Khánh thành tượng đài và phù điêu Điện ảnh Khu 8 Nam Bộ

Sáng 19/8/2011, UBND huyện Mộc Hóa (Long An) đã long trọng làm lễ khánh thành tượng đài kỷ niệm Điện ảnh cánh mạng - Điện ảnh khu 8 Nam bộ tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.
Khánh thành tượng đài và phù điêu Điện ảnh Khu 8 Nam Bộ
Hiện diện trong buổi lễ có các nhà hoạt động điện ảnh cách mạng lão thành như Hồ Tây, Nguyễn Đảnh…, Bà Dương Cẩm Thúy- Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, và đại diện các ban ngành, các đài Truyền Hình. Về phía huyện Mộc Hóa có ông Lê Minh Nhựt - Tỉnh ủy viên - Bí thư huyện, ông Nguyễn Văn Đát - Chủ tịch UBND huyện…
 
Tháng 10 năm 1947 ở giữa đồng bưng Đồng Tháp Mười đã ra đời một nền điện ảnh Cách mạng. Lúc bấy giờ, giặc Pháp chiếm hầu hết các tỉnh Nam Bộ. Đồng Tháp Mười bị bao vây bốn bề, ở giữa là căn cứ khu 8. Đồng Tháp Mười 6 tháng nắng hạn, 6 tháng nước ngập mênh mông, nước lại bị phèn chua, không sử dụng được. Và muốn làm điện ảnh mà không có điện.

Với lòng yêu nước nồng nàn, quyết tâm cao của những chiến sĩ cách mạng là phải làm được phim. Một nền nghệ thuật điện ảnh non trẻ đã ra đời, với nghề nghiệp còn yếu, nhưng phải giải quyết bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn: phương tiện máy móc không có; phim nguyên liệu, thuốc, hóa chất không có. Phải khắc phục làm giảm nhiệt độ thuốc khi tráng phim, cải tiến không ngừng để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất từ quay phim cho đến chiếu phim là cả một sự tìm tòi, gian khổ; đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. Nhiều liệt sĩ đã hy sinh để làm ra được những bộ phim để chiếu, mặc dù địch luôn bao vây, đánh phá.

“Trận Mộc Hóa” là bộ phim đầu tiên của Tổ Nhiếp - Điện ảnh khu 8; đã chiếu ra mắt đồng bao, chiến sĩ Đồng Tháp Mười tháng 12 năm 1948.

Một dấu son lịch sử điện ảnh Cách mạng từ vùng Đồng Tháp Mười đã góp phần động viên quân và dân Nam Bộ tiến lên, cùng với cả nước chiến thắng thực dân Pháp.
 
Niềm ao ước của những người hoạt động điện ảnh lão thành ở Khu 8 và Nam bộ là xây dựng tại Mộc Hóa - cái nôi của nền điện ảnh cách mạng giữa đồng bưng Đồng Tháp Mười, một bức tượng được xem là một công trình văn hóa ghi lại kỷ niệm những ngày làm điện ảnh cách mạng bưng biền và kỷ niệm bộ phim tài liệu đầu tiên ra mắt nhân dân, chiến sĩ. Với tấm lòng tha thiết dành cho điện ảnh cách mạng, hai nhà quay phim Hồ Tây và Nguyễn Đảnh đã không ngại khó khăn, không ngại tuổi cao, tìm mọi cách để  thực hiện cho được công trình này với sự hỗ trợ của Hội Điện Ảnh TP.HCM và sự đóng góp của Đài TH TP.HCM, Đài PT-TH Đồng Nai, Hãng phim Việt BHD, Đài PT-TH Bà Rịa – Vũng Tàu, Tạp chí Thời Trang Vàng, NSƯT Lý Huỳnh, ông Khương Việt Hùng (con của NSƯT Khương Mễ) trong việc xây dựng Tượng đài kỷ niệm Điện ảnh Cách mạng - Điện ảnh Khu 8 Nam Bộ tại Mộc Hóa.

Công trình tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn, ghi dấu công lao to lớn của những nhà làm điện ảnh cách mạng non trẻ ở bưng biền và cả tấm lòng của những người yêu điện ảnh đã cùng nhau góp sức làm nên…
 
 
Những cột mốc đáng ghi nhớ của điện ảnh Cách mạng Nam bộ:
 
Ngày 15 tháng 10 năm 1947, Bộ Tư lệnh khu 8 ra quyết định thành lập tổ Nhiếp Điện ảnh khu 8 trực thuộc phòng chính trị Bộ tư lệnh khu.

Trong một cuộc triễn lãm và metting mừng ngày độc lập 2/9 năm 1945 - 1947 tại chợ Thiên Hộ Đồng Tháp Mười, đồng bào và chiến sĩ đã hoan nghênh những hình ảnh của nhà nhiếp ảnh Mai Lộc chụp được: Chiến thắng đồn Vàm Nước Trong, chiến thắng trận Dòng Dứa và một số hình ảnh hành động dã man của giặc Pháp, như: chặt đầu, mổ bụng và treo thịt người để bán làm cho đồng bào và chiến sĩ vô cùng căm phẫn.

Tháng 3/1948, tổ nhiếp điện ảnh thực hiện 1 số phóng sự như: Binh công xưởng khu 8 dài 12 phút, Trường Lục quân khu 8, Trường Thiếu Sinh quân, Lễ xuất quân Trung đoàn 115, Bộ Tư lệnh viếng đội trọng pháo khu 8, Quân nhu khu 8… Lúc bấy giờ có 1 chiếc thuyền làm mui kín chèo ra gần vùng địch hậu nhờ dân mua nước đá để làm lạnh thuốc tráng phim. Đó là một sáng kiến buồng tráng lưu động, và để chạy khi giặc tràn váo. Các phim lúc bấy giờ toàn là phim trực hình, chỉ có một bản duy nhất.

