Rss Feed

Nghề diễn viên - dễ hay khó?

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/04/2012 13:31 - Người đăng bài viết: Hội Điện Ảnh TP.HCM
Theo cách nhìn của không ít người hiện nay thì làm diễn viên khá là dễ, chính vì vậy mà không ít người tay ngang đã đổ xô đi làm phim và đóng phim.
Điển hình là mở bất cứ bộ phim nào ta cũng có thể thấy họ, những diễn viên ngoại đạo, có thể họ là những người mẫu, ca sĩ, hot girl, hot boy, doanh nhân,... hay thậm chí một cô tiếp viên hàng không hay một nhân viên văn phòng nào đó có mặt xinh dáng đẹp. Tất nhiên không thể phủ nhận những “kẻ ngoại đạo” đó đã mang một khuôn mặt mới cho phim Việt khi làm phong phú thêm lực lượng diễn viên vốn dĩ thiếu mà thừa, thừa mà thiếu của điện ảnh Việt. Cũng như phải cám ơn họ vì sự sang ngang với điện ảnh cũng như sự dũng cảm của chính họ và đạo diễn khi dám giao và nhận những vai diễn đầu tiên chạm ngõ để sau đó phim Việt có thêm những khuôn mặt mới và rất nhiều trong số họ còn thành công hơn cả những diễn viên chuyên nghiệp bởi cộng với ngoại hình bắt mắt họ có sự nghiêm túc khi làm nghề, ý thức trong công việc và cả khả năng diễn xuất... như Ngô Thanh Vân, Phi Thanh Vân, Hồng Ánh... Tuy nhiên số thành công và được sự thừa nhận như các anh chị đó không nhiều mà đa phần là khán giả sẽ được xem những diễn viên với cách diễn ngô nghê, đi đứng cứng ngắc, với những khuôn mặt không thể hiện được bất cứ cảm xúc nào của nhân vật cần phải có, nếu là thu thoại trực tiếp thì còn đau lòng hơn khi giọng thoại cứ đều như đọc mà lắm khi là đọc không chạy... Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng thấy chỉ cần tròn vai thôi đã là khó, còn để mong diễn viên đào sâu tâm lí, mềm mại trong  diễn xuất... thì đúng là không tưởng. Ở đây tôi không bàn đến những diễn viên mà sự non nghề quá lộ liễu đến khán giả không dung nạp nổi, mà chỉ xin nói đến những vấn đề mà mình gặp phải trong tư cách là một diễn viên, rất mong sẽ được lưu ý để phim Việt Nam ngày càng thu hút hơn, để Việt Nam có hẳn một công nghệ điện ảnh chứ không phải loay hoay đi kiếm xem cái Nền điện ảnh Việt Nam đang ở đâu như báo chí vẫn làm trước mỗi lần điện ảnh Việt Nam có một sự kiện quan trọng nào đó. Cũng như tôi muốn mình và các bạn nghề của mình hoặc bất cứ ai bước chân vào lĩnh vực này sẽ phải làm việc thật sự để cho ra những tác phẩm thật sự chứ đừng “dạo chơi” như một số người vẫn nói trên báo chí.
Thứ nhất, các nhân vật, kiểu diễn của diễn viên thường được bê nguyên xi cái sẵn có của họ vào phim, nên sự sinh động trong từng bộ phim thì có nhưng nếu xem chừng vài ba phim thì sẽ thấy nhân vật trùng lắp dễ gây nhàm chán.
Thứ hai, câu chuyện phim cũng là những mô típ quen thuộc, được khai phá theo cách quen thuộc diễn bởi những diễn viên quen thuộc nên nhiều khi không phân biệt được các phim với nhau vì vừa gặp những nhân vật này trong phim này ngay sau đó lại gặp cũng những mẫu nhân vật đó, thể hiện bằng những diễn viên đó trong bộ phim khác và lại có tình huống và nội dung tương tự.
Thứ ba, cuộc sống trong phim thường ít thật nên diễn biến tâm lí nhiều khi cũng gượng ép khi các nhân vật cứ tha hồ gào khóc nhưng chẳng hề gây được cảm xúc với khán giả, điều này chắc chúng ta cần học hỏi phim Hàn, diễn viên họ khóc rất nhẹ nhàng, nhưng tình huống gieo rất khéo và tình cảm đẩy cũng rất tinh tế nên nhiều khi diễn viên cứ cười nói như không nhưng lại khiến khán giả khóc vì thương cảm (ví dụ: trong phim “Anh em nhà bác sĩ” đoạn người em biết mình bệnh nan y không thể khỏi, đã quyết định nhường quả tim của mình cho người anh..., cũng tình huống đó nhưng trong phiên bản cover lại của phim Việt ta lại thấy nó khô cứng ở những đoạn tâm trạng của diễn viên, (không kể đến chi tiết quả tim đã được thay bằng giác mạc) mà dù cố bỏ qua sự so sánh được và chưa được của phiên bản Việt về âm nhạc, góc máy... cảm xúc diễn viên thể hiện vẫn  không đủ người xem rơi nước mắt.
