Cảm xúc khi làm phim về thành phố mang tên Bác

100 năm phát triển, trưởng thành của một thành phố, có bao nhiêu điều muốn nói. 100 năm, đó là tính từ thời điểm ngày 5/6/1911 – ngày người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Bến Cảng Sài Gòn lên chiếc tàu mang tên đô đốc La Touch Tréville ra đi tìm đường cứu nước đến ngày 5/6/2011.
Cảm xúc khi làm phim về thành phố mang tên Bác
Người từ thành phố này ra đi, mà mãi chưa có dịp quay trở lại; nên ta sẽ hiểu vì sao Người canh cánh bên lòng, mong muốn được vào thăm miền Nam, thăm lại thành phố Sài Gòn. Ngày 10-3-1968, Bác đã viết thư cho đồng chí Lê Duẩn:” Những thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khỏe tiến bộ mau hơn. Lịch trình đi thăm- Cần mươi ngày để chuẩn bị. Vượt biển độ 6 ngày. Từ bến tàu đến địa điểm độ dăm hôm. Vậy nhờ chú tính ngày cho khớp, 1 mặt cho Bác biết trước để chuẩn bị, 1 mặt cho anh em trõng biết để chờ đón. Để đảm bảo thật bí mật, chú chỉ nên bàn việc này với 1 số ít đồng chí trong BCT. Mong chờ chú trả lời”.

         Nhưng rồi Bác đã không vào được miền Nam.

         Di chúc của Người đã viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.
         Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta…
         Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đáng giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
         Còn non, còn nước, còn người,
         Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”
         Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay! 
Bác đã nói như vậy!

        Làm theo di chúc của Người, Sài Gòn- Gia Định, đã cùng với miền Nam và cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

         Và ngày 2/7/1976, thành phố Sài Gòn mang tên Hồ Chí Minh. Đến nay đã tròn 35 năm.…

         Là người làm phim, nên tôi rất dễ cảm xúc và dễ cảm nhận được sức sống của một thành phố đang vươn lên, mong muốn trở nên văn minh, hiện đại và sức sống ở những con người tốt đẹp mà tôi đã gặp. Nhưng phải chọn lựa, chắt lọc lại những gì cần đưa vào phim. Và tôi đã chọn. Đó là giai đoạn ngay sau khi giải phóng và mang tên thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta bắt đầu công cuộc xây dựng hòa bình, hàn gắn vết thương chiến tranh và thành phố kiên trì đường lối đổi mới để phát triển.

         Điều quan trọng nữa là phải nói về một thành phố anh hùng- nghĩa tình. Đó là ý chí kiên cường, bất khuất trong chiến đấu và sản xuất, đó là tinh thần sáng tạo dám nghĩ dám làm trước mọi khó khăn. Đó là tình yêu thương và lòng nghĩa hiệp giữa những con người. Đó là những ứng xử cao đẹp đầy ý nghĩa văn hóa; là việc xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống cho người dân…      

         HTX Mây tre lá “Mái ấm tình thương Ba Nhất’’ ra đời ngay sau giải phóng với mục đích tạo việc làm và thu nhập cho phụ nữ nghèo, cơ nhỡ, trẻ bụi đời, thất học. Từ tổ hợp sản xuất tháng 7/1976 đến nay, Ba Nhất đã trải qua một chặng đường phát triển đầy gian nan nhưng cũng nhiều sáng tạo, kiên trì, giữ gìn và phát triển ngành sản xuất thủ công truyền thống.

          Khởi đầu công việc bằng việc dự một lớp học và luyện tay nghề tại một cơ sở sản xuất hàng mây tre lá xuất khẩu sang Pháp, chỉ 2 tháng, Ba Nhất đã có 60 người đan thành thạo. Từ đó, Ba Nhất vừa sản xuất vừa tổ chức các lớp huấn luyện tay nghề cho học sinh, sinh viên, các thành viên trong trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi, cho chị em trong trường phục hồi nhân phẩm và thậm chí cho cả một số bệnh nhân tâm thần, cho họ có một cơ hội thứ hai. Hơn 2000 người được Ba Nhất dạy nghề – trong và ngoài quận Bình Thạnh. Tôi mới gẫm rằng, với bàn tay con người, những thứ được coi là rác, là giấy vụn cũng trở thành những vật dụng đẹp, có ích.

           Tôi đã tìm gặp lại “bàn tay vàng” ngày nào của nhà máy dệt Việt Thắng- Trần Thị Bé Bảy, gặp lại anh hùng lao động Châu Thị Kim ở Công ty dệt Phong Phú. Đã gặp những kỹ sư trẻ đang làm việc tại Vườn ươm doanh nghiệp ở Khu Công nghệ cao, đang ngay đêm ra sức sáng tạo, phát minh khoa học để phục vụ cho cộng đồng. Tôi cũng đã gặp những công nhân đang ngày đêm xây dựng đường hầm Thủ Thiêm, thậm chí có những lúc quên ngủ. Gặp những nông dân sản xuất giỏi ở Củ Chi, Nhà Bè, quận 9… đã vươn lên từ mảnh vườn của mình và đang làm giàu, để nghe các anh kể về những thành công bằng chính sức lực của mình, chí thú làm ăn; chịu khó, tìm tòi học hỏi và nghe họ kể về những thay đổi trên vùng đất đồng chua nước mặn của những huyện ngoại thành..

         Và vì Bác ra đi từ Bến Cảng Sài Gòn, nên tôi cũng muốn dành một đoạn phim nói về sự phát triển của các cảng ở thành phố chúng ta- thành phố đang vươn ra biển. Bây giờ người ta không gọi thành phố Hồ Chí Minh làthành phố đi trước về sau nữa mà là Thành phố đi trước và về đích  trước…

         Để làm phim, tôi đã lục hết những tư liệu mà minh lưu giữ được, cùng với sự giúp sức của đồng nghiệp. Mới biết, mình có những tư liệu hết sức quý giá mà thậm chí chưa sử dụng lần nào.

         Đi mới nghe, mới thấy và như chúng tôi vẫn nói với nhau - đi mới ra vấn đề. Và như vậy là tôi bắt tay vào làm phim.    

Tác giả bài viết: Cẩm Thúy