Rss Feed

Tại sao phim truyện truyền hình dở???

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/04/2012 13:13 - Người đăng bài viết: Hội Điện Ảnh TP.HCM
Phim truyện truyền hình xuống cấp là do cơ cấu của đài truyền hình. Đài truyền hình đang tự giết mình mà không biết, hoặc biết mà làm lơ.
Tại sao phim truyện truyền hình dở???

Tại sao phim truyện truyền hình dở???

Nếu phân tích bề ngoài thì một công việc tốt hay không đều chịu ảnh hưởng bởi 3 vấn đề: 
1. Mục đích công việc. 
2. Điều kiện làm việc
3. Khả năng làm việc.
 Hiện nay, chúng ta đang bàn chủ yếu về 3 vấn đề này, nhưng hầu hết mọi người đều quên cái gốc sinh ra 3 vấn đề này, đó là CƠ CHẾ.
 Tôi có thể khẳng định, phim truyện truyền hình xuống cấp  là do cơ cấu của đài truyền hình. Đài truyền hình đang tự giết mình mà không biết, hoặc biết mà làm lơ. 
 CƠ CHẾ đài truyền hình hiện nay làm phim truyện truyền hình là như vầy:
Đài truyền hình cấp tiền và giao cho các hãng phim và nhà sản xuất làm. Với giá khoảng 180 - 200 triệu đồng/tập. Thật chất, khi kinh phí đến tới tay người làm phim thì qua bao nhiêu cửa, tiền sẽ rơi rụng bớt. Vấn đề tiền chính xác bao nhiêu, nhiều hay ít, người ta than vãn tưởng là quan trọng nhưng với tôi thì không quan trọng. Bởi vì với làm phim thì bao nhiêu cũng đủ và bao nhiêu cũng thiếu. Luật của đài ttruyền hình là kinh phí của phim sẽ được quy từ quảng cáo ra tiền một phim, kinh phí khoảng bằng mấy shot quảng cáo khi bộ phim được phát sóng. Các hãng phim, nhà sản xuất sẽ làm cam kết nếu phim phát sóng đủ lượng khách hàng book quảng cáo vào giờ đó thì đài sẽ trả đủ tiền như ký kết ban đầu, nếu không đủ thì phải đền cho đài, nếu quảng cáo nhiều hơn mức qui định thì đài truyền hình hưởng, nhà làm phim không được chia mà có thể được đài thưởng ở một mức tượng trưng. 
Vấn đề nằm ở đây. Khi kinh phí được cào bằng và đặt ra một mức, thì nhà làm phim phải tính toán để không vượt kinh phí. Không nên trách nhà sản xuất phim khi họ phải tính toán làm sao phải kiếm lời. Kinh doanh mà, phải có lời chứ. Ai cứ chửi các nhà sản xuất tham tiền thì thử đi làm phim lỗ là sẽ thông cảm ngay. Chứ cái kiểu kêu gọi người ta chết để hóa phân vun bón cho hoa, trái tốt đẹp phát triển để mình ngắm và dùng thì thiệt là bất nhẫn. 
 Thực chất đa phần các nhà làm phim thường cố gắng chịu lỗ, hay không lời nhiều để có những sản phẩm tốt xây dựng thương hiệu. Nhưng mục đích thương hiệu là để có uy tín để kinh doanh. Nên ai cũng chịu lỗ một vài lần thì được chứ ai mà chịu lỗ hoài để chỉ có cái danh. 
 Trở lại việc bản chất kinh doanh là phải có lời. Khi khoán tiền cho nhà sản xuất thì chắc chắn họ phải tính làm sao khi sản xuất phải giảm chi phí vì tiền họ được đài truyền hình cào bằng các phim như nhau và không có khoảng nào thêm khi phim chiếu. Nên chỉ có cách duy nhất là họ phải tiết kiệm khi sản xuất. Muốn tiết kiệm khi sản xuất thì có các cách sau:
1. Tiết kiệm thời gian
2.Tiết kiệm chi tiêu
3. Đơn giản hóa công việc
 Trên lý thuyết thì không cứ phải có nhiều tiền mới có phim hay, thật chất ít tiền cũng có thế có phim hay khi chọn được kịch bản đơn giản, và phù hợp kinh phí. Nhưng cứ tưởng tượng mỗi năm cả 1.000 tập phim, cái nào cũng liệu cơm gắp mắm, có không dở đi nữa thì cũng chán. Cũng giống như mình ăn mỗi ngày toàn thịt, cá thịnh soạn, lâu lâu ăn đậu phụ mắm tôm, khô thì thấy ngon chứ cả năm mà cho ăn đậu phụ mắm tôm với khô không thì chết. Thị trường là phải đa dạng và thường cái hit là cái đặc biệt cái người ta thiếu.