 Cũng như nhiều diễn viên, nhất là những diễn viên chịu trách nhiệm gánh “hài” trong một phim - như tôi thường được nhận - thì thiếu vốn để khai thác, và cũng ít được hỗ trợ, thường chỉ do diễn viên tự thăng hoa sáng tạo bằng  quần áo dị kì, tone sur tone lố chẳng hạn, hay đầu tóc, hay hóa trang... và nét diễn cường điệu như rất nhiều diễn viên hiện nay đang bị mà báo chí đã có lần đề cập, còn lại thì gần như không ai định hướng cho diễn viên sáng tạo nhân vật thế nào, biến hóa nhân vật ra sao nên khó tránh khỏi trường hợp nhàm và đuối khi bộ phim đi được một thời gian nhất định. Nhất là trong tình hình kịch bản như hiện nay các tình huống hài đặt ra thường thiếu tính hợp lí khiến các diễn viên cứ phải “gồng mình” bắt khán giả cười, khóc... trong khi suốt quá trình làm phim nhiều khi diễn viên phải đơn độc sáng tạo khi đạo diễn thì có quá nhiều thứ phải lo không có thời gian để nắn chỉnh hay hòa trộn các nhân vật cho thích hợp. Đạo diễn và đoàn phim nhiều khi buộc phải chạy theo thời gian, tiến độ... nên chỉ cần diễn viên không diễn quá dở không thoại sai lời là được, còn thì diễn viên có sống với nhân vật hay không cũng không quan trọng lắm. Cái duyên và thần của nhân vật có được phần lớn thường nhờ chính bản lĩnh của diễn viên có được trong quá trình sáng tạo.
Với bản thân mình, tôi cho rằng tầm sáng tạo của mình chỉ ở mức tạm chấp nhận được nhưng cũng khiến tôi vài lần khốn khổ vì những bạn diễn không làm thế nào thuộc thoại, nhưng nếu muốn thoại lời với họ thì họ còn bận làm đẹp, chuốt lại mái tóc, tô son, dặm bóng... Và khi ra hiện trường thì mới bắt đầu làm công việc mà lẽ ra diễn viên phải làm từ trước là học lời. Rồi khi quay thì vì do chưa thuộc lời nên cứ nhăm nhăm nói lời mà quên mất cả diễn, khiến bạn đồng diễn có muốn sáng tạo cũng bó tay vì cứ nhìn bạn diễn ấp a ấp úng ráng nói cho xong lời thì còn đâu hứng thú mà sống với nhân vật nữa?
Nếu so về cách làm việc, tôi cho rằng nếu cứ như hiện nay thì chúng ta còn lâu lắm mới có những phim hay, diễn viên giỏi để vươn ra tầm thế giới. Theo tôi được hiểu, diễn viên nước ngoài, không nói đâu xa, chỉ cần ở Hàn Quốc, thì người diễn viên đã phải đồ máu mồ hôi và bao nhiêu công sức trên sàn tập từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường... Trao dồi kiến thức, kĩ năng làm nghề cũng như ý thức với nghề nghiệp là những điều không thể thiếu. Khi bắt tay vào một bộ phim, họ phải nghiền ngẫm kĩ càng từng câu thoại, hành động diễn cũng như nắm rất rõ quá trình diễn tiến tâm lí nhân vật sao cho thật thuần thục, cho nên nhân vật nhiều khi phải diễn ngược lại với bản chất của mình trong trường hợp bắt buộc vẫn rất tự nhiên, không gượng ép vì họ hiểu rất rõ hoàn cảnh quy định của nhân vật phải theo.
Nhiều người cho rằng hiện nay đóng phim “dễ”, “dễ” vì ai làm cũng được. Chỉ cần quen biết là có thể đóng phim, thậm chí chỉ cần đẹp là có vai chính , bất kể nói một câu không trôi hay chẳng hiểu gì về tâm lí nhân vật. Nhưng vì đó là những người đóng phim cho vui hay cho mục đích khác. Chứ nếu như có sự đầu tư chỉn chu hay nhìn nhận về nghề một cách nghiêm túc tôi tin rằng không nghệ sĩ nào kể cả những nghệ  lớn đã trải qua hàng trăm vai diễn dám cho công việc diễn viên là dễ cả.  Nghề diễn là nghề khó, nếu không muốn nói là rất khó, làm sao để thông qua nhân vật khán giả tìm thấy hơi thở cuộc sống, rung động với tình cảm của diễn viên truyền vào trong nhân vật, lo lắng hồi hộp theo từng thăng trầm của nhân vật... Muốn như vậy chỉ có cách là từng diễn viên cần phải nghiêm túc trong cách nhìn, cách nghĩ, cách đến với nghề diễn... bằng tâm huyết, bằng tình cảm thật tâm và sự nghiêm túc với nghề, nghiêm khắc với bản thân, mà muốn như vậy đòi hỏi một ý thức nghệ thật cao từ nhiều phía, nhất là đạo diễn đừng quá dễ dãi trao vào tay người dạo chơi một nghĩa vụ lớn. Xin mượn lời của đạo diễn Philip Noys đã nói trong buổi trò chuyện ở trường đại học Hoa Sen ngày 28/5: “Tôi thà chọn một diễn viên giỏi nghề hơn vì 200 đô mà chọn một người chỉ vì quen biết”./.
Tác giả bài viết: Đạo diễn - diễn viên Hạnh Thúy
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
  
   Cổng thông tin chính thức của HỘI ĐIỆN ẢNH TP.HCM
   Địa chỉ: 81 Trần Quốc Thảo (lầu 6), Phường Võ Thi Sáu,  Quận 3, TP.HCM - ĐT: 028.39321229
   Email: hoidienanhtphcm@gmail.com Giấy phép số 50/GP-ICP-STTTT.