Cảm hứng Dương Minh Đẩu

Là Đoàn trưởng Đoàn Điện ảnh Quân đội từ buổi đầu tay trắng. Dương Minh Đẩu đã góp phần không nhỏ xây dựng nên cơ ngơi một Xưởng phim Quân đội có đủ quy trình công nghệ khép kín của việc sản xuất phim, xây dựng được một đội ngũ những người làm phim quân đội vững vàng chính trị, vững vàng nghề nghiệp.
NSƯT Dương Minh Đẩu
Ngay từ những đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở Xưởng phim Quân đội đã có lệ: khi những đoàn quân lớn âm thầm, náo nức lên đường vào chiến dịch thì những người làm phim cũng vai súng, vai máy, lưng đeo ba lô lên đường theo sát đại quân. Đã bao nhiêu chuyến lên đường rạo rực thôi thúc nhưng giám đốc Xưởng phim Quân đội Dương Minh Đẩu vẫn chỉ là người đưa tiễn. Ngay cả lần xuất tướng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh cách mạng, trận đánh cuối cùng quét sạch bọn xâm lược và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam mùa xuân 1975. Cả nước tổng động viên vét người vét của cho mặt trận, những binh đoàn được tổ chức gấp rồi ầm ầm xe pháo lên đường, đại bản doanh tung gần hết tướng lĩnh xung trận, nhưng ông vẫn phải ở lại phía sau điều hành guồng máy sản xuất, kịp cho ra đời những bộ phim về những người lính, những chiến dịch.

Mùa xuân 1979, lần xuất quân xuất tướng lớn thứ hai của bộ đội ta đánh tan bọn Pôn Pốt cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng lúc đó giám đốc Xưởng phim Quân đội đã 51 tuổi, đã có quân hàm đại tá. Ông cảm nhận rằng đây là lần động binh cuối cùng trong cuộc đời quân ngũ của ông, ông không thể không có mặt, đó là đòi hỏi của tình cảm, của con người chiến sĩ trong ông. Cuối năm 1978, những đoàn quân âm thầm lên đường. Những tổ quay phim quân đội lại có mặt trong hàng quân, đại tá Dương Minh Đẩu cũng lặng lẽ bay vào thành phố Hồ Chí Minh nhưng phải ở lại chực chờ! Khi Quân đoàn 4 từ hướng Bắc, Quân đoàn 2 từ hướng Đông Nam Campuchia ào ạt tiến về thủ đô Phnôm Pênh thì Dương Minh Đẩu vẫn còn bồn chồn nhấp nhỏm ở cơ sở phía Nam cơ quan Tổng cục Chính trị, nhà số 8 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 7/1/1979 Quân đoàn 4 giải phóng Phnôm Pênh. Ngày 8/1/1979 Quân đoàn 2 giải phóng cảng biển Công Pông Xom. Ngày 9/1/1979 đại tá Dương Minh Đẩu mới nhảy lên chiếc xe Đốt dã chiến vào Phnôm Pênh hoan tàn và vắng lặng.

Thành phố không một bóng dân, những người lính Quân đoàn 4 lăm lăm AK còn đang ráo riết lùng sục tàn quân Pôn Pốt trong hoàng cung. Tiếng súng chốc chốc rộ lên đây đó. Dương Minh Đẩu cùng nhà quay phim Chí Tân cũng lăm lăm máy quay phim Konvat lùng sục khắp thành phố ghi hình chứng tích tội ác bọn diệt chủng. Bên trong những tấm tôn dựng lên che chắn không bình thường trên khu đất bốn mặt phố kia là gì nhỉ? Thì ra khu đất là một vườn hoa lớn đã biến thành bãi tập kết xe tăng. Những chiếc xe tăng còn tươi màu sơn phủ kín bạt, xích tăng nghiến nát những vạt hoa. Dãy ghế đá chỏng chơ. Đài phun nước vỡ toác. Xoong nồi tung tóe. Gốc cây cháy đen. Một khu chợ mới xây khang trang trở thành kho vũ khí. Những quả đạn B.40 xếp kín trên giá hàng điện máy. Bên ngoài một cửa hiệu treo bảng tiệm uốn tóc nhưng bên trong xếp đầy hòm đạn AK! Vào một ngôi nhà ngỏ cửa mặt phố... Đồ đặc bị xới tung. Phòng ăn, bát đũa còn lỏng chỏng trên bàn. Sáu chiếc ghế quanh bàn. Sáu đôi đũa. Sáu bát ăn đầu còn cơm nhưng cơm đã đen lại. Đồ ăn đã khô cứng. Cơm còn lưng chừng trong nồi đã mốc đen. Gia đình đang ăn cơm thì bị lùa ra khỏi nhà đây! Bữa ăn bị bỏ dở từ ngày đội quân áo đen của Pôn Pốt tràn vào Phnôm Pênh cách đây đã gần 4 năm! Sân thượng, bộ quần áo trẻ con phơi trên dây, mạng nhện giăng từ chiếc áo sang chiếc quần. Chiếc kẹp sắt hoen rỉ. Một đoạn phố bị chặn hai đầu bởi những tấm tôn dựng đứng. Bên trong xếp đầy ôtô, xe máy. Cơ ngơi của một chủ trang trại chăn nuôi tại ngoại ô thành trại lính. Dãy chuồng bò thành nơi chứa những khẩu lựu pháo 122mm mới sản xuất năm 1978. Bọn lính pháo binh ở ngay trong ngôi nhà của chủ trang trại. Chúng đun nấu ngay ở phòng khách. Tro than ngập phòng.

