của hậu kỳ vì vẫn chưa được một chuyên viên âm thanh đi cùng theo suốt hiện trường.
 
Bàn về ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh thiết nghĩ cũng nên nói qua vài lời về thiết bị làm ra nó. Anh em chúng tôi cần lắm thiết bị ghi hình trên cao, dưới nước, ghi hình với máy có shutter cao để theo tốc độ mà hình ảnh vẫn sắc nét, những bẫy camera để thu hình động vật, những ống kính macro để ghi hình vật cực nhỏ. Và cần cả giá đỡ chuyên dụng để quay lại một bài báo, một trang sách…
 
Phim truyện và phim tài liệu điện ảnh là 2 thể loại được các nhà làm truyền hình thừa hưởng một cách đàng hoàng. Không phải ngẫu nhiên mà thế giới truyền hình có những kinh riêng biệt cho 2 thể loại này. Hơn 20 năm trước, với tầm nhìn xa trông rộng, Ủy Ban Nhân dân TP.HCM đã cấp phép ra đời Hãng phim Truyền hình với chức năng thực hiện 2 thể loại chuyên biệt nêu trên. Ngay khi ra đời, cũng như bây giờ, phim tài liệu là xung kích. Xung kích 20 năm để hôm nay, có cuộc toạ đàm này làm cho ta thêm tin vào triển vọng. Bàn về ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh có nghĩa là bàn về chuyện làm phim. Để có thể có những hình ảnh và âm thanh tốt, chúng ta nhận trách nhiệm, bày tỏ mong muốn và chung tay hành động.
 
Tôi cho rằng, người xem cần nhiều phim tài liệu về thiếu nhi, về lịch sử, về danh nhân, về khoa học, về giáo dục, về môi trường… Tôi cho rằng cần định kỳ những thể loại ấy, ổn định giờ phát sóng để chúng ta tận tuỵ với nhiều đối tượng khán giả của mình.
Tác giả bài viết: Trần Chí Kông
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
  
   Cổng thông tin chính thức của HỘI ĐIỆN ẢNH TP.HCM
   Địa chỉ: 81 Trần Quốc Thảo (lầu 6), Phường Võ Thi Sáu,  Quận 3, TP.HCM - ĐT: 028.39321229
   Email: hoidienanhtphcm@gmail.com Giấy phép số 50/GP-ICP-STTTT.