Rss Feed

Viết lời bình phim tài liệu truyền hình - Nghĩ, viết và... thử nghĩ!

Đăng lúc: Thứ sáu - 01/06/2012 15:19 - Người đăng bài viết: Hội Điện Ảnh TP.HCM
Tôi là người khách có dịp ghé qua thể loại phim tài liệu truyền hình (PTLTH), nhưng lại được cộng tác với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) ở lĩnh vực này đã gần 10 năm qua. Tôi chỉ làm một việc nhỏ, viết lời bình cho khoảng 8 bộ phim, với độ 50 tập. Vì thế, những ý kiến hẳn sẽ rất chủ quan, vì của một người gần như “ngoại đạo”.
Viết lời bình phim tài liệu truyền hình - Nghĩ, viết và... thử nghĩ!

Viết lời bình phim tài liệu truyền hình - Nghĩ, viết và... thử nghĩ!

* Xem…

    Theo dõi chương trình của các đài truyền hình trong nước những năm qua, chúng tôi nhận thấy Đài Truyền hình TP.HCM là cơ quan báo chí đã liên tục sản xuất được nhiều PTLTH. Trong đó, có thấy phim dài tập, gây được tiếng vang trong công chúng như: Trung Hoa du kí, Mê Kông kí sự, Trường Sơn hùng tráng, Kí ức Điện Biên, Kí sự Tân đảo, Kí sự Amazon, Kí sự hỏa xa, Huyền bí sông Hằng,…

    Phim tài liệu của Đài Truyền hình TP.HCM cũng khá đa dạng, từ chuyện lịch sử, truyền thống Cách mạng, đến văn hóa, nghệ thuật, du lịch,… Đài lại mở rộng phạm vi khai thác đề tài, ở nhiều vùng, miền của cả nước và cả ở nước ngoài.

    Có được kết quả ấy, tôi nghĩ, bên cạnh các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, kinh phí,… có lẽ quan trọng hơn cả là do Đài đã có một đội ngũ vững vàng về tay nghề, có tài, tâm huyết với nghề, nhất là đã lao động thật nghiêm túc. Qua sự cộng tác với các anh, ban đầu tôi rất ngạc nhiên, khi thấy một ê-kíp làm phim đến chỗ tôi để mượn và quay tài liệu, chỉ là mấy cuốn sách của một nhà văn quá cố, nhưng lại mất đến vài tiếng đồng hồ. Tôi so sánh với một vài chỗ khác, cũng làm phim tài liệu, nhưng chỉ có hai người. Vậy mà, chỗ ấy vẫn làm được những thứ gọi là “phim tài liệu” trong vòng độ vài ngày. Quả là kì tài !

    Tôi không có ý tâng bốc các anh/ chị ở TFS, nhưng thật quý ở sự lao động nghiêm túc ấy. Nghề nào cũng vậy, sự nghiêm túc trong lao động có lẽ là yếu tố đầu tiên. Huống chi, ở đây là một nghề mang tính nghệ thuật. Trước năm 1945, nhà văn Thạch Lam, qua hình tượng nhân vật trí thức Hộ, để lên tiếng, việc viết văn dễ dãi, hời hợt là “bất lương”, thậm chí, ông còn nói là “đê tiện” nữa !

* Viết…

    Hẳn các anh/chị đều biết, ở phim tài liệu nói chung, PTLTH nói riêng, vai trò của lời bình ở mức độ khiêm tốn. Vì đương nhiên, nói đến phim tài liệu, trước hết phải nói tới vai trò của đạo diễn, của quay phim, bởi chất lượng hình ảnh và sự sắp xếp nó mới làm nên hồn cốt của tác phẩm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà lời bình chỉ là phần phụ, một thứ “gá vào”, hay “ăn theo”.

