Rss Feed

Chương trình chiếu phim "Tổ quốc nơi đầu sóng"

Đăng lúc: Thứ hai - 02/06/2014 16:48 - Người đăng bài viết: Hội Điện Ảnh TP.HCM
6 bộ phim được lựa chọn để chiếu gồm: Đầu sóng ngọn gió (sản xuất năm 1967, đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh), Trường Sa tháng 4 năm 1988 (1988, đạo diễn Lê Mạnh Thích), Đảo Lý Sơn (2009, đạo diễn Công Thành Đức) và hai bộ phim của đạo diễn Đào Thanh Tùng: Andre Menras - một người Việt (2011), Biển của người Việt (2012) và Một đời nghiên cứu Hoàng Sa, đạo diễn Phạm Xuân Nghị (2011).
Đầu sóng ngọn gió nói về cuộc sống chài lưới và chiến đấu của nhân dân trên một hòn đảo ngoài khơi vịnh Bắc Bộ thời kháng chiến chống Mỹ.

Trường Sa tháng 4 năm 1988 mô tả chân thực, xúc động về cuộc sống của những người lính Trường Sa trên tàu HQ 505, các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn đã ngày đêm vật lộn với bão sóng, đề phòng bọn cướp biển, chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ giữ đảo.

 Đảo Lý Sơn là bộ phim về hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Nam Trung bộ với những người dân giàu tình cảm, chất phác, bám biển xây dựng quê hương; đây cũng là nơi xuất thủy quân các triều đại phong kiến VN ra đảo Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Andre Menras - một người Việt là câu chuyện về ông Andre Menras, một người Pháp có cảm tình đặc biệt với VN, cũng là nhân chứng lịch sử trong nhiều giai đoạn cách mạng VN.

Biển của người Việt, thông qua những bằng chứng, căn cứ lịch sử, các văn bản của nước ngoài, các tấm bản đồ..., thông qua đời sống văn hóa tinh thần của các ngư dân ven biển miền Trung, phim chứng minh hai vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của VN trong suốt 500 năm qua.

Một đời nghiên cứu Hoàng Sa, Hãng phim Truyền hình - Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ phim đoạt giải thưởng Cách Diều Bạc 2011 của Hội Điện Ảnh Việt Nam. Bộ phim được thực hiện bởi sự thôi thúc của lịch sử, sự đòi hỏi của công lý và nỗi bức xúc của tình cảm xã hội về chủ quyền của đất nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhân vật chính của bộ phim là một nhà sử học uyên thâm – Nhà giáo Nguyễn Nhã. Một nhà giáo mà đến tuổi về hưu đã quyết tâm nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Lịch sử về đề tài ông đã đeo đuổi hơn 30 năm: “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Ông đã trở thành chuyên gia lỗi lạc về lịch sử Hoàng Sa và Trường Sa. Thành quả lao động của ông không những là một công trình khoa học nghiêm túc có giá trị cao mà còn là một vũ khí sắc bén rất cần trong cuộc đấu tranh tái lập chủ quyền lãnh thổ của chúng ta. Nó xứng đáng nhận được sự trân trọng và lòng biết ơn của xã hội.

Thông qua đề tài của Tiến sĩ lịch sử Nguyễn Nhã, bộ phim mở đầu bằng chân dung nhà khoa học và qua hình ảnh của ông và bằng công trình nghiên cứu của ông sẽ đưa khán giả lần trở lại những luận cứ, chứng tích cụ thể nhất của khoa học lịch sử qua bản đồ, tư liệu trong nước và quốc tế từ thế kỷ XVII từng được gìn giữ ở các trung tâm lưu trữ quốc gia và các văn bản quốc tế từ nguồn Tiến sĩ Nguyễn Nhã sưu tầm được, trong gia phả các dòng tộc có người đi lính Hoàng Sa, bia ký ở các đình miếu ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi…đặc biệt là các văn bản, bản đồ trước năm 1909 để một lần nữa khẳng định chủ quyền lâu đời về vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tác giả bài viết: VP Hội
Từ khóa:

đạo diễn

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
  
   Cổng thông tin chính thức của HỘI ĐIỆN ẢNH TP.HCM
   Địa chỉ: 81 Trần Quốc Thảo (lầu 6), Phường Võ Thi Sáu,  Quận 3, TP.HCM - ĐT: 028.39321229
   Email: hoidienanhtphcm@gmail.com Giấy phép số 50/GP-ICP-STTTT.