Công tác đào tạo và mối liên hệ với hội nghề nghiệp - Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh

Chúng tôi cũng mong muốn sau Đại hội, Ban Chấp Hành Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh có đề xuất với lãnh đạo thành phố đề án phát triển nghệ thuật Điện ảnh – Truyền hình thành phố trong thời kỳ mới. Chỉ ra nguyên nhân và đề xuất những mục tiêu có tính chiến lược, những giải pháp khả thi và những kiến nghị thiết thực, nhằm tạo điều kiện để hoạt động đào tạo về lãnh vực Sân khấu Điện ảnh – Truyền hình được phát triển mạnh mẽ hơn.
PGS.TS - NGƯT Phan Bích Hà - tác giả bài viết
I. Vài nét về công tác đào tạo tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
1.1 Kể từ khi thành lập và sát nhập hai trường : Trường Nghệ Thuật Sân khấu II và Trường Điện ảnh Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đến nay,  Trường ĐH Sân Khấu - Điện Ảnh TP. Hồ Chí Minh đã có bề dày hoạt động gần 40 năm, đã đào tạo các cán bộ hoạt động văn hóa nghệ thuật, các nghệ sĩ trong hai lĩnh vực Sân khấu – Điện ảnh với các chuyên ngành Đạo diễn, Quay phim, Thiết kế mỹ thuật, Lý luận phê bình, Nhiếp ảnh, Kịch hát dân tộc ( Cải lương, Nhạc dân tộc ) và Diễn viên Kịch - Điện ảnh cho toàn bộ khu vực phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên.
- Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh đã xác lập được uy tín về chất lượng đào tạo, thể hiện cụ thể qua việc số lượng thí sinh năm sau tăng hơn năm trước, và qua việc đội ngũ nghệ sĩ và các cán bộ hoạt động ở các lĩnh vực Sân khấu - Điện ảnh được đào tạo tại Trường đã phát huy tốt vai trò của mình trên các lĩnh vực hoạt động.
- Trường đã đào tạo được nguồn nhân lực ở các trình độ đại học, cao đẳng và trung học.  Nhiều cựu sinh viên của Trường hiện đang là những khuôn mặt xuất sắc trong lĩnh vực hoạt động Sân khấu – Điện ảnh của thành phố và các tỉnh thành phía Nam. Nhiều sinh viên của Trường đã đoạt các giải thưởng cao trong các kỳ Liên hoan phim ngắn toàn quốc do Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức.
1.2 Về công tác hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo :
Nhà trường đã có quan hệ đối ngoại với một số Trường và Viện nghệ thuật của một số nước như Pháp, Úc, Nhật bản…
          Trường đã có những thay đổi trong vấn đề đào tạo và hoạt động biểu diễn thông qua việc mời các đạo diễn, những chuyên gia về sân khấu, điện ảnh sang giảng dạy cho các sinh viên, với sự giúp đỡ của đại sứ quán các nước. Đây cũng là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để các sinh viên tiếp cận được với những trào lưu, những trường phái sân khấu kịch trên thế giới và những tiến bộ về kỹ thuật của Điện ảnh. Trường mời khá thường xuyên các chuyên gia Pháp sang giảng dạy ở các chuyên ngành chuyên môn sâu và giúp cho các em thực tập làm phim.
Ngoài ra, Hội còn trợ giúp cho các em sinh viên của nhà trường được tham dự các buổi chuyên đề về nghề nghiệp do các chuyên gia nước ngoài thực hiện và do Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức.
 
1.3 Về công tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho đào tạo
          Thực tiễn của công tác đào tạo về nghệ thuật với hai chuyên ngành Sân khấu và Điện ảnh cho thấy cần phải tăng cường việc nghiên cứu khoa học trong khu vực đào tạo nghệ thuật.
          Trong nhà trường, ngoài công tác đào tạo, còn cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.Nghiên cứu khoa học cũng là một phương pháp đào tạo, đó là hình thức vận dụng một cách tổng hợp nhiều hình thức về nghề nghiệp để có thể đào sâu, mở rộng và hoàn thiện vốn hiểu biết. Vì nếu giảng dạy mà không nghiên cứu, kiến thức sẽ bị “đóng băng”, nếu không cập nhật kiến thức, sẽ không có những đổi mới. Thực tế cho thấy nghiên cứu khoa học là một phương pháp đào tạo hữu hiệu, mang lại chất lượng cao trong công tác đào tạo đại học và cao đẳng.
          Trường đã xây dựng khá hoàn chỉnh hệ thống đề tài làm định hướng cho công tác nghiên cứu, để hỗ trợ cho công việc đào tạo. Định hướng lớn của việc xây dựng hệ thống đề tài là: công tác nghiên cứu khoa học trong Nhà trường cần phải góp phần đẩy mạnh đào tạo. Có thể coi các thành tựu về nghiên cứu khoa học như một bệ phóng để đưa đào tạo đi vào quỹ đạo của những nghiên cứu khoa học tiếp theo.
          Trong nhiệm kỳ vừa qua (2010-2015), Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức được một số cuộc Hội thảo, Tọa đàm về nghề nghiệp, các cuộc chuyên đề này cũng trợ giúp cho nhà trường trong công tác đào tạo.
Với những nỗ lực từ nhiều mặt trên, Nhà trường đã đạt được những kết quả khả quan trong đào tạo. Sinh viên của nhà trường đạt nhiều giải thưởng trong kỳ thi Liên hoan Phim ngắn quốc gia, 3 giải thưởng liên hoan phim Quốc tế, tổ chức tại Pháp và Canada (01 giải nhất và 02 giải ba). Tại các Cuộc Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Trường cũng đã nhận được nhiều giải thưởng, nhiều huy chương vàng.
 
