Phim tài liệu mất dần vị thế

Dường như phim tài liệu ngày càng bị thu hẹp về số lượng, hiếm có cơ hội được công chiếu rộng rãi và vì thế cũng ít được chú ý, dù có nhiều bộ phim thật sự có giá trị về mặt thông tin lẫn nghệ thuật.
Cảnh làm phim tài liệu "Từ thành phố này Người ra đi - 100 năm sau"

Tài liệu nhựa - Lỗi nhịp

Cả nước hiện nay có lẽ chỉ còn mỗi Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương (TLKHTƯ) (đã chính thức được chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Hãng phim TLKHTƯ vào ngày 24-4 vừa qua) là đơn vị hiếm hoi còn thực hiện sản xuất phim tài liệu (cả tài liệu nhựa và video). Đây cũng là đơn vị được nhà nước giao kế hoạch sản xuất phim tài liệu hàng năm.

Năm nay, hãng được giao thực hiện 13 phim, trong đó có 3 phim tài liệu nhựa, 10 phim tài liệu video và 3.000m phim tư liệu nhựa. Phía Nam có Hãng phim Giải Phóng thi thoảng còn làm phim tài liệu nhựa (theo đơn đặt hàng của nhà nước), nhưng vài năm lại đây, nhất là từ sau khi chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên, hình như Hãng phim Giải Phóng không dám “phiêu lưu” thực hiện dòng phim này!

Phim được sản xuất đều đặn hàng năm, nhưng thật hiếm hoi để phim tài liệu nhựa có thể ra rạp, nếu không phải là những ngày lễ, những đợt kỷ niệm lớn. Hỏi những nhà làm phim tài liệu, đều có chung một tâm tư: “Phim truyện nhựa VN ra rạp là cả vấn đề, nói gì đến phim tài liệu”. Thời buổi rạp do tư nhân đầu tư, kinh doanh, nên họ phải tính bài toán lời – lỗ một cách chi li. Những đợt kỷ niệm, những ngày lễ là dịp phim tài liệu được “ăn theo” phim truyện để ra rạp. Chỉ ngắn ngủi thế thôi, cũng đủ khiến những người làm phim tài liệu thấy đỡ “tủi thân”.

Nói về việc có lãng phí không khi mỗi năm nhà nước vẫn giao chỉ tiêu thực hiện phim tài liệu nhựa, nhưng sản xuất xong thì thường nằm trong kho chờ… ngày “lễ” mới có thể ra rạp. Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim TLKHTƯ, cho biết: “Chúng tôi chỉ có chức năng sản xuất, không có chức năng phát hành. Sau khi sản xuất xong, chúng tôi gửi cho Viện Lưu trữ Điện ảnh một bản, theo đúng quy định”. Đó chính là lý do, một thời gian dài, phim tài liệu nhựa không có chỗ chiếu, nên sản xuất xong thì cất kho. Có chăng, chỉ là những chuyến chiếu bóng lưu động đến vùng sâu vùng xa và đa phần do điện ảnh quân đội tổ chức, rồi “mượn” phim của Hãng phim TLKHTƯ để chiếu phục vụ.

Chất liệu nhựa, khiến cho phim tài liệu nhựa chỉ có thể chiếu tại các rạp chiếu bóng; mà rạp chiếu phim hiện nay lại chỉ dành cho các loại phim “bom tấn”, nên “cánh cửa” cho phim tài liệu nhựa là quá… hẹp. Hình như, phim tài liệu nhựa đang “lỗi nhịp” trong sinh hoạt nghệ thuật ồn ã, vội vàng hiện nay! Chính vì thế, câu hỏi có nên làm phim tài liệu nhựa nữa hay không vẫn luôn đau đáu trong lòng tất cả những người làm điện ảnh. Hình ảnh khán giả xếp hàng dài ngoài rạp để xem phim tài liệu, như: Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế… mãi mãi là kỷ niệm và là chuyện không tưởng của hôm nay.

Truyền hình - Lối ra hiệu quả

So với tình hình “hẩm hiu” của phim tài liệu nhựa, những phim tài liệu video do Hãng phim TLKHTƯ sản xuất, có thể được cung cấp cho các đài truyền hình khi có yêu cầu. Chí ít, đó vẫn là “lối ra” hiệu quả, để phim còn đến được với người xem. Bản thân các đài truyền hình lớn (VTV, HTV) cũng tự mình sản xuất các phim tài liệu có chất lượng, phù hợp với tiêu chí, yêu cầu của từng đài, để phát sóng.

Trong thời gian sau này, truyền hình có phần năng động hơn trong việc chọn đề tài, chọn phương thức thể hiện, đã làm cho phim tài liệu phát sóng trở nên đa dạng. Hàng loạt phim tài liệu truyền thống cách mạng, chân dung các vị tướng lĩnh, phim phóng sự tài liệu, ký sự… do Đài Truyền hình TPHCM sản xuất đã được khán giả yêu thích và yêu cầu được phát lại nhiều lần, như: Trường Sơn huyền thoại, Khi đàn sếu trở về, Mê Kông ký sự…

Thế mạnh của Đài Truyền hình Việt Nam là những phim tài liệu chính luận. Ông Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập VTV, cho biết: “VTV hết sức quan tâm đến mảng phim này. Bắt đầu từ năm 2012, đài cũng dành khung giờ tốt để phát phim tài liệu. Hiện nay, chúng tôi phát 3 chương trình/tuần vào lúc 21 giờ 30 các tối thứ tư, sáu, bảy hàng tuần. Phim tài liệu phát sóng trên VTV chủ yếu được cung cấp từ Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự của VTV và 5 trung tâm THVN tại các khu vực: Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Cần Thơ, TPHCM. Ngoài ra, chúng tôi còn mua bản quyền của Hãng phim TLKHTƯ, các sơ ri phim của HTV và hợp tác làm phim với các đơn vị truyền thông bên ngoài đài”.

Hiện nay, phim tài liệu Nơi huyền thoại bắt đầu dài 15 tập đang phát sóng lúc 21 giờ 30 trên VTV1 là sản phẩm hợp tác giữa VTV và Công ty VTL. Cũng theo ông Hà Nam, những sản phẩm hợp tác với bên ngoài như thế cũng rất hạn chế.

Rõ ràng, truyền hình là phương tiện rất hữu hiệu để phim tài liệu gần gũi với khán giả. Trong xu thế truyền thông mới, truyền hình đóng vai trò quan trọng của trong việc nâng cao vị thế phim tài liệu để loại phim này đạt được hiệu quả tuyên truyền sâu rộng đến người xem.

Tác giả bài viết: Theo Báo SGGP