Phê bình điện ảnh trên phương tiện thông tin truyền thông

Thực trạng rõ ràng hiện nay chính là sự áp đảo của văn hóa nước ngoài đối với công chúng trẻ. Từ con đường nghệ thuật, Hàn Quốc đã mang văn hóa xứ kim chi vào Việt Nam và từng bước trở thành làn sóng mạnh mẽ xâm thực dần vào văn hóa Việt. Bên cạnh ấy, với sự nhập khẩu phim tràn lan, các rạp chiếu hầu hết chỉ chiếu phim nước ngoài với tỷ lệ 17 phim Việt Nam trên 106 phim nước ngoài, trong đó phim Hollywood chiếm 80%. Tất nhiên, hàng ngày tiếp xúc với phim bạo lực của Mỹ tràn ngập trên các rạp chiếu, vô hình chung giới trẻ Việt gần như đã được định hướng cho một lối sống mới mà họ gọi là “ hiện đại” và “thời thượng”, một lối sống thực dụng và cá nhân kiểu Mỹ trong một xã hội coi trọng vật chất hơn là đạo đức con người.
Nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của báo chí trong phê bình Điện ảnh
Trên thực tế, gần như vấn đề lý luận phê bình văn học nghệ thuật phần lớn là do các nhà báo nắm giữ hơn là chính những người được đào tạo từ khoa lý luận phê bình ở các trường văn hóa nghệ thuật. Tất nhiên, hầu hết các nhà báo ở lãnh vực văn hóa nghệ thuật đều được đào tạo từ các trường đại học báo chí và ngữ văn, nhưng tốt nghiệp một trường văn không có nghĩa là có ngay trình độ lý luận vững chắc để có thể có đủ bản lĩnh và trình độ thẩm định chính xác. Do tính phổ biến và tuyên truyền trên mặt trận thông tin đại chúng là cực kỳ cần thiết, bởi sẽ không có gì buồn hơn khi một tác phẩm ra đời mà không có lấy một dòng nhỏ trên mặt báo.  Các tác giả khi ra mắt đứa con tinh thần của mình đều chờ đợi những dòng bình luận trên mặt báo. Nhưng trên mặt bằng báo chí, không phải ai cũng có trình độ thẩm định như nhau, mà rõ ràng sẽ có một độ chênh về trình độ văn hoá, về kinh nghiệm sống, về tuổi nghề, đó là chưa nói đến phía tiêu cực. Và chính điều đó làm tình hình phê bình văn học nghệ thuật nói chung trên báo chí bị nhiễu loạn, người đọc sẽ không còn biết tin vào đâu khi đọc những bài bình luận trái ngược nhau trên nhiều mặt báo. Một bài báo ca ngợi hoặc phê phán có tác động xã hội rất lớn, nhất là đối với những tác phẩm có doanh thu trực tiếp như phim ảnh, sân khấu. Do vậy, với những nhà báo tuổi nghề, tuổi đời còn trẻ sẽ không khỏi ngộ nhận về quyền lực của mình. Tiêu cực cũng nảy sinh từ đây…
 
Nhiễu loạn phê bình văn học nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông
Hầu hết  những nhiễu loạn  này đều có sự góp mặt của các phương tiện truyền thông. Phim Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm lĩnh hầu hết trên sóng truyền hình của các nhà đài cả nước. Gần như suốt ngày đêm, bật kênh nào cũng có phim Hàn Quốc, Trung Quốc đủ thể loại, từ tình cảm, hài đến cổ trang. Đó là nguyên nhân vì sao giới trẻ Việt Nam thuộc làu sử Tàu hơn sử Việt. Trên các mặt báo, nhất là báo mạng, hình ảnh tài tử, ca sĩ, người mẫu  tràn ngập thông tin, đủ mọi  ngóc ngách đời tư được khai thác tối đa với đủ mọi hình thức câu khách rẻ tiền nhất. Đây chính là nơi để cho những cây bút vô lương tâm làm mưa làm gió trên những trang mạng chỉ cốt câu sự tò mò của  độc giả  để đạt yêu cầu doanh thu quảng cáo. Trên những trang báo mạng, người ta tạo dựng những thần tượng mới cho lớp trẻ, đó là những diễn viên, ca sĩ, người mẫu với những chiếc váy hàng hiệu giá mấy tỷ, và những khát vọng nổi tiếng, làm giàu bằng mọi giá. Đó cũng là nơi sẵn sàng cung cấp những scandal lớn nhỏ của những kẻ muốn nổi lên bằng tai tiếng. Trật tự xã hội bị lung lay khi những thứ rác rưởi này xâm nhập vào giới trẻ hàng ngày, hàng giờ. Và chúng ta không lạ khi có rất nhiều bạn trẻ đã ngộ nhận về giới showbiz và coi đó là nơi tiến thân và kiếm tiền nhanh nhất mà không cần phải học hành!
 