 Trở lại việc cơ chế của đài truyền hình làm truyện phim truyền hình xuống cấp. Khi cơ chế khoán một mức cào bằng và không cao, và không có khoản thu nào sau khi có sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề mà chúng ta sẽ bàn sau đây:
 1. Mục đích công việc:
Người làm kinh doanh thì phải có lời, nên các nhà sản xuất muốn làm được phim mà không lỗ thì phải giảm chi phí, giảm bớt thời gian, phải làm phim thiệt nhiều tập để bù qua xén lại. Khi mục đích này được đưa ra thì phim phải quay nhanh hơn, phải đơn giản những thứ phức tạp, lương trả cho mọi người cũng ít hơn thì ít người tốt làm việc. Thực chất cũng có rất nhiều nhà sản xuất chịu trả mình một cái mức lương bằng 1/3 kinh phí của một bộ phim, mình nghe cũng ham đấy. Nhưng vì kinh phí được khoáng theo mức cào bằng và họ chỉ được cấp chi phí bấy nhiêu thôi thì khi họ trả lương cho mình cao thì họ phải cắt đi những chi phí khác. Khi đó tiền làm phim và thời gian của phim mình sẽ bị ít đi, cho nên nếu định giật tiền mua nhà thì ok, chứ nghĩ làm để phim sau phát triển nữa thì khó. Có thể nhà sản xuất đầu tư thêm để lấy thương hiệu, nhưng chẳng lẽ mình lãnh lương cao mà làm họ lỗ, thì sự nghiệp mình cũng chẳng phát triển được bao lâu. Đó là cái lý do vì sao tôi không làm phim truyện truyền hình, dù là có lúc mức lương của tôi từng được thỏa thuận ở mức gấp 5 lần so với lương người khác, nhưng mà tôi không dám làm, vì biết làm là chết phim.
 Có hãng phim cũng muốn lấy điểm nên chịu lỗ ít ít hoặc không cần lời, nhưng sau 1 - 2 phim đầu thì cũng phải kiếm lời bù vô những dự án lỗ trước. Nên tình hình xuống cấp là như vậy. Cho nên các đài truyền hình cứ ép các nhà sản xuất, hãng này hãng kia kinh phí cũng thế mà làm phim như vậy. Rõ ràng, kinh phí không cao cũng có thể làm một vài phim xem được, một vài phim còn xem được, chứ phim nào cũng một bài tính đó thì chết, mà tài năng và nhân lực thì hạn hẹp.
 Chưa kể các hãng phim hiện nay mọc lên như nấm. Những người không rành thì cứ nghĩ phim đang phát triển, dễ kiếm ăn nên nhào vô kinh doanh. Muốn chen chân, cách duy nhất khi họ là lính mới là họ phải chịu nhận tiền ít hơn, hay nhận lại bởi các công ty nhận sỉ giờ của đài truyền hình mà làm không xuể nên giao lại, mà giao lại thì họ phải cắt bớt chi phí cho họ, cứ thế để cạnh tranh, hoặc cắt bớt tiền đi cửa sau để được giao làm phim. Cho nên những người hiểu chuyện, hiểu vấn đề thì càng ngày càng ít làm, vì có ai làm cái thứ mà nhìn không thấy “cửa ra”, lao vô để chết. Chưa kể khi đài truyền hình giao cho các hãng phim làm thì trả tiền sau khi duyệt phim, tức là các nhà sản xuất phải vay ngân hàng để làm phim. Mà với giá hiện nay, lãi xuất vay ngân hàng nhiều khi còn cao hơn tiền lời của họ. Vậy thì làm phim để làm gì, nhất là những người có tên không có nhu cầu lỗ để mua tên? Làm hay để làm gì? Vì làm hay thì cũng được bấy nhiêu đó tiền, làm không hay cũng được như vậy, họa may chỉ khác là được giao nhiều hơn, mà làm không lời hay lỗ thì làm nhiều hơn để chết à? Trừ có một vài nhà sản xuất đã lỗ và đã vay phải trả nợ nên cứ nhận nhiều để đồng tiền xoay vòng để sống hấp hối,… Thương cho các nhà sản xuất này bị cuốn vô cái guồng quay vắt kiệt sức lực. Vấn đề họ không có nguồn lời  từ chất lượng sản phẩm của họ, mà nguồn lời duy nhất của họ là phải tiết kiệm chi phí.
 2. Điều kiện làm việc: 
Từ mục đích phải tiết kiệm thời gian và chi phí như trên dẫn đến điều kiện làm việc càng lúc càng chụp giật và đơn giản hóa.
 3. Khả năng:
Từ mục đích và điều kiện như vậy thì người giỏi cũng thành dở, hoặc chạy trốn, người tàm tạm thì thành bựa để kiếm ăn. Người dở không có uy tín thì có gì để mất, sợ gì mà không làm để kiếm tiền, biết đâu hên xui tỏa sáng giữa đêm tối. 
