Kịch bản phim tài liệu truyền hình

Dù nguồn đề tài có phong phú đến đâu thì phim tài liệu truyền hình đều phải tuân thủ một nguyên tắc: được sử dụng tất cả các thủ pháp nghệ thuật điện ảnh và truyền hình nhưng chất liệu của nó phải là con người, sự kiện có thật…
Kịch bản phim tài liệu truyền hình
Chất “bột” kịch bản

Với sự kết nối nhanh của các phương tiện truyền thông hiện đại, phim tài liệu cũng đang có nhiều cơ hội và thách thức làm mới mình, làm mình ngày trở nên giàu sức sống, hấp dẫn vừa  sâu lắng, đậm tính nhân văn, gợi mở, đột phá… Cũng có nhiều câu hỏi đặt ra về vai trò kịch bản trong phim tài liệu. Phim tài liệu có cần kịch bản không? Hay người làm phim tài liệu chỉ cần đề tài, cương gạch vài dòng chi tiết được đơn vị sản xuất chấp nhận, rồi ê-kíp được thành lập: đạo diễn, quay phim…  Và cứ thế mà thực thiện. Bằng cách này, nhiều bộ phim lần lượt ra đời, được công chúng đón nhận, cũng có phim đạt được những giải thưởng cao quý.

Đó là một thực tế. Thực tế này đòi hỏi biên kịch vừa là đạo diễn. Trong quá trình thực hiện, kịch bản và phim hoàn chỉnh dần. Nhưng một thực tế khác, ai cũng hiểu, phim tài liệu truyền hình là sản phẩm của cả một tập thể, được thực hiện trong một dây chuyền sản xuất công nghệ. Tác phẩm báo chí dạng này không chỉ bị phụ thuộc vào cơ chế, con người mà còn phụ thuộc rất lớn vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc. Nếu như trong báo in, để thực hiện một bút ký hay phóng sự, tác giả chỉ cần một cây viết, chiếc máy ảnh, quyển sổ ghi chép là có thể lên đường tác nghiệp thì trong truyền hình, để thực hiện một  tác phẩm báo chí, một đoàn làm phim được thành lập, gồm các thành viên gắn bó nhau bằng những công việc mang tính chuyên nghiệp. Căn cứ vào kịch bản, phòng tài vụ tính toán, cho mức kinh phí thực hiện. Và vì thế, vai trò kịch bản không thể phủ nhận được, khi càng ngày, những người làm phim tài liệu truyền hình càng nỗ lực vươn đến sự chuyên nghiệp.

Nguồn đề tài của phim tài liệu truyền hình hiện nay rất phong phú: Lịch sử, truyền thống, chân dung hội nhập và phát triển, văn hóa, môi trường, những vấn đề nóng bỏng của xã hội, những khám phá từ sự lãng quên… Nhưng dù nguồn đề tài có phong phú đến đâu thì phim tài liệu truyền hình đều phải tuân thủ một nguyên tắc: được sử dụng tất cả các thủ pháp nghệ thuật điện ảnh và truyền hình nhưng chất liệu của nó phải là con người, sự kiện có thật,…

Vì lẽ đó, biên kịch cần có góc nhìn báo chí, nhằm phát hiện đề tài trong muôn trùng sự kiện, phát hiện ra chân dung trong hàng triệu chân dung, phát hiện ra những viên ngọc quý bị chôn  vùi dưới lớp bụi thời gian, phát hiện ra những vấn đề nóng bỏng của thời đại…; chủ động tìm đến đơn vị sản xuất, đề xuất, thuyết phục. Đơn vị sản xuất  yêu cầu: “Kịch bản đâu?”. Vậy là ở bước khởi đầu của sự chuyên nghiệp, phim tài liệu không thể thiếu vai trò biên kịch.

Nguồn đề tài phim tài liệu truyền hình phần lớn từ chủ trương của Hãng phim, đề xuất của cộng tác viên. Đơn vị sản xuất với trách nhiệm cơ quan truyền thông phục vụ chế độ, phục vụ an sinh xã hội, đã nhạy bén định ra những đề tài thực hiện. Những dự án phim lớn như “Ký sự Mê Kong”, “Ký sự hỏa xa”, “Hành trình theo chân Bác”, “Huyền thoại Mẹ Việt Nam Anh Hùng”…, càng không thể thiếu vai trò biên kịch. Một sự huy động lớn về tài năng, trí tuệ, tâm huyết của ê-kíp thực hiện, không thể định hình với đề cương sơ sài, vài gạch đầu dòng sơ lược mà cần phải có những kịch bản khoa học và chuyên nghiệp.