Đã nhiều lần qua lại ngôi trường lớn cửa đóng câm lặng nhưng Dương Minh Đẩu cứ vô tình bỏ qua. Cho đến lần mấy người lính quân cảnh vừa lách cổng trường ra thì gặp Dương Minh Đẩu và Chí Tân đi đến, họ hốt hoảng: Các thủ trưởng ơi, vào đây mà quay phim, khủng khiếp quá! Hai nhà làm phim quân đội bám theo những người lính trẻ. Sân trường cỏ mọc từng cụm. Những bộ bà ba đen bết trên sân như những vũng bùn hôi hám. Người lính trẻ đẩy cửa một phòng lớn. Dương Minh Đẩu định bước vào thì một làn hơi lạnh âm u từ trong nhà phả ra làm ông sững lại. ông rùng mình khi nhận ra những sọ người xếp trắng xóa trên những giá dựng xung quanh tường như giá sách thư viện. Người lính quân cảnh lại đưa đến cho ông tập album. Thì ra trường học này đã biến thành trại giam và những người bị giam ở đây trước khi đi vào cõi chết đều được chụp ảnh lưu lại để bọn Pôn Pốt tính khoe thành tích diệt chủng của chúng.
Sau này nơi đây được gọi tên là nhà tù Tun Xleng. Nhưng tên gọi đúng phải là nhà mồ Tun Xleng! Những người lính quân cảnh trẻ đã phát hiện và mở cửa cho Dương Minh Đẩu và Chí Tân vào khám phá nhà mồ Tun Xleng khủng khiếp để cho hai ông là những người đầu tiên tố cáo một tội ác ghê rợn với thế giới. Và cũng chính những người lính quân cảnh trẻ đã mở cửa đưa Dương Minh Đẩu đến với bộ phim Campuchia 3 + 4, tác phẩm điện ảnh để đời của ông.

Sục sạo khắp Phnôm Pênh, trong tay Dương Minh Đẩu đã có hơn hai ngàn mét phim ghi hình một kinh đô huy hoàng, một thành phố xinh đẹp bị Pôn Pốt biến thành một kho vũ khí, một trại lính, một nhà mồ! Nhưng Dương Minh Đẩu thấy vẫn còn thiếu cái quan trọng nhất, thiếu con người, thiếu nhân vật minh chứng cho thảm họa mà dân tộc Campuchia vừa phải trải qua. Dân bị Pôn Pốt lùa hết ra khỏi thành phố, người còn sống sót cũng chưa kịp về, tìm đâu ra nhân vật! Không thể vắng mặt lâu ở cơ quan, Dương Minh Đẩu để Chí Tân lưu lại cùng đội quay phim với lời dặn chờ quay cho được cảnh dân hồi cư và phải tìm cho ra nhân vật có số phận mang dấu ấn những sự kiện vừa qua của dân tộc Campuchia, rồi vội vã trở về Hà Nội.