    Theo tôi, nên nhìn lời bình ở PTLTH như thế này:

    - Lời bình góp phần thể hiện ý đồ tư tưởng – nghệ thuật của đạo diễn. Khi nói tới phim tài liệu, mọi người hay nghĩ đến việc phản ánh hiện thực, người thật việc thật một cách trung thực. Nhưng chỉ dừng lại ở đó thì thật tội nghiệp cho nó. Nhà làm phim người Anh, John Grierson, khẳng định: Những bộ phim chỉ được làm đơn thuần để nói về cuộc sống hay con người thực mà không có mục đích định hướng khán giả, không thể hiện được quan điểm của tác giả đối với vấn đề, con người, sự vật đặt ra trong phim, thì đó không được gọi là PTL. Mang tư tưởng, thông điệp rõ ràng và sâu sắc, một bộ phim tài liệu mới có cơ hội giành được sự quan tâm của người xem. Viết lời bình cho bộ phim Thi tướng rừng xanh, tôi muốn cắt nghĩa về một huyền thoại có thật. Còn với Nguyễn Bình, Trung tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam, người đã mất ở một cánh rừng ngoài biên giới mà hơn 50 năm sau, chúng ta mới tìm được hài cốt và đưa về Nghĩa trang TPHCM, tôi nghĩ lại rằng, thời gian có thể phủ đầy những lớp bụi mờ lên những tháng năm đã qua. Nhưng thời gian không bao giờ lấy đi của con người những gì đã thuộc Nhân dân, thuộc về Dân tộc. Trên tượng đài Tổ quốc, muôn ngàn làn gió quê hương sẽ hát mãi những bài ca đẹp nhất về những anh hùng, những người con của đất nước.

    Dĩ nhiên, những ý tưởng như thế, hoặc của chính đạo diễn, hoặc phải có sự đồng thuận, sẻ chia của người tác giả thứ nhất ở bộ phim.

- Lời bình giúp hình ảnh, ngôn ngữ đặc trưng nhất của tác phẩm, được bộc lộ hết giá trị của nó. Khi làm phim tài liệu, nhất là không phải phim thời sự, nhiều trường hợp, hình ảnh rất thiếu, hoặc không đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đạo diễn, thì lời bình giúp cho ngôn ngữ của hình ảnh được sáng tỏ hoặc sâu sắc hơn. Nhà văn, nhà báo Dương Tử Giang mất khi mới ngoài bốn mươi tuổi trong cuộc vượt ngục phá khám Tân Hiệp, ngay trước cổng nhà tù, đến nay hầu như không thể tìm được hài cốt. Khi xem bản thô của bộ phim về Dương Tử Giang, tôi thấy kết phim, đạo diễn có để hình ảnh giữa bầu trời cao rộng, có một áng mây trắng thật mảnh, tôi nghĩ rằng, phải chăng tác giả muốn nói điều này:

    Từ ấy, mỗi buổi chiều khi đi ngang qua chốn địa ngục trần gian đó, bạn hãy nhìn xem, trên bầu trời xanh ngắt, bao giờ cũng một đám mây trắng, rất mảnh.

    Đó không phải là mây !

    Đó vành khăn tang của người mẹ đã mất đi đứa con ruột thịt của mình !

    Bây giờ, người mẹ đó cũng không còn. Nhưng vành khăn tang ấy sẽ còn mãi vì người mẹ Tổ quốc, vĩ đại và bao dung, yêu thương và cao cả, không bao giờ quên được những đứa con đã ngã xuống cho Công lý và Tự do, cho Độc lập và Hạnh phúc của non sông, đất nước này !


    Khi phim được dựng xong và chiếu trên đài truyền hình, tôi thật sung sướng vì hình ảnh và lời bình ấy còn nguyên. Tôi còn nghĩ, đó là tấm lòng của những người làm phim đối với một bậc tài danh của đất nước.

    - Lời bình bổ sung cho hình ảnh, âm thanh trong nhiều trường hợp không đầy đủ, hoặc không có được. Trước năm 1975, ở miền Nam có duy nhất một trại tù binh, đặt tại Phú Quốc mà có lúc số tù lên đến 40.000 người. Trong 6 năm tồn tại của nó, hơn 4.000 chiến sĩ quân Giải phóng đã chết. Vậy mà, bây giờ, ai ra Phú Quốc, cũng thấy chứng tích của nhà tù ấy chỉ còn chưa đến 1%. Tôi thấy ê-kíp làm phim tài thật. Các anh đã làm được một thiên phóng sự đến 30 tập phim, dĩ nhiên phải đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người, không chỉ ở Phú Quốc. Trong hoàn cảnh như thế, có lẽ không nhỏ trong việc kể với người xem huyền thoại về những người chân đất đầu trần, tay không tấc sắt nhưng đã biến một nơi mà bao người gọi là “địa ngục trần gian” thành một trường tranh đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, giống nòi.