 Cho nên với cái cơ chế của đài truyền hình khoán như vậy thì phải xuống cấp và chết chắc. Nhưng họ tưởng họ không chết mà chỉ có các nhà sản xuất chết, nhà sản xuất này chết thì có nhà sản xuất khác nhảy vô giành việc. Họ ở thế thượng phong muốn giao ai thì giao. Thiên hạ thì đông mà đài chỉ có vài cái. Và đài truyền hình nhà nước analog thì họ tưởng họ không chết, nhưng họ đã sai. Họ sẽ chết khi có cạnh tranh. Vì hiện nay dân Việt Nam đa phần là nghèo nên lượng xem truyền hình cáp rất ít, truyền hình analog vẫn là số 1. Vì rating cao nhất, nên nguồn thu quảng cáo là cao nhất nên hiện tại họ vẫn có chất lượng và đầu tư tốt hơn các kênh kỹ thuật số, nên họ mạnh về mặt phủ sóng và cả tiền. Nhưng 10 năm nữa hoặc lúc nào đó, tưởng tượng đa phần người ta dùng cáp hết, thì analog sẽ có đối thủ về mặt người xem. Khi đó sẽ là chất lượng giải quyết rating và nguồn thu quảng cáo. Khi đó nguồn kinh tế sẽ được các nhà đầu tư, các nhà tài phiệt, các tập đoàn quốc tế đầu tư vào khi họ thấy có thị trường thì làm ăn kiểu truyền hình hiện nay chỉ có chết, khi mà người dân giữa miễn phí và mỗi tháng mất một vài trăm ngàn không còn là khoảng cách lớn, nhu cầu chất lượng cuộc sống của họ lớn hơn vài trăm ngàn ấy thì là ngày đám tang truyền hình analog và sẽ được vỗ tay ăn mừng. 
 Bản chất truyền hình cáp là tư nhân, tức là họ sẽ chết thật sự nghĩa đen và thiếu nợ đến đời con cháu của họ nếu như họ phá sản.
 Bản chất truyền analog của Nhà nước, nhiệm kỳ của nhà quản lý chỉ có vài năm, nên tương lai có chết thì cũng kệ, miễn sao nhiệm kỳ của họ thu lợi cho họ. Cho nên tôi nghĩ, thiệt ra họ không có ngu khi đưa ra một cơ chế bất hợp lý. Vì họ đi nước ngoài nhiều, cũng biết nhiều cơ chế hợp lý. Nhưng nếu khi cơ chế hợp lý và công bằng dành cho người làm tốt thì họ chẳng lợi ích gì cho cá nhân.
 Vậy cơ chế như thế nào mới phát triển, thiệt ra là không khó.
Nghĩ đến cơ chế làm sao người làm ra sản phẩm tốt thì được hưởng lợi.
Thật ra đài truyền hình không cần cấp kinh phí cho các công ty, các nhà làm phim. Họ chỉ cần chia lợi nhuận quảng cáo một mức hợp lý thì các nhà làm phim phải ráng đầu tư làm phim tốt thì mới có rating, mới có quảng cáo. Khi đó họ phải tìm đủ mọi cách làm phim thu hút khán giả. Để làm được như vậy thì nó sẽ vô đúng cơ cấu kinh doanh hơn là đầu tư tốt, thu hút nguồn nhân lực có khả năng để có sản phẩm tốt và chỉ có sản phẩm tốt lợi nhuận mới tăng.
 Tức là cơ chế này với mục đích để có lợi nhuận thì sản phẩm phải tốt.
 Còn với cơ chế hiện nay thì để có lợi nhuận là phải tiết kiệm chi phí, phải cạnh tranh giảm giá, phải có quan hệ nhận dự án và lọt qua sóng.
  Tôi nghĩ đây là cái gốc của vấn đề và cần được bàn trước khi kêu la về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm.
Trách nhiệm thật sự có giá trị khi họ thấy trách nhiệm của mình có lợi cho mình. Chứ đứng ngoài chỉ trích, kêu gào người khác phải có trách nhiệm, phải không tham lam, phải hy sinh mà họ không có lợi ích, cái đó gọi là “chuyện cổ tích”. Trong khi đó, có thể sòng phẳng khi đưa ra quyền lợi rõ ràng và công bằng./.
Tác giả bài viết: Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Từ khóa:

truyền hình

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
  
   Cổng thông tin chính thức của HỘI ĐIỆN ẢNH TP.HCM
   Địa chỉ: 81 Trần Quốc Thảo (lầu 6), Phường Võ Thi Sáu,  Quận 3, TP.HCM - ĐT: 028.39321229
   Email: hoidienanhtphcm@gmail.com Giấy phép số 50/GP-ICP-STTTT.