Từ những thước phim mang về, Dương Minh Đẩu dựng được bộ phim hài cuốn Những điều trông thấy ở Phnôm Pênh. Ông dựng phim này khi thế giới đang ồn ào về sự kiện Việt Nam đưa quân sang Campuchia. Không những các nước phương Tây lớn tiếng vu cáo Việt Nam xâm lược mà nhiều nước đã từng ủng hộ Việt Nam xâm lược mà nhiều nước đã từng ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng quay ra nghi ngờ và chê trách cuộc xuất binh của Việt Nam. ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới họp Đại hội Hòa bình thế giới ở Hen-xinh-ki tháng 4 năm 1979 tuyên bố sẽ đưa sự kiện này ra xem xét và phán quyết. Đoàn Việt Nam đến Hen-xinh-ki đem theo cả bộ phim Những điều trông thấy ở Phnôm Pênh vừa in tráng xong. Bộ phim đã làm cho những đại biểu tham dự Đại hội Hòa bình Hen-xinh-ki bàng hoàng sửng sốt. Bữa ăn bỏ dở cách đây đã gần 4 năm. Mạng nhện giăng trên bộ quần áo trẻ con đang phơi... Những hình ảnh chân thực đó làm cho họ rất xúc động. Đến hình ảnh nhà mồ Tun Xleng thì có người đã khóc. Đại hội Hòa bình Hen-xinh-ki tuyên bố xác nhận cuộc tiến quân của Việt Nam đánh tan bọn Pôn Pốt là đã cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng. Những điều trông thấy ở Phnôm Pênh không tham dự liên hoan phim, không giành được một giải thưởng điện ảnh nào nhưng tuyên bố Hen-xinh-ki là giải thưởng vô giá đối với bộ phim. Tuy vậy, Dương Minh Đẩu vẫn đinh ninh rằng Những điều trông thấy ở Phnôm Pênh chưa phải là tất cả chuyến đi Campuchia của ông, chưa có được trong những ngày lặn lội ở đó. Những điều trông thấy ở Phnôm Pênh chỉ là phim ký sự cần ra kịp thời làm nhiệm vụ chính trị. Những thước phim chân thực đó đã có giá trị lớn về chính trị như thế, nó cũng sẽ có một giá trị nghệ thuật. Vấn đề là phải đầu tư, tìm tòi để có được giá trị đó. Cần có đầy đủ tư liệu để cảm xúc được tròn đầy và ý tứ đủ chín. Thôi, cứ nén chờ! Chờ nhân vật. Chờ cái hồn của những khôn hình. May quá, ông không phải chờ lâu. Nhà quay phim Chí Tân từ Phnôm Pênh báo về: đã tìm thấy nhân vật theo ý đồ của ông. Trong dòng người tơi tả hồi cư có một người đàn ông gầy guộc thương tật ngồi trên xe đầy được mọi người thay nhau kéo đi. Đó là nhạc sĩ Bun-đa-ren. Trước thời Pôn Pốt, Bun là Trưởng ban âm nhạc Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia. Hay lắm! Bám lấy ông ta! Đưa ông ta trở về Đài Phát thanh xưa, vào phòng làm việc cũ, chơi lại bản nhạc của một thời trong ký ức chưa xa với cây đàn quen thuộc. Cây đàn cũ vẫn còn nhưng bị phá hư rồi ư? Cũng tốt! Nhạc sĩ còn lại đầy đọa đến thân tàn ma dại huống chi cây đàn! Mỗi chi tiết này đều có sức mạnh của sự chân thực, tố cáo sâu sắc chế độ diệt chủng Pôn Pốt, phải khai thác cho tốt..!

Có nhân vật rồi còn phải tổ chức mạch vấn đề và mạch cảm xúc để đưa nhân vật vào. Có cảm xúc rồi thì sắp xếp mạch cảm xúc không có gì phải bận tâm nhưng Dương Minh Đẩu rất quan tâm đến khởi điểm của mạch phim sao cho thật bất ngờ và gây ấn tượng. Đang laoy hoay tìm kiếm thì ông bạn đạo diễn Phan Quang Định đưa đến cho Dương Minh Đẩu tờ báo tiếng Anh New Life có bài của nhà báo Đức kể rằng đầu năm 1978 bà cùng ba đồng nghiệp đến Campuchia tìm hiểu sự thật chế độ Pôn Pốt, họ vừa đến Phnôm Pênh đã bị bọn lính áo đen đang đêm xộc vào khách sạn họ ở, xông vào phòng bắn chết ba nhà báo cùng đi với bà. Tiếng những bước chân từ xa đi lại. Tiếng đập cửa phòng bên. Tiếng mở cửa. Tiếng ầm ầm của bạo lực xô vào phòng. Ba tiếng súng đanh gọn. Bên này bà vội lản mở cửa chạy thoát ra ngoài. Bài báo của nhà báo người Đức đã gợi cho Dương Minh Đẩu những gì ông đang tìm kiếm. ông vội liên lạc với Chí Tân, yêu cầu Chí Tân bố trí quay cho ông một cảnh động không có nhân vật: Máy quay đi theo con đường đến khách sạn Hoàng gia. Đến phòng ba nhà báo Đức ở. Dừng lại trước cửa phòng. Số phòng. Ba tiếng súng vang lên.