    - Như nhiều tác phẩm truyền hình khác, phim tài liệu, công chúng không chỉ xem mà còn nghe nữa. Vấn đề là nghe có ý nghĩa, nghe thấy hay, nghe mà xúc động,… Trong sự nghe đó, có lời bình. Như vậy, lời bình là một thành tố của tác phẩm phim tài liệu truyền hình.

     Một khi đã xem lời bình không phải là yếu tố “ăn theo” của hình ảnh, hẳn cần được quan tâm, chăm sóc và đánh giá kĩ hơn !

* Nghĩ…

Chủ đề của buổi Tọa đàm hôm nay là Giải pháp nâng cao chất lượng và phát triển phim tài liệu truyền hình, hẳn bao gồm cả lời bình. Vì thế, từ thực tế Xem, Viết của bản thân, chúng tôi thử Nghĩ vài điều thô thiển để góp phần nâng cao chất lượng lời bình của phim tài liệu truyền hình:

    – Một là, mối quan hệ giữa đạo diễn và người viết lời bình.

    Ai cũng biết, vai trò của đạo diễn đối với một bộ phim, không riêng gì phim tài liệu là lớn nhất, nếu không nói là bao trùm. Nhưng một mình anh ta, dù tài giỏi cũng không thể làm nên bộ phim. Qua trường hợp của cá nhân tôi với anh Việt Bình ở 8 bộ phim tài liệu vừa qua, chúng tôi nghĩ ở đâu cũng có được mối quan hệ gắn bó, chia sẻ, thân tình như thế công việc hẳn sẽ thuận lợi và vui biết bao. Thành ra, ở nhiều bộ phim, chúng tôi chia sẻ, đồng cảm với anh ấy ngay từ ban đầu, lúc bộ phim chưa bấm máy. Chúng tôi luôn nghĩ rằng, cộng tác với nhau là cùng làm một việc có ích, có lúc vì sở thích của mình, cũng có lúc vì bạn mình nữa. Bởi thử hỏi các anh chị, nhiều khi để viết lời bình cho bộ phim chỉ có một tập 20 phút, về đề tài đôi khi với mình còn hoàn toàn xa lạ, sẽ mất bao nhiêu ngày, thậm chí bao nhiêu tuần, nếu không muốn làm một cách dối trá, làm lấy được?

    Người viết lời bình phim không hiểu ý đồ tư tưởng – nghệ thuật của đạo diễn, chứ đừng nói đến việc góp thêm một lời cho họ, hẳn sẽ đưa đến một sản phẩm “ông nói gà, bà nói vịt”, hoặc phải khiến cho nhiều người ở nhà Đài nhọc công chỉnh sửa, nắn gọt.

    – Hai là, trường hợp để có một lời bình hay, trở thành một phần máu thịt của tác phẩm, tốt nhất người viết là đạo diễn, tác giả kịch bản, hoặc nằm trong ê-kíp làm phim.

    Chúng tôi nói điều này, vì người trong cuộc sẽ hiểu rõ ý đồ tác giả, cùng với cả ê-kíp được chứng kiến những sự việc, hiện tượng, con người được phản ánh. Dù gì đi nữa, lời bình cũng là một loại văn sáng tác. Được chứng kiến trực tiếp các cảnh quay chắc chắn người viết sẽ dồi dào về ý tưởng và cảm xúc hơn. Trường hợp bất khả, bản thân người viết lời bình sẽ rất nhọc công tra cứu tài liệu, tự biến mình thành người chứng kiến và nhất là phải tự khơi nguồn cảm hứng, nếu không lời bình chỉ có lời mà không có tiếng.

    – Ba là, người viết lời bình phải đạt được những yêu cầu nhất định đối với đề tài.