Một kịch bản khoa học và chuyên nghiệp ít nhất cũng làm nhiệm vụ gợi mở, dẫn đường cho ê-kíp thực hiện, chỉ ra những nhân vật cần gặp gỡ, những địa chỉ cần đến, những vấn đề cần lưu ý, phản biện… Kịch bản phim tài liệu ít ra là nguồn thông tin để ê kíp thực hiện tham khảo, tạo tiền đề cho sự sáng tạo của đạo diễn và ê-kíp thực hiện.

Nhưng ở bước khởi đầu, một kịch bản phim tài liệu đuợc hình thành từ sự đơn độc của biên kịch. Được đơn vị sản xuất chấp nhận hay giao đề tài, tác phẩm báo chí của bạn xem như thành công quá nửa. Vậy còn chần chờ gì mà không đẩy nhanh tiến độ công việc. Trước khi bắt tay viết kịch bản, vai trò nhà báo của biên kịch trong công đoạn thu thập và chọn lựa tư liệu được phát huy triệt để. Trong nhiều phim tài liệu, việc thu thập và  chọn lựa tư liệu là cả một quá trình. Biên kịch phải sống cùng nhân vật, đề tài, lắng nghe, chọn lọc tư liệu trong núi tư liệu, thông tin được cung cấp. Với một phim tài liệu bị khống chế dung lượng khoảng 20 phút sẽ không cho phép người làm phim tham lam, đưa tất cả chi tiết lên phim mà phải chắt lọc, tìm ra những chi tiết đắt, phải biết thể hiện, tái hiện  nhân vật, đề tài của mình. một cách thông minh.

Với góc nhìn báo chí, biên kịch phải biết phát hiện tính cách của nhân vật, sự  độc đáo của đề tài, trong sự bình thường, ẩn khuất,. Một kịch bản phim được viết nên là cả quá trình điều tra, tiếp cận nhân vật, thu thập thông tin, dữ liệu, chọn lựa tư liệu… Và cuối cùng là sự “gạn đục khơi trong”, chọn lựa những chi tiết đắt giá nhất, vừa tính đến hoàn cảnh khả thi để thực hiện những cảnh quay. Một kịch bản khi gởi đến đơn vị sản xuất là phim đã được diễn ra trện giấy- khâu quan trọng đầu tiên, quyết định không nhỏ vào sự thành bại của phim.

Tuy nhiên, khác với báo in, kịch bản phim tài liệu truyền hình cũng chỉ là bước khởi đầu của dây chuyền công nghệ sản xuất truyền hình. Khi đã được Ban giám đốc duyệt, ra quyết định sản xuất phim, nó còn trải qua nhiều công đoạn nữa.. Trong quá trình thực hiện, “kịch bản” còn được sáng tạo bởi ê-kíp làm phim: sự đồng cảm, cảm nhận,  phát hiện thêm nhiều chi tiết, tình huống thực tế của đạo diễn, tài năng của quay phim… Nhiều đạo diễn nhận kịch bản, đi thực tế, than phiền có nhiều nhân vật, chi tiết, tài liệu không còn nữa. Người viết kịch bản cũng tiên liệu những điều bất cập này khi viết,  bởi cuộc sống vốn ngắn ngủi, phức tạp, biên kịch viết về nhân vật khi còn sống, khi đạo diễn tìm đến, nhân vật đã chết. Tư liệu hôm nay còn, ngày mai đã bị lấy cắp, bị bán đi, bị thất lạc…  Nhưng bổn phận của biên kịch là cung cấp nhiều thông tin, nhiều nguồn trong khả năng có thể được, nhằm định hướng, gợi ý cho người làm phim. Từ kịch bản đến thực tế tiếp cận bao giờ cũng có những khoảng cách nhất định. Khoảng cách ấy thuộc về bản lĩnh, tài năng, sáng tạo, sự linh hoạt, huyền biến của đạo diễn.