Phim Campuchia 3 + 4 đã bắt đầu như thế. Dưới chế độ Pôn Pốt, khách quốc tế văn hóa đến Campuchia còn bị ngang nhiên giết hại, từ cái chết của những nhà báo Đức; của những người thân trong gia đình Bun-đa-ren; từ những cái chết mà Bun phải chứng kiến; và cái chết dần mòn của chính Bun; từ cuộc đời người bạn đồng nghiệp Vân Minh, một người bạn Campuchia tham gia kháng chiến chống Pháp rồi được gửi sang Việt Nam học quay phim (vì thế rất quen với Dương Minh Đẩu), học xong Vân Minh trở về tham gia kháng chiến chống Mỹ thì bọn Pôn Pốt đưa vào Tun Xleng rồi trở thành người thợ chụp ảnh bạn tù... Từ những cái chết tức tưởi, từ những số phận đau khổ đó, phim Campuchia 3 + 4 mới kể về nhà mồ Tun Xleng, mối đưa ra những con số lay động lương tâm loài người: dân Campuchia có 7 triệu người thì chỉ gần 4 năm dưới chế độ Pôn Pốt, 3 triệu người đã bị giết hại, số còn lại đang ngắc ngoải chết dần như Bun, như Vân Minh, trong những nhà tù núp dưới cái tên Xa-hạ-co (Công xã)..!

Do tình hình chính trị lúc đó, phim Campuchia 3 + 4 được đọc bằng tiếng Campuchia do Chia Sốt, vị đại sứ đầu tiên của chính quyền cách mạng Campuchia tại Việt Nam đọc. Phim Campuchia 3 + 4 in tráng xong được gửi ngay sang Cộng hòa Dân chủ Đức dự Liên hoan phim Quốc tế Lai-xích 1979 với danh nghĩa phim của Điện ảnh Cách mạng Campuchia và Campuchia 3 + 4 đã giành được giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim rất có uy tín này, giải Bồ câu Vàng.

Nhắc lại tiến trình Dương Minh Đẩu thực hiện phim Campuchia 3 + 4 không phải chỉ để nói về tư duy sáng tạo và lao động nghệ thuật của riêng ông. Quá trình thực hiện phim Campuchia 3 + 4 còn thể hiện mối quan hệ đẹp đẽ trong công việc giữa Dương Minh Đẩu và Chí Tân, đó là cách đào tạo, dìu dắt, dạy nghề của người đi trước với người đi sau của những người lính làm điện ảnh. Đây là một thành tích rất lớn, một nét đẹp truyền thống rất đáng tự hào của Xưởng phim Quân đội mà giám đốc Dương Minh Đẩu là người có đóng góp lớn.

Con đường tìm trường học chữ đã đưa Dương Minh Đẩu đi từ Bắc vào Nam. Bão táp cách mạng và chiến tranh giải phóng dân tộc lại đưa Dương Minh Đẩu từ Nam ra Bắc. Con đường làm điện ảnh và phát triển sự nghiệp Điện ảnh Quân đội lại đưa Dương Minh Đẩu ra thế giới. ông sinh ở Mỹ Đức, Hà Tây, học Thành chung ở Hà Nội, học tú tài ở Sài Gòn. Cao trào vận động cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền đã biến cậu học trò Dương Minh Đẩu thành một cán bộ tuyên truyền Thanh niên Tiền phong từ tháng 3 năm 1945, một chỉ huy tự vệ từ tháng 8 năm 1945, một chỉ huy quân đội đánh Pháp từ ngày đầu tiên chúng quay lại Sài Gòn, 23-9-1945, con đường chiến đấu cứ đưa ông ngược ra Bắc, Biên Hòa, Bình Thuận. Ngồi thuyền dân vượt biển ra Liên khu 5, trở thành người phụ trách Tuyên truyền văn nghệ của Quân khu 5, trở thành người phụ trách Tuyên truyền văn nghệ của Quân khu 5. Năm 1954 tập kết ra Bắc ông lại trở về Hà Nội của tuổi thơ. Năm 1954ta65p kết ra Bắc ông lại trở về Hà Nội của tuổi thơ. Năm 1958, tròn 30 tuổi, Dương Minh Đẩu được nhận quân hàm thiếu tá. Năm 1960 được cử làm Đoàn phó, ba tháng sau là Đoàn trưởng Đoàn Điện ảnh Quân đội. Năm 1962 dẫn đoàn quay phim Quân đội Nhân dân Việt Nam sang cánh đồng Chum, Lào, quay phim tư liệu. Năm 1978 dẫn đoàn mang phim Hà Nội bản hùng ca của đạo diễn Phan Quang Định dự Liên hoan phim quân đội các nước Xã hội chủ nghĩa tại Bu-đa-pét, Hung-ga-ri và phim Hà Nội bản hùng ca đã giành được giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim này.

