Dư âm Giải Cánh diều năm 2011: Bức tường…?

Khi bộ phim truyền thống cách mạng Mùi cỏ cháy nhận Giải Cánh diều vàng và phim Hot boy nổi loạn, thằng cười, cô gái điếm và con vịt nhận Giải của báo chí, lập tức một số báo đã có ngay lời bình luận về khoảng cách giữa người có tuổi và người trẻ tuổi.
Mùi cỏ cháy của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười với 4 giải thưởng lớn tại Cánh diều Vàng 2011

Với thế thượng phong của những người nắm cơ quan truyền thông trong tay, nhiều bài báo đã mặc nhiên cho rằng những người già thích tìm về quá khứ nên ủng hộ phim Mùi cỏ cháy, còn những người trẻ là những người đương đại, cấp tiến mới nhận biết giá trị của phim Hot boy nổi loạn….

Người ta tự hỏi vì sao chúng ta lại tự dựng lên một bức tường ngăn cách trong thẩm định nghệ thuật giữa hai thế hệ… Lâu nay, mọi người vẫn than phiền về sự thiếu cởi mở và đồng cảm của những người có tuổi đối với thế hệ trẻ, tạo nên sự ngăn cách này, nhưng hiện tại dường như lại có chiều hướng ngược lại. Bởi bức tường này lại được dựng lên chủ động từ những người trẻ.

Trong cuộc họp báo sau khi trao giải Cánh diều năm 2011, có nhiều ý kiến nghi ngờ sự thẩm định của Ban giám khảo vì cho rằng họ quá già. Ban tổ chức đã bày tỏ quan điểm là chọn những người có bề dày kinh nghiệm, bởi khi cầm cân nẩy mực, tuổi nghề và kinh nghiệm là cực kỳ cần thiết. Nhưng vấn đề ở đây có lẽ cũng không hẳn là chuyện tuổi tác mà thực sự thuộc về cách nhìn nhận vấn đề.

Vì sao cả hai bộ phim đều nói về những người trẻ, nhưng với đề tài chiến tranh cách mạng, xoáy vào chính vết thương của dân tộc mình, về những người trẻ băng mình vào lửa đạn và ngã xuống cho độc lập dân tộc thì lại bị coi là chuyện của những người già; còn với đề tài đi vào cuộc sống của những người trẻ đồng tính, một căn bệnh dễ nhiễm, rất thời thượng hiện nay lại được trân trọng và đồng cảm như là chuyện của những người của thế hệ bây giờ.

Chính sự phân biệt ấy đã tạo nên một bức tường ngăn cách mà lẽ ra không có gì phải ngăn cách. Bởi vì Mùa cỏ cháy là câu chuyện của chính chúng ta, của nhiều thế hệ Việt Nam, thời chiến cũng như thời bình, là trang sử bi tráng mà chúng ta đã vượt qua và phải trả bằng rất nhiều máu của những người ở tuổi 20 của 30 năm trước để cho những người tuổi 20 hôm nay thụ hưởng…

Nếu cho rằng đó là chuyện quá khứ, chỉ liên quan đến những người đã từng trải qua chiến tranh và đã lạc hậu với thời đại @, thì đó là thái độ của những người bắn vào quá khứ. Quá khứ chiến tranh hay những vấn đề sôi bỏng của hiện tại đều là vấn đề chung của cả dân tộc, không hề là độc quyền của một thế hệ nào.

Vấn đề chính của nghệ thuật thuộc về nghệ thuật, ở đây không có sự phân biệt trẻ, già mà chỉ có sự phân biệt rõ nét giữa tài năng và bất tài. Cũng không hề phân biệt thể loại hài hay chính luận, mà chỉ giữ lại trong lòng người xem những thông điệp tích cực mà người làm phim gửi gấm đến khán giả.

Chính sự công bằng ấy đã tạo nên Giải bạc cho bộ phim hài Long ruồi, và về giới trẻ nhảy hip hop Sài Gòn Yo. Bộ phim Hot boy nổi loạn… dừng lại ở Bằng khen vì sự mất phương hướng của tác giả dù Vũ Ngọc Đãng thể hiện về giới đồng tính khá nhân văn. Vì thế, phim đã được sự đồng thuận của báo chí khi công chiếu.

Nhưng đề tài được cho là hiện đại ấy chỉ là một mảng tối của xã hội, nó được chấp nhận do tâm lý tò mò lẫn cảm giác khó chịu bởi sự phô diễn khá lạm dụng những màn nude của những chàng điếm đứng đường. Thông điệp của Vũ Ngọc Đãng trong phim có gì mới? Bởi hiện nay, có vô khối người đồng tính thành công và nổi tiếng trên mọi lĩnh vực nghệ thuật và kinh doanh nhưng xem Hot boy nổi loạn… có cảm giác như hễ ai đồng tính là chỉ có một con đường là đi đứng đường vậy (?!). Vì thế, khi đem bàn cân để cân phim này cùng với Mùa cỏ cháy là một cách đánh đồng làm thương tổn tâm huyết người làm phim, thương tổn những giọt máu thiêng liêng đã ngã xuống cho dân tộc…

Không có bức tường nào ngăn cách giữa hai thế hệ, nếu có chăng là chính chúng ta tạo dựng nên, tự cho mình là cấp tiến và coi thường những người đi trước mình… Hơn lúc nào hết, câu thơ của Ra-xun Gam-đa- tốp sẽ luôn đồng hành và nhắc nhở chúng ta: "Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác".

Tác giả bài viết: Ngô Ngọc Ngũ Long