Đảo lộn giá trị: Bảo thủ hay cấp tiến?
Có một nhà văn đã từng phát biểu: Bây giờ người ta sợ bị gán cho từ bảo thủ hơn là từ phản động. Và thực tế là có một sô báo chí không nhỏ đang đứng vào hàng ngũ của những “nhà phê bình cấp tiến” hiện nay. Cấp tiến có nghĩa là đi ngược lại những nếp nghĩ trước nay, là lật đổ những giá trị đã có sẵn của dân tộc, là có cái nhìn mới về  một số nhân vật lịch sử. Có nghĩa là phải xét lại, lật lên, đào xới những giá trị đã được công nhận. Ai bảo vệ nó thì đó là những kẻ bảo thủ. Trào lưu này đã và đang manh nha rất mạnh mẽ. Nhưng nếu không được sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông thì chắc chắn sẽ không thể lan nhanh đến vậy. Người ta nói “chiêm bao không sợ, chỉ sợ thầy bàn”.  Một số bộ phim với cái nhìn đầy bế tắc đối với đất nước bên cạnh những cảnh làm tình trần trụi được coi như một phong cách mới, và tác giả của nó được phỏng vấn, được tung hô như một thiên tài,… Bên lãnh vực ca nhạc, những chương trình ca nhạc của những ca sĩ từng bỏ đất nước ra đi, những kẻ từng chống cộng nổi tiếng  khi được nhà nước cho trở về hát thì được tung hô như những người hùng. Những Bằng Kiều, Chế Linh, Tuấn Vũ bỗng nhiên được báo chí dựng thành những thần tượng với vô số bài viết, hình ảnh tràn lan trên mặt báo! Trong khi những văn nghệ sĩ đã sống chết và cống hiến cả đời cho cuộc chiến giành độc lập dân tộc thì bị quên lãng, nếu có thì chỉ viết một bài cho qua. Đám tang hai nhạc sĩ Phạm Duy và Hoàng Hiệp gần nhau cho thấy rõ nhất về sự lệch pha này. Chua xót lắm khi có tờ báo chỉ dành đất cho Phạm Duy, còn Hoàng Hiệp chỉ có những dòng tin ngắn ngủi. Gần  đây là bộ phim hợp tác giữa VTV và TBS Nhật, bộ phim  nói về tình hữu nghị Nhật - Việt, nhưng đã có cái nhìn hết sức méo mó về cụ Phan Bội Châu, một nhà cách mạng nổi tiếng của Việt Nam. Do người Nhật viết kịch bản và làm đạo diễn chính, nên cụ Phan Bội Châu đã được thể hiện như một kẻ vượt biên bị trôi dạt vào đất Nhật và hành xử như một kẻ hữu dõng vô mưu. Vậy mà phim được trao Giải vàng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ18 và được hầu hết báo chí hết lời ca ngợi,…
Nhiều loại báo lá cải kiếm tiền bằng mọi giá. Xấu tốt giả thật nháo nhào trên những trang mạng chỉ với một mục đích duy nhất mà người ta gọi là câu view bằng mọi cách giật tít giật gân để nhiều người vào đọc. Viết cho tử tế và đầy công tâm của những nhà báo tử tế hiện nay đối với hiện tượng này là sự đấu tranh trực diện về quan điểm, nhưng tiếc thay sự đấu tranh này không hề dễ dàng trên phương diện truyền thông, bởi ai nắm giữ nhiều độc giả , kẻ đó sẽ thắng.
 