Xin hãy trở lại buổi ban đầu để thấy bước phát triển ấy kỳ diệu biết bao. Hơn ba mươi sĩ quan các đơn vị trong toàn quân được tập trung về hợp thành Đoàn Điện ảnh Quân đội trong đó chỉ có một người mới học qua về quay phim ở bưng biền Đồng Tháp. Vài người khác trở về từ các đội chiếu bóng biết sử dụng máy chiếu phim. Còn lại đều là cán bộ chính trị, cán bộ tuyên huấn, cán bộ văn công, chưa ai biết gì về điện ảnh, Dương Minh Đẩu phải tổ chức lãnh đạo những người lính ấy sản xuất phim cho quân đội, làm nên cơ đồ điện ảnh của quân đội. Trước hết Dương Minh Đẩu cùng lớp người đầu tiên của Đoàn Điện ảnh Quân đội sang Xưởng phim Tài liệu – Khoa học Trung ương học nghề bằng cách đi thep các đoàn làm phim bên đó. Đạo diễn theo đạo diễn. Quay phim theo quay phim. Thượng úy Phạm Lệnh đi theo đạo diễn Phạm Thự. Đại úy Phan Quang Định đi theo đạo diễn Quí Lục. Thiếu tá Dương Minh Đẩu đi theo đạo diễn Khánh Dư. Họ học nghề từ thực tế làm nghề của các đạo diễn đã thành danh. Nhưng nghề đạo diễn có hai phần rõ rệt. Phần kỹ thuật có tính quy trình công nghệ như dàn dựng cảnh quay, chỉ huy quay phim, tổ chức hoạt động cho đoàn làm phim, kỹ thuật hậu kỳ, cắt dán trên bàn dựng, hòa âm... thì có thể học được. Còn phần nghệ thuật gồm cảm xúc nghệ sĩ, tâm hồn và thái độ của tác giả, cấu tứ văn học của tác phẩm thì làm sao có thể học được! Nó hoàn toàn thuộc về năng khiếu thẩm mỹ cá nhân, thuộc về nền tảng văn hóa và thế giới tâm hồn có sẵn của mỗi cá nhân. Không có khả năng rung động trước hiện thực cuộc sống, không có nền tảng văn hóa chung để sáng tạo ra những giá trị văn hóa riêng mình làm phong phú thêm những giá trị văn hóa của cuộc sống thì chỉ riêng phần kỹ nghệ học được kia chưa đủ làm nên tác phẩm nghệ thuật! Với Dương Minh Đẩu, cảm xúc là chất liệu không thể thiếu của phim tài liệu. Cảm xúc về những cái chết, về những thân phận con người bị chà đạp dưới chế độ Pôn Pốt đã làm nên Campuchia 3 + 4.

Năm 1960 Dương Minh Đẩu ngơ ngác đi theo điếu đóm cho các đoàn làm phim của Xưởng phim Tài liệu – Khoa học Trung ương để học nghề. Năm 1962 ông làm đạo diễn bộ phim tài liệu đầu tiên về một đề tài mà ông khá quen thuộc là văn công quân đội. Năm 1965 ông làm đạo diễn phim Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là bộ phim đầu tiên của ông giành được giải thưởng cao, Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I năm 1970.