Và ở giai đoạn hậu kỳ, đạo diễn thêm một lần sáng tạo, hoàn chỉnh tác phẩm của mình. Tóm lại, từ “bột” của kịch bản, phim tài liệu truyền hình được huy động bởi một lực lượng hùng hậu, cùng dự phần với mình (đạo diễn, họa sĩ, âm nhạc, tiếng động, lời bình... ), để làm nên “chất hồ” lấp lánh trên màn ảnh, chuyển tải đến công chúng.

Phim tài liệu từ “mấy tấm hình, vài quyển sách”

Tôi còn nhớ lúc còn sống, cố NSUT- đạo diễn Nguyễn Đăng Cầu than thở: “Hãng phim đì anh, giao cho anh kịch bản làm phim  tài liệu chỉ với mấy tấm hình, vài quyển sách, làm sao mà hay được”. Tôi an ủi anh: “Vì hãng phim biết anh có tài, có tâm huyết mới dám giao cho anh những phim khó như vậy. May mà còn có được “mấy tấm hình, vài quyển sách”. Nói là nói vậy, cặm cụi đào bới, anh cũng làm được những phim đoạt huy chương vàng, bạc từ  “mấy tấm hình, vài  quyển sách”. Thường đó là những phim tài liệu về những nhân vật tầm cở đã không còn trên dương thế. Một số người ra đi, để lại núi tư liệu ngồn ngộn. Một số người để lại cho đời rất ít ỏi những thông tin, những mối quan hệ, thậm chí “không một tấm hình, không một dòng địa chỉ”. Nhưng với cái tâm của người làm phim, người chết đã sống dậy, tỏa sáng, lộng lẫy trên màn hình. Không biết thì thôi, biết được sự cao lớn lồng lộng, sự hy sinh lớn lao của nhân vật, với người biên kịch, không tìm lại những con người đã chết, thật có lỗi. Tham gia dự án phim “Huyền thoại Mẹ VNAH”, tôi thấy mình thật có lỗi nếu như không viết về  những Mẹ VNAH đã chết. Chết không có nghĩa là hết. Bởi ít nhất nương rẫy, núi non còn in hình dáng mẹ. Bởi những người còn sống mang nặng ân tình của mẹ, bởi có những bà mẹ dám đứng trước họng súng kẻ thù, chấp nhận bị xẻ thịt, phân thây, bị ném dưới giếng sâu… để bảo vệ con, cho con mình được sống. Vì mẹ đã hy sinh, đã chết mà người còn sống càng phải viết, làm phim về mẹ, để mẹ sống mãi cùng các thế hệ cháu con, để vẻ đẹp bất tử của những bà mẹ Việt Nam trường tồn cùng non nước. Chỉ với bức chân dung xinh đẹp, đường bệ, sang trọng  của Mẹ  VNAH Hà Thị Tháng, nữ đạo diễn Ngọc Lan  đã làm sống dậy  truyền thống anh hùng của quê hương Hóc Môn-Bà Điểm mười tám thôn vườn trầu nổi tiếng. Chỉ với vài bức chân dung, vài lá thư gởi cho con của mẹ VNAH Nguyễn Thị Diệu Hương, bản thân là liệt sĩ, nữ đạo diễn An Bình  đã làm rơi nước mắt nhiều khán giả, bởi tình yêu con dung dị, đằm thắm, sâu thẳm của một bà mẹ Việt Nam dành cho con gái. Nhiều đạo diễn ái ngại khi được giao những kịch bản về những người đã chết. Nhưng bạn hỡi, đừng  nãn lòng, hãy đi tìm, rồi sẽ gặp biết bao điều kỳ diệu. Nếu có có tâm huyết, có lòng can đảm, bạn sẽ được cuộc sống đền đáp xứng đáng.

Để phim tài liệu giàu sức sống

Cầu nối thân thiện – Tăng cường mạng lưới cộng tác viên


Có một thực tế không phủ nhận được, hiện nay, chỉ một số hãng phim Nhà nước- đặc biệt các hãng phim truyền hình mới có nhiều cơ hội thực hiện những bộ phim tài liệu.  Hiếm hoi một số  biên kịch, đạo diễn tâm huyết với nghề ở bên ngoài hãng phim, bỏ tiền túi hoặc kêu gọi đầu tư thực hiện. Nếu có được cầu nối thân thiện giữa những biên kịch, đạo diễn tâm huyết, các nhà đài sẽ tăng cường nguồn nhân lực, tiết kiệm được chi phí, vừa tạo điều kiện cho các biên kịch, đạo diễn thực hiện tác phẩm của mình. Tất nhiên, đó phải là những sản phẩm có chất lượng và Hãng phim truyền hình chịu trách nhiệm về chất lượng phim.