Tháng 8/1948, Bộ Tư lệnh khu 8 mở chiến trận Mộc Hóa do tiểu đoàn 307 chủ công. Mộc Hóa là trung tâm Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An. Trận đánh này chiến thuật  là công đồn, đã viện, kết hợp vận động chiến và tiêu diệt chiến. Tổ điện ảnh chia thành 3 tổ quay phim: Đồng chí Mai Lộc ở mặt trận đánh bọn tiếp diện từ Campuchia sang, đồng chí Khương Mễ ở mặt trận công đồn, đồng chí Vũ Sơn ở mặt trận đánh bọn tiếp viện từ sông Vàm Cỏ tây lên đồng Mộc Hóa.

Tháng 12/1948, ra mắt trận Mộc Hóa cho hội nghị quân chính Đảng Nam bộ tại Kinh Dương Văn Dương (Đồng Tháp Mười) nhân ngày bế mạc. Một sự kiện văn hóa hết sức quan trọng và hiện đại lần đầu tiên ra mắt đồng bào vùng Đồng Tháp Mười và cán bộ chiến sĩ. Một sự kiện hằng mấy đời nay chưa bao giờ thấy (chớp bóng) các nhà báo các người trí thức và văn nghệ sĩ Sài Gòn xuống cũng rất bất ngờ không hiểu sao Việt Minh làm được việc này.  

Thời kỳ phát triển nhất của điện ảnh khu 8 là sau khi hoàn chỉnh máy in phim, quay phim bằng phim négatif và positif. Phim được phổ biến nhiều bản, nhiều đầu phim gửi điện ảnh khu 9, điện ảnh khu 7, điện ảnh Cực Nam Trung bộ (khu 6), gửi ra Trung ương, gửi đi dự Hội nghị liên hoan thanh niên thế giới và tăng cường đội chiếu phim ở khu 8.

Tháng 3/1949, tổ nhiếp ảnh điện ảnh khu 8 hoàn thành phim “Trận La Ban” dài 15 phút do tiểu đoàn 307 đánh đồn La Ban (thuộc Trà Vinh) do anh Khương Mễ và Vu Sơn quay.

Cuối tháng 11/2009, làm một phóng sự chiến dịch Cầu Kè. Tháng 1/1950, làm chiến dịch Trà Vinh. Những phim này chiếu rất rộng rãi toàn miền Nam. Phim do anh Khương Mễ, Lý Cương và Nguyễn Đảnh quay.
 
Bên cạnh đó, ở khu 9 thì cũng bắt đầu làm phim từ tháng 4/1949, do ông Phan Trọng Tuệ, Chánh ủy khu 9, sau khi xem phim trận Mộc Hóa ở khu 8, ông đến tổ nhiếp điện ảnh xin trình bày cách làm phim và bản dự trù mua máy phim thuốc về phổ biến cho anh em nhiếp ảnh khu 9 tìm hiểu làm phim (tổ ciné khu 9). Trong thời gian từ năm 1949 đến năm 1950, tổ ciné khu 9 làm được một số phóng sự bằng phim trực hình như một chuyến liên lạc quân sự, dân quan đáp cảng, trận Bố Thảo trường quân chính khu 9, đoàn quân xuyên Tây.

Năm 1950, tổ nhiếp điện ảnh khu 8 cử ông Phạm Học lên khu 7 hướng dẫn anh em khu 7 làm phim. Giữa năm 1950 có gửi về khu 8, 300 mét phim 16 ly sau khi tráng ra phim bị hỏng do lắp máy không cẩn thận (Fillart). Không ghi được trận đánh nào nhưng có quay các trận như: Bầu Bàng, Bàu Cỏ. Lúc bấy giờ ở khu 7 chỉ có chiếu phim chứ không làm được phim.

Năm 1950, anh Nguyễn Văn Khánh, điện ảnh khu 6 (Cực Nam Trung bộ) vào điện ảnh khu 8 học làm phim và trở về mua máy và phim thuốc mang về làm một số phim ngắn như: Nơi sản xuất nước mắt, chiến khu Lê Hồng Phong…

Tháng 6/1950, Điện ảnh khu 8 đưa đ/c Mai Lộc, Nguyễn Duy Cẩn (chuyên in tráng phim). Tổ ciné khu 9 đưa đ/c Nguyễn Thế Đoàn và Lê Minh Hiền (biên tập, thuyết minh) ra Việt Bắc quay Đại hội Đảng lần thứ 2 và sinh hoạt của Bác Hồ mang sang Trung Quốc in tráng và dựng tới mới về tới Nam bộ chiếu cho đồng bào xem. Anh Mai Lộc đi theo đoàn quân đội ra tìm hiểu và làm phim ở Việt Bắc. Năm 1952, anh hoàn thành bộ phim “Chiến thắng Tây Bắc” (Bộ phim tài liệu đầu tiên của Việt Nam ta được chiếu rộng rãi ở Việt Nam và Trung Quốc cùng một số nước xã hội chủ nghĩa khác).

Đến năm 1951, tổ nhiếp điện ảnh khu 8 làm một phim truyện lấy tên là: “Hết đời Đế quốc” là phim thực tập của toàn tổ điện ảnh.

Năm 1952, làm phim một năm Filatop, loại phim khoa học do Khương Mễ và Lý Cương và Hồ Tây thực hiện để kỷ niệm một năm thực hiện sản xuất Filatop ở Việt Nam do giáo sư Nguyễn Thiện Thành bào chế.
 (trích bài phát biểu của nhà quay phim Hồ Văn Tây)

Tác giả bài viết: Minh Tuyền