Chiến tranh ngày càng khẩn trương, ác liệt. Các đội quay phim nối nhau lên đường. Hà Nội cũng trở thành mặt trận. Máy móc sản xuất phim phải rời Hà Nội sơ tán về Mỹ Đức, Hà Tây. Máy in tráng phim tráng phim, phòng dựng phim, phòng hòa âm... đặt trong nhà dân, trong nhà kho hợp tác xã Tuy Lai, Mỹ Đức. Từ khắp các chiến trường, các đội quay phim đều đặn gửi phim về. Những khuôn hình nóng hổi hơi thở của cuộc sống chiến đấu hào hùng của đất nước phải được kịp thời ra lò. Trong nhà kho chật chội ẩm thấp của hợp tác xã Tuy Lai, giám đốc Dương Minh Đẩu miệt mài xem không sót một thước phim nào từ các mặt trận gửi về. Những thước phim quý ấy được đạo diễn Dương Minh Đẩu kịp thời dựng thành phim đưa ra thế giới giới thiệu về cuộc chiến đấu chống Mỹ anh hùng của nhân dân Việt Nam.

Bộ máy tuyên truyền của Mỹ đang lu loa miền Bắc đưa quân vào xâm lược miền Nam, những bộ phim trực tiếp quay ở miển Nam chiến đấu không thể mang danh Xưởng phim Quân đội Nhân dân Việt Nam. Dựng những bộ phim về miền Nam chiến đấu, Dương Minh Đẩu lại dựng lên danh xưng Xưởng phim Quân Giải phóng! Bộ phim đầu tiên mang danh Xưởng phim Quân Giải phóng là phim Chiến thắng Dương Liễu – Đèo Nhông, sản xuất năm 1965, tại nhà kho hợp tác xã Tuy Lai huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội chỉ hơn 30 cây số. Từ sau đó, các phim tiếp theo của đạo diễn Dương Minh Đẩu cũng được đổi thành đạo diễn Bùi Phương. Từ đó cho đến tháng Tư năm 1975, hàng loạt phim về miền Nam chiến đấu của Xưởng phim Quân đội được mang tên đơn vị sản xuất là Xưởng phim Quân Giải phóng. Nhiều phim trong số này đã giành được giải thưởng cao: Phim Chiến thắng Khâm Đức của đạo diễn Nguyễn Văn Hữu, được tặng Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II. Phim Trận địa mặt đường của Nguyễn Kha và Trần Quốc Chung đoạt giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II và giải Bồ Câu Vàng Liên hoan phim Quốc tế Lai-xích, Đức, 1970. Phim Chiến thắng đường 9 Nam Lào của đạo diễn Nguyễn Trung Kiên (Nguyễn Văn Thông) được tặng giải Bồ Câu Vàng Liên hoan phim Quốc tế Lai-xích, Đức, 1972 và giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần II. Các phim của đạo diễn Bùi Phương (Dương Minh Đẩu) như: Anh pháo binh giải phóng, Vài hình ảnh Xuân 1968, Chiến thắng Côcava, được các Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I và lần thứ II tặng giải Bông sen Bạc.

Là Đoàn trưởng Đoàn Điện ảnh Quân đội từ buổi đầu tay trắng. Dương Minh Đẩu đã góp phần không nhỏ xây dựng nên cơ ngơi một Xưởng phim Quân đội có đủ quy trình công nghệ khép kín của việc sản xuất phim, xây dựng được một đội ngũ những người làm phim quân đội vững vàng chính trị, vững vàng nghề nghiệp có mặt trên khắp chiến trường Đông Dương và là nguồn bổ sung hùng hậu cho điện ảnh, truyền hình quốc gia. Nhiều nhà điện ảnh quân đội đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân. Những người làm phim quân đội đã giành được nhiều giải thưởng cao ở các Liên hoan phim trong nước và Quốc tế. Chỉ tính những giải thưởng cao, thì đến cuối năm 1989 Điện ảnh Quân đội đã giành được 3 giải Bồ Câu Vàng, 1 giải Bồ Câu Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Lai-xích, Cộng hòa Dân chủ Đức, 24 giải Bông sen Vàng, 37 giải Bông sen Bạc tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam, 2 giải thưởng mang tên nhà đạo diễn phim tài liệu lừng danh thế giới Joris Iven. Thành tích này là công lao phấn đấu của nhiều thế hệ những người làm phim quân đội nhưng công đầu thuộc về người giữ trọng trách giám đốc suốt chặng đường dài 21 năm đầu tiên đầy khó khăn thách đố của Xưởng phim Quân đội, giám đốc, Nghệ sĩ Ưu tú Dương Minh Đẩu.

Tác giả bài viết: Phạm Đình Trọng