II. Vai trò của Hội Điện ảnh với công tác đào tạo các nghệ sĩ :
2.1 Với sự chuẩn bị mang tính chiến lược, chúng tôi tin rằng công tác đào tạo của Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM sẽ có những chuyển biến tích cực. Trong quá trình phấn đấu để đưa trường đi lên, trong tiến trình phát triển của Nhà trường, luôn có sự hỗ trợ, giúp sức của Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Thông qua việc tổ chức các cuộc tập huấn chuyên môn do các chuyên gia nước ngoài ( Đức, Pháp, Hàn Quốc ) thực hiện. Trợ giúp kinh phí để các em sinh viên làm phim ngắn. Trong số các kịch bản được lựa chọn để đầu tư làm phim, có một số phim đoạt giải thưởng  tại cuộc Liên hoan phim ngắn quốc gia, Giải 3 cho bộ phim “ Đôi dép chuối” và một số tác phẩm dự thi tại các cuộc Liên Hoan phim ngắn Cánh Diều Vàng do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức. Một số kịch bản do Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh tài trợ đã  theo chiều hướng sáng tác mang sắc thái dân tộc,  mang đặc trưng  của vùng đất phương Nam, có đời sống  văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng. Các kịch bản được hướng theo quan điểm sáng tác về vùng đất phương Nam, thể hiện kết quả của quá trình giao lưu, hội tụ những cái hay, cái đẹp,  nét văn hóa của các vùng, miền theo địa văn hóa.
Một số nhà lý luận từng ví von  : Nếu xem nền kinh tế là “ Cái ổ khóa ”, thì văn hóa chính là “ chiếc chìa khóa ”. Thật vậy, chỉ có văn hóa mới mở mang nền kinh tế và cũng chỉ  có văn hóa mới thúc đẩy kinh tế phát triển đi lên. Khi đất nước đã và đang  hội nhập ngày càng toàn diện và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì vai trò ấy của văn hóa nghệ thuật ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Văn học và nghệ thuật ( Trong đó có Điện ảnh ) là một bộ phận của cấu trúc văn hóa, không chỉ đơn thuần thực hiện chức năng  giải trí và giáo dục thẩm mỹ, mà còn là động lực chính trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong những năm gần đây, do tác động của cơ chế thị trường và những ảnh hưởng của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, văn học nghệ thuật thành phố đã có những biến chuyển nhất định, các yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen lẫn nhau, bên cạnh những loại hình văn học nghệ thuật đa sắc màu, có những nét mới lạ, sôi động và hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng thành phố, thì xu hướng lai căng, sùng ngoại,  hay đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. . . đang là vấn đề càng phải lưu tâm trên con đường phát triển của thành phố. Trong dòng chảy đó, làm sao giữ được hồn dân tộc,  xây dựng và phát triển một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vừa tiếp thu có chọn lọc văn hóa nhân loại, mà không bị lai căng, không bị mất gốc, là vấn đề đặt ra hiện nay cho các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động văn học, nghệ thuật thành phố. Trong đó có vai trò to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp, có sức tác động mạnh mẽ của Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh – hội  nghề nghiệp có thể hướng đạo, góp phần định hướng nghề nghiệp cho công tác đào tạo. Vì trong cơ cấu của Hội Điện ảnh có sự vận hành của Ban Nghiên cứu, Đào tạo và Báo chí. Và số giảng viên đang giảng dạy tại Trường cũng có một số là hội viên Hội Điện ảnh  TP. HCM và Hội Điện ảnh Việt Nam. Ngoài ra, có một số giảng viên là ủy viên Ban chấp hành Hội Điện ảnh TP. HCM đang trực tiếp giảng dạy tại nhà trường.
 
2.2 Từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất đến nay, Đảng và Nhà nước ta có nhiều nghị quyết và chính sách về xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, mới đây Nghị quyết 20-NQ/BCT của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Min đã khẳng định “Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị lớn nhất nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”.
Trong những năm qua, sự phát triển văn hóa của thành phố, nhất là các lĩnh vực văn hóa, hoạt động văn học nghệ thuật,  chưa có những tác phẩm tương xứng với sự phát triển kinh tế, với vai trò, vị trí là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, vẫn chưa có nhiều  tác phẩm Điện ảnh ghi được đậm nét dấu ấn của thời đại.
Việc nhận diện hiện trạng đời sống văn học nghệ thuật thành phố hiện nay, xem xét xu hướng vận động dưới tác động của nhiều yếu tố tích cực, lẫn tiêu cực trong thời kỳ hội nhập là một việc làm cần thiết, góp phần xây dựng định hướng  và hình thành các giải pháp để đời sống văn học nghệ thuật thành phố phát triển đi lên, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, sẽ có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Chúng ta tin tưởng Đại hội Điện ảnh sẽ đưa ra được những giải pháp tối ưu cho  công tác đào tạo đa dạng, nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng với trách nhiệm của Hội Điện ảnh, của Ban chấp hành, các nghệ sĩ sẽ có những đóng góp vì sự phát triển một nền Sân khấu – Điện ảnh – Truyền hình của TP. HCM với tinh thần năng động, sáng tạo.
Chúng tôi cũng mong muốn sau Đại hội, Ban Chấp Hành Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh có đề xuất với lãnh đạo thành phố đề án phát triển nghệ thuật Điện ảnh – Truyền hình thành phố trong thời kỳ mới. Chỉ ra nguyên nhân và đề xuất những mục tiêu có tính chiến lược, những giải pháp khả thi và những kiến nghị thiết thực, nhằm tạo điều kiện để hoạt động đào tạo về lãnh vực Sân khấu Điện ảnh – Truyền hình được phát triển mạnh mẽ hơn.

Tác giả bài viết: PGS.TS - NGƯT Phan Bích Hà