Cần mở rộng mạng lưới cộng tác viên - đặc biệt là biên kịch - những người đầu tiên đưa ra ý tưởng thực hiện phim tài liệu. Hãy tạo cho họ cảm giác Hãng phim là nơi dễ tiếp cận, thân thiện, sẵn sàng chào đón, lắng nghe, chia sẽ những ý tưởng; Hãng phim là nơi xứng đáng nhất để biên kịch dâng tặng những tinh hoa.

Mở rộng đề tài, đổi mới cách thể hiện

Hơn lúc nào hết, cuộc  sống thời thế giới phẳng, với ảnh hưởng biến đổi khí hậu, cuộc chiến năng lượng, tài nguyên, sự thay đổi các giá trị sống… mở ra những đề tài sống động, phong phú, hấp dẫn tột độ cho các nhà làm phim tài liệu. Cũng đừng nghĩ đề tài truyền thống là cũ. Người làm phim cần làm mới khi thể hiện những đề tài cũ này. Nhiều phim tài liệu rất hay- đặc biệt phim tài liệu chân dung. Nhưng rất tiếc, người làm phim khuôn cứng cách thể hiện. Đạo diễn kể chuyện nhân vật trong lúc làm phim. Sau đó, công chúng không còn được biết đến “phần đời phía sau” còn lại của họ nữa. Vì vậy, cần “đeo bám” nhân vật sự kiện trong phim tài liệu, tạo hiệu hướng tương tác, để phim xâm nhập sâu rộng, tác động mạnh mẽ vào công chúng.

Kinh phí thích hợp cho phim tài liệu

Nhiều lý  do, kể cả kinh phí cho phim tài liệu ở các hãng phim cũng rất  hẩm hiu. Thật ra khi ngồi phân tích các nguyên nhân cũng là lúc tôi muốn bày tỏ nỗi bức xúc của mình. Thật lý tưởng nếu như rủng rỉnh tiền, biên kịch – đạo diễn sẽ chuyên tâm thực hiện những bộ phim mà mình thích, “bán” cho các nhà đài để “tái sản xuất”. Khi làm phim mà không lo đến kinh phí, không lo bị giới hạn sự sáng tạo, được chấp nhận nhiều phong cách, tôi nghĩ phim tài liệu sẽ có sức sống hơn, mới hơn, tươi hơn. Hiện nay những người làm phim tài liệu tự do rất hiếm hoi, bởi trước mặt họ là những cánh cửa hẹp.

Giờ vàng thích hợp cho phim tài liệu

Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại, đề tài phim tài liệu ngày càng đa dạng, phong phú, đi vào mọi ngóc ngách đời sống con người. Nếu như phim truyện Việt Nam những năm gần đây được sản xuất ồ ạt, đua nhau lên sóng, gây nhiều sự chú ý của dư luận thì phim tài liệu dường như trầm lắng hơn. Không phủ nhận được tầm quan trọng của phim tài liệu trong tác động đến công chúng nhưng giờ vàng cho phim tài liệu rất hiếm hoi. Đó là một yếu tố khá quan trọng, lý giải vì sao phim tài liệu ngày càng ít được sự quan tâm của khán giả. (Cùng một phim tài liệu, phát sóng lúc 8 giờ tối, có đến 3 triệu khán giả nhưng phát song lúc 6 giờ sáng, hoặc 1 giờ chiều, chỉ vài ngàn khán giả).

Thật ra, nói thì dễ, bắt tay vô làm mới thấy mọi việc không đơn giản. Cần huy đồng nhiều nguồn lực để phim tài liệu đồng hành với đời sống công chúng. Để phim tài liệu có sức sống đòi hỏi nỗ lực bức phá, làm mới mình không chỉ cả đơn vị sản xuất lẫn người thực hiện. Chúng tôi mong những cá tính, sáng tạo trong phim được chấp nhận, có được sự quan tâm đúng mức, sự chia sẻ thiết thực  để phim tài liệu truyền hình ngày càng tươi trẻ và giàu sức sống.

Tác giả bài viết: Trầm Hương