    Điều này có nghĩa, không phải ai cũng có thể viết được tất cả các đề tài, từ chính trị, văn hóa, khoa học, đến tôn giáo, nghệ thuật,… Đài Truyền hình TP.HCM nên tìm kiếm nhiều người viết ở nhiều lĩnh vực. Như vậy, ngay trong lời bình phim của Đài cũng sẽ có sự đa dạng và chuyên sâu.

    Về phía bản thân người viết lời bình, bên cạnh việc hiểu rõ ý đồ của đạo diễn, có kiến thức sâu rộng với đề tài còn cần phải biết lời bình là loại văn sáng tác đặc thù. Đó không phải là một bút kí hay tùy bút, càng không phải là một bài báo dài. Trái lại, lời bình được viết theo một yêu cầu có sẵn, trong khuôn khổ có sẵn, thậm chí phải chính xác đến từng giây. Nhưng nếu viết chỉ để đáp ứng yêu cầu đó, lời bình sẽ thần xác nát thần hồn. Lời bình đòi hỏi người viết thật khắc khe, nhưng vẫn không được đánh mất tính sáng tạo của mình. Viết lời bình cho những phim của TFS tôi cảm thấy mình rất tự do vì bộc lộ được suy nghĩ và cảm xúc của mình mà có lẽ không trái tư tưởng – nghệ thuật các anh/chị muốn thể hiện. Mặt khác, lời bình là loại văn viết để công chúng nghe chứ không phải để đọc. Hiểu rõ và chú trọng đến tâm lí của người tiếp nhận là điều không thể bỏ qua đối với người viết lời bình. Cá nhân, khi viết thường kĩ lưỡng từng câu, từng dòng, không chỉ về mặt ngữ nghĩa mà cả về âm thanh, nhịp điệu.

    – Bốn là, người thể hiện lời bình trong phim.

    Tôi để ý thấy Đài Truyền hình TP.HCM có vài giọng đọc lời bình hay, gây được cảm tình đối với khán giả xem đài. Tuy nhiên, cũng như người viết, anh có thể đọc tốt ở bộ phim này nhưng không phù hợp với bộ phim kia. Tôi không rõ cách tổ chức công việc của Đài, nhưng mong rằng, người thể hiện lời bình cũng là một thành viên trong ê-kíp làm phim. Được như vậy, người đó sẽ không làm việc một cách cứng nhắc, mà đọc sáng tạo, nhất là không đọc sai từ, sai câu, sai cả ngữ điệu của lời bình.

* Lời kết

    Mãi đến cách đây một tháng, tôi mới có dịp đến hãng phim TFS.

Trong công việc, dù có thời gian gắn bó lâu hơn, nhưng có lẽ chúng tôi không hiểu được nhiều lắm quá trình tác nghiệp của các anh/chị. Thành ra, những lời ở trên thật chẳng khác nào múa rìu qua mắt thợ. Vì thế, như đã nói từ ban đầu, chỗ nào bất cập, mong các anh/chị hãy để gió cuốn đi.

Không hiểu nhiều, song chúng tôi rất khâm phục về khối lượng phim TLTH mà Đài Truyền hình TP.HCM đã thực hiện trong những năm qua, đặc biệt là rất quý sự lao động nghiêm túc của các anh/chị.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn bày tỏ với Đài Truyền hình TP.HCM là các anh/chị đã có những bộ phim tài liệu thật công phu, đồ sộ, nói theo ngôn ngữ bây giờ là hoành tráng nữa. Những bộ phim đó như sông Hằng kì bí, sông Mê Kông vạm vỡ, sông Amazon phóng khoáng và hoang dã, hay dặm dài Hỏa xa. Nhưng có lẽ, các anh/chị còn ít những phim ngắn mà tinh xảo, không thiếu, không thừa một khuôn hình, lại không lắm lời nhưng đủ khiến người xem nhớ lâu và mong được xem lại nhiều lần…
Tác giả bài viết: Bùi Quang Huy
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
  
   Cổng thông tin chính thức của HỘI ĐIỆN ẢNH TP.HCM
   Địa chỉ: 81 Trần Quốc Thảo (lầu 6), Phường Võ Thi Sáu,  Quận 3, TP.HCM - ĐT: 028.39321229
   Email: hoidienanhtphcm@gmail.com Giấy phép số 50/GP-ICP-STTTT.