Đi tìm một chữ Tâm
Rất nhiều nhà báo khi được phỏng vấn vẫn luôn luôn khẳng định “Tôi viết bằng cái tâm trong sáng”. Phải, đó chính là tiêu chí lớn nhất mà xã hội đòi hỏi ở nghề báo. Nhưng cái tâm này thực sự là quá bao quát và khá mông lung rất khó lòng kiểm tra để thấy hết. Một ông thầy thuốc thiếu y đức có thể nhìn thấy ngay, một người thầy vô đạo đức không khó gì không nhận biết, nhưng một nhà báo thiếu cái tâm thì quả là không dễ để nhìn ra. Thực tế đã cho thấy có rất nhiều nhà báo nổi tiếng đã viết bài phanh phui  nhiều vụ tiêu cực trong xã hội, nhưng sau đó chính họ lại là những khối ung nhọt của xã hội. Cho nên, chữ tâm mà xã hội mong đợi ở những nhà báo còn chính ở bản lĩnh  thắng được chất Con trong cá nhân mỗi người. Nhà báo được xã hội trao cho một quyền lực lớn để có thể dùng ngòi bút của mình góp phần đem lại công bằng xã hội. Nhưng cũng chính từ quyền lực lớn ấy đã ít nhiều gây ngộ nhận và ảo tưởng cho một số nhà báo. Họ quên rằng tiếng nói một cây bút X,Y không có nghĩa lý gì mà đó chính là tiếng nói và uy tín của một cơ quan ngôn luận. Cái tâm nghề báo không cho phép cá nhân sử dụng uy tín của tờ báo mình để mưu cầu lợi ích cá nhân. Đây là bài học nhập môn của nghề báo, và bài học này sẽ không bao giờ cũ, bởi nó luôn luôn được cập nhật trong từng thời điểm để từng mỗi người biết tự điều chỉnh mình trước những cám dỗ muôn hình vạn trạng của vật chất. Một nhà báo bị lún vào bùn ở lĩnh vực kinh tế rất dễ nhận diện, nhưng ở mảng văn hóa nghệ thuật quả là không dễ. Bởi đây là là chuyện định hướng thẩm mỹ của cả một thế hệ, nhưng nó lại không gây hậu quả tức thời. Nếu như cả một thế hệ trẻ tôn thờ ngưỡng mộ một dòng nhạc bát nháo, rẻ tiền và thần tượng một lớp ca sĩ chỉ hát được trong phòng thu chứ không tự tin hát giọng thật giữa công chúng, thì đó có phải là trách nhiệm của các cơ quan truyền thông đại chúng? Chữ tâm của nhà báo ở đây là hoàn toàn mông lung. Không  một ai có lỗi, có lỗi chăng là ở công chúng trẻ nhẹ dạ, dễ tin? Còn có những chữ tâm sâu kín trong tâm hồn mà chỉ từng nhà báo tự nhìn lại mình mới nhận ra. Ví như nhà báo viết về các cô gái thanh niên xung phong thời chống Mỹ sống cùng nhau ở làng Lòi với những đứa con ngoài giá thú. Việc ấy là đúng hay sai, khi chúng ta cố khơi lại vết thương lòng mà người trong cuộc muốn chôn giấu nó đi. Bài báo được khen ngợi, có khi được giải thưởng, nhưng còn những đứa con ngoài giá thú của nhân vật được viết, sau đó sẽ sống ra sao? Có nhà báo nào còn quay trở về để hiểu được tâm tư của người trong cuộc? Đó cũng là câu chuyện của phóng viên ảnh người Nhật Sawada Kyoichi khi anh chụp bức ảnh “Lánh nạn” ở Việt Nam trong thời chiến tranh. Bức ảnh được giải Pulitzer năm 1966, một giải thưởng mơ ước của mọi nhà báo trên thế giới. Nhưng ngay khi triển lãm, một người bạn đã nói với anh: “Trong lúc anh nổi tiếng như thế này, đã bao giờ anh nghĩ những người trong ảnh bây giờ ra sao không? Đối với họ là khoảnh khắc bất hạnh, nhưng nó trở thành khoảnh khắc hạnh phúc của riêng anh”. Sawada đã ân hận cả đời vì câu nói đó. Sau đó anh đã lặn lội trở về Việt Nam để tìm cho được những người trong ảnh và cố gắng làm được điều anh cần làm cho những con người đã đưa anh đến vinh quang. Người ta gọi đó là chữ Tâm, nhưng chữ tâm này chỉ có một mình anh cảm nhận được. Một chữ Tâm rất sâu trong tâm thức của những con người chân chính.
 
Giải pháp…               
Trước mắt, muốn có những bài phê bình chuẩn xác từ phương tiện truyền thông phải có sự đồng hành, hợp tác từ hai phía: các hội chuyên ngành ăn học nghệ thuật và chính bản thân những nhà báo viết phê bình, nhất là với các nhà báo trẻ mới vào nghề. Tôi nghĩ nếu các Hội có những khóa học ngắn hạn về chuyên ngành nghệ thuật của mình, và bản thân các nhà báo tự nỗ lực để vươn lên thì cả hai sẽ cùng gặp nhau. Nhưng nói cho cùng, học hành, nghiên cứu là một việc, nhưng nhà phê bình không đứng trên chữ TÂM để viết thì rất dễ đi vào cực đoan với cái nhìn phiến diện. Cái đáng lo ngại hơn là sự thiếu bản lĩnh của những người trẻ mới bước vào nghề báo, được giao trọng trách quá lớn là định hướng xã hội về văn hóa nghệ thuật nhưng chỉ nhìn thấy uy lực mà không thấy trách nhiệm xã hội của ngòi bút mình. Đó mới là điều đáng sợ nhất.
Nhưng nguyên nhân lớn nhất cho sự nhiễu loạn này chính vì chúng ta chưa có hành lang pháp lý rõ ràng và nghiêm minh. Nghị quyết V đã khẳng định “Giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” không phải chỉ là câu khẩu hiệu, mà phải được thực thi bằng chiến lược. Nó phải là cái lá chắn bảo vệ các ngành công nghiệp văn hóa nội địa trên thế giới phẳng về văn hóa hiện nay. Muốn vậy, chúng ta phải có chiến lược bảo vệ văn hóa, và phải được thực thi trên cơ sở pháp luật, phải xây dựng pháp luật về văn hóa cũng như việc hỗ trợ cho các lĩnh vực văn hóa trong nước.

Tác giả bài viết: Ngô Ngọc